Mô hình kinh tế Yên Minh Cánh Đồng Đạt 70 Triệu/ha/vụ Nhờ Trồng Lúa Japonica ĐS 1
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Yên Minh Cánh Đồng Đạt 70 Triệu/ha/vụ Nhờ Trồng Lúa Japonica ĐS 1

Publish date Tuesday. July 15th, 2014

Yên Minh Cánh Đồng Đạt 70 Triệu/ha/vụ Nhờ Trồng Lúa Japonica ĐS 1

Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.

Xác định đây là giống lúa mới có tiềm năng để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, vụ Xuân vừa qua, huyện duy trì gieo cấy tập trung ở xã Mậu Duệ và thí điểm ở vùng trọng điểm lúa trên địa bàn toàn huyện với tổng diện tích hơn 100 ha.

Kết quả thật khả quan, những cánh đồng trồng giống lúa mới này cho năng suất, sản lượng cao vượt trội so với các giống lúa khác, hạch toán kinh tế đạt bình quân 70 triệu đồng/ha/vụ.

Vào thôn Nà Sài, xã Mậu Duệ trong một ngày cuối tháng 6, trên những cánh đồng, bà con nông dân đang cấy lúa vụ Mùa. Những năm trước, vào thời điểm này bà con mới gặt xong vụ Xuân, đang chuẩn bị làm đất để gieo cấy vụ Mùa.

Năm nay, nhiều diện tích cấy sớm hơn hàng tháng là do bà con chuyển đổi cơ cấu giống, từ lúa lai Shan ưu 63 sang trồng giống lúa mới Japonica ĐS 1. Đây là giống lúa chịu lạnh nên gieo cấy trước Tết âm lịch nửa tháng, trước đây cứ sau ngày 15 tháng Giêng, bà con mới xuống đồng. Thế nên, đây là năm đầu tiên xã cấy lúa vụ Mùa theo đúng lịch thời vụ của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đình Thái, Bí thư Chi bộ thôn Nà Sài cho biết, diện tích đất lúa cả thôn có 10 ha, trong đó có 7 ha đất lúa 2 vụ. Đồng đất nơi đây tập trung nên bà con đã chuyển đổi cơ cấu giống là thực hiện trên 100% diện tích.

Thế nên, vụ đầu tiên đưa giống lúa mới vào gieo trồng theo kế hoạch của xã, thôn thực hiện thành công, gần 100% diện tích trồng lúa Japonica ĐS 1. Khi thu hoạch, gia đình nào cũng vui bởi năng suất lúa cao hơn so với các năm trước, vui hơn nữa là khi đem thóc ra chợ bán lấy tiền trang trải cuộc sống, còn dễ bán và được giá.

Chúng tôi vào nhà bác Nguyễn Văn Vinh, nằm ngay trung tâm thôn Nà Sài, vụ Xuân vừa thu hoạch nên trong nhà, ngoài sân chỗ nào cũng có thóc. Gia đình bác có khoảng 0,4 ha đất trồng lúa vụ Xuân, những năm trước được trồng bằng giống lúa lai Shan ưu 63, năm được mùa, năm mất mùa nhưng bình quân thu từ 50 đến 60 bao thóc.

Đến vụ Xuân năm nay, thực hiện theo kế hoạch của xã cũng như nhìn thực tế thấy bà con thôn Cốc Cai thí điểm trồng lúa giống mới cho năng suất cao trong năm 2013 nên gia đình bác đã chuyển đổi trồng gần hết diện tích bằng giống Japonica ĐS 1, chỉ có ít diện tích trồng lúa nếp.

Bác Vinh vui vẻ cho biết: “Năm đầu tiên đưa giống lúa mới vào trồng gần hết diện tích, biết là xã đã trồng thử nghiệm thành công ở thôn Cốc Cai nhưng tôi vẫn lo. Tuy nhiên, đến nay sau khi kết thúc mùa vụ tôi khẳng định đây là giống lúa tốt. Trước tiên là năng suất đạt cao, vụ này gia đình thu được trên 70 bao thóc, hơn 10 bao so với vụ trước.

Chất lượng gạo ngon nên khi đem ra chợ rất dễ bán và giá được 10.000/kg thóc, cao hơn 2.000/kg so với các giống lúa khác. Giống lúa này dễ trồng, chăm sóc và đặc biệt là cả vụ không bị sâu bệnh, không phải phun thuốc”. Trong thời gian thu hoạch, gia đình bác Vinh cũng chọn những bông lúa cao, chắc hạt dự tính làm giống cho vụ Xuân năm sau.

Mậu Duệ là xã đầu tiên ở huyện thực hiện mô hình thí điểm trồng lúa Japonica ĐS 1 tại thôn Cốc Cai năm 2013. Sau 2 vụ trồng thử nghiệm (vụ Xuân 5 ha, vụ Mùa 5 ha), ngành Nông nghiệp khẳng định đây là giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, cho năng suất cao và đặc biệt chất lượng gạo ngon, có thể hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, đây là giống lúa chịu lạnh nên chỉ trồng trong vụ Xuân.

Do đó, xã mở rộng diện tích trồng giống lúa mới ở 7 thôn trên địa bàn với tổng diện tích 40 ha. Kết quả, năng suất lúa bình quân toàn xã vụ Xuân năm nay đạt 64 tạ/ha, riêng diện tích trồng lúa Japonica ĐS 1 đạt 72 tạ/ha. Đây là năng suất lúa bình quân của giống lúa trồng đại trà trên địa bàn đạt cao nhất từ trước đến nay.

Đồng chí Giàng Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã vui vẻ khoe: “Giống mới năng suất cao, chất lượng gạo ngon nên dễ tiêu thụ và giá bán cao nên hạch toán kinh tế cho thấy những cánh đồng trồng lúa Japonica ĐS 1 cho thu nhập 70 triệu/ha/vụ.

Như vậy, việc mở rộng diện tích lúa Japonica ĐS 1 bước đầu giúp xã thực hiện mục tiêu trong sản xuất là nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác, hình thành cánh đồng thâm canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Mặt khác, đây là giống lúa chịu lạnh nên xã đẩy lịch thời vụ gieo trồng sớm hơn so với trước hàng tháng, điều đó giúp xã chủ động hơn trong việc lựa chọn giống cây trồng và triển khai sản xuất cây vụ Đông”.

Việc xây dựng cánh đồng chuyên canh, thu nhập cao trong vụ Xuân vừa qua giúp bà con nâng cao thu nhập, đó là một trong những tiêu chí quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới mà xã Mậu Duệ đang tích cực thực hiện.

Ngoài xã Mậu Duệ, vụ Xuân vừa qua huyện Yên Minh thí điểm trồng giống Japonica ĐS 1 ra địa bàn các xã trọng điểm lúa như Bạch Đích, Hữu Vinh, Du Già, Đông Minh với tổng diện tích 104 ha.

Do đây là giống lúa mới, đang trong thời gian trồng thử nghiệm nhằm đánh giá tiềm năng và tính thích nghi nên huyện tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ 100% giá giống, 100% vôi bột khử chua đồng ruộng và một phần phân bón cho nhân dân.

Đến nay, ngoài xã Mậu Duệ đánh giá năng suất đạt 72 tạ/ha, tiếp tục khẳng định tính thích nghi của giống lúa mới trên địa bàn, các xã còn lại cũng đã gặt thử nghiệm và cho năng suất từ 65 đến 70 tạ/ha, trong khi đó năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 59 tạ/ha (diện tích lúa Xuân chủ yếu trồng lúa lai San ưu 64).

Đồng chí Phạm Tiến Tình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Có thể khẳng định, sau 3 vụ trồng thí điểm, giống lúa Japonica ĐS 1 thực sự thích nghi với điều kiện thời tiết, đất đai và trình độ canh tác tại xã Mậu Duệ. Do đó, trong vụ Xuân những năm tới xã tiếp tục triển khai gieo cấy giống lúa mới này thay thế cho các giống lúa khác.

Đối với các địa phương còn lại, vụ đầu tiên trồng thí điểm nên huyện tiếp tục thử nghiệm trong vụ Xuân nắm tới để có đánh giá và khuyến cáo chính thức. Dù vậy, bước đầu đánh giá việc trồng lúa Japonica ĐS 1 hiệu quả hơn các giống khác, không chỉ trên phương diện năng suất mà đây còn là giống lúa chất lượng, giá ban cao, dễ tiêu thụ”.

Thực hiện các mô hình thí điểm các loại cây trồng mới là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp, nhằm lựa chọn bộ giống phù hợp để phát triển sản xuất thành vùng tập chung theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Giống lúa Japonica ĐS 1 trên địa bàn huyện Yên Minh bước đầu đáp ứng được yêu cầu đó.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Bắc Quang Phấn Đấu Gieo Cấy Đạt 4.946 Ha Lúa Vụ Mùa Bắc Quang Phấn Đấu Gieo… Trực Tuyến Về Công Tác Quản Lý Chất Lượng Vật Tư Nông Nghiệp Và ATTP Nông Lâm Thủy Sản Trực Tuyến Về Công Tác…