Tin nông nghiệp Xuất khẩu nông sản chạy nước rút để về đích
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Xuất khẩu nông sản chạy nước rút để về đích

Author Thanh Tâm, publish date Monday. September 12th, 2022

Xuất khẩu nông sản chạy nước rút để về đích

Gặp khó trong thu hoạch vì thiếu xăng dầu

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn tác động đến thị trường nông sản, ngành nông nghiệp vẫn cố gắng bám đuổi để về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao. Qua 8 tháng, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Trong đó, việc thiếu hụt cục bộ xăng dầu tại một số địa phương, cũng như giá dầu tăng cao đã và sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu năm 2022 nhưng do một số cây xăng bị hết hàng đã ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình thu hoạch.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt xác nhận có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ở một số địa phương phía Nam thiếu hàng, không cung cấp được nhiên liệu cho máy móc nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ thêm: nhiệm vụ quản lý, điều hành thị trường xăng dầu là lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương, tuy nhiên nếu không ổn định cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất, thu hoạch lúa gạo, tác động tới ngành nông nghiệp.

“Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc kiểm tra, khẳng định đây là hiện tượng thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo ổn định trong cung ứng xăng dầu”, ông Cường đề nghị.

Bên cạnh đó, vụ thu hoạch lúa Hè Thu đang bắt đầu, do vậy chính quyền địa phương cần theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu để có giải pháp, rà soát diện tích lúa thu hoạch để đáp ứng cung ứng xăng dầu thế nào cho phù hợp, đảm bảo có đủ nhiên liệu tránh hiện tượng lúa chín ngoài đồng không thu hoạch được, hoặc thu hoạch muộn gây thất thoát.

Bên cạnh khó khăn về thu hoạch, xuất khẩu gạo cũng đối mặt với nguy cơ giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm. Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc xuất khẩu gạo có đạt được 6,5 – 6,7 triệu tấn trong năm nay hay không, cũng như giá gạo thế nào còn phụ thuộc vào thị trường thế giới. “Trên thị trường thế giới, giao dịch lúa mì khoảng trên 500 triệu tấn, tuy nhiên, giao dịch thị trường lúa gạo chỉ khoảng 40 - 50 triệu tấn và tập trung ở vùng châu Á”, ông Cường cho biết thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản mắc kẹt với “thẻ vàng”

Trong khi đó, với ngành xuất khẩu chủ lực khác là thủy sản thì mối lo khó gỡ được "thẻ vàng" của Uỷ ban Châu Âu (EC) ngày càng lớn. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, cho biết cuối tháng 10, đoàn công tác của EC sẽ sang kiểm tra tình hình thực tế việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của Việt Nam. Tại Việt Nam, đoàn công tác của EC chủ yếu kiểm tra 4 nội dung, trong đó gồm khung pháp lý; quản lý giám sát đội tàu; kiểm tra truy xuất nguồn gốc từ lúc tàu xuất bến tới lúc cập cảng về nhà máy và xuất đi; xử phạt vi phạm hành chính của các tỉnh. EC sẽ tới nhiều địa phương và kiểm tra kỹ tại các cảng cá.

Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết khả năng cao đợt này chưa gỡ được "thẻ vàng" và nguy cơ bị phạt lên "thẻ đỏ" vẫn rất lớn. Nguyên nhân là do các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu do khá xập xệ. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát.

Công tác đào tạo nhân sự chuyên về kiểm soát chất lượng hiện cũng chưa đáp ứng, mỗi năm chỉ vài người đáp ứng. Trong khi đó, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn với khoảng 62 tàu cá. Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này lên các tàu khác.

Thách thức ngành gỗ

Hay với ngành gỗ và lâm sản, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021, tuy vậy vẫn đang phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022.

Bốn tháng cuối năm, ngành lâm sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh thương mại, tác động từ xung đột Nga - Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát… Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động.

Trước những vấn đề về đơn hàng, các doanh nghiệp gỗ đã tham gia nhiều hội chợ đồ gỗ mỹ nghệ trong nước và quốc tế để tìm kiếm các đối tác mới, mở rộng thị trường ở cả nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ Việt cũng đổi mới dây chuyền, công nghệ để giảm giá thành, nâng giá bán.

Về vấn đề Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đang phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) nhằm minh bạch các thông tin, không để doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gỗ Việt.

Điều này cho thấy thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp; Chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO.

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới

Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho biết: Hiện, thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi đối với nông sản nhập khẩu. Đó là, thay đổi trong hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm với các thủ tục đánh giá rủi ro nhập khẩu mới; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý và giám sát trên cơ sở thực hiện Lệnh 248, 249; các chính sách bảo đảm an toàn dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua giám sát hệ thống quản lý phòng dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kiểm tra Covid-19 trên bao bì và phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh... Chính vì vậy, các quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển nông sản của Việt Nam đều cần được chuẩn hóa để phù hợp với yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới.

Đối với mặt hàng rau quả và trái cây tươi, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn. Thống kê cho thấy, hằng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 500 triệu tấn rau củ; 120-130 triệu tấn trái cây tươi; 30-35 triệu tấn trái cây qua chế biến (nước trái cây, trái cây đông lạnh); nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn trái cây tươi từ thế giới, giá trị hơn 10 tỷ USD/năm. Riêng với sầu riêng và chanh leo, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn trong thời gian qua và tăng đều qua các năm.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) cho rằng: Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng của Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để sầu riêng bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc.

Hiện công ty đã liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch; đồng thời đẩy mạnh thiết lập hồ sơ đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, hướng tới xây dựng vùng liên kết sản xuất sầu riêng có diện tích lớn nhất cả nước được cấp mã. Đầu năm 2022 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Krong pac Durian Sầu riêng Krông Pắc" cho sầu riêng huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và là cơ sở để xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam.

Về mặt hàng thủy sản, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO) Lê Hằng cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm. Từ đó, có thể tìm hiểu kỹ từng vùng, địa phương để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau. Trung Quốc hiện nay có 26 tỉnh, thành phố đang nhập khẩu thủy sản, có thể coi đây là 26 thị trường, giống như tiếp cận thị trường thành viên của EU. Chính sách, quy định của các địa phương ở Trung Quốc hiện không nhất quán, không theo thông lệ nhất định nên cần có khảo sát ở cấp độ thị trường địa phương để khai thác nhu cầu và gia tăng thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Trong đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát dịch bệnh. Theo Cục Thú y, việc xây dựng vùng, chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tính đến nay, cả nước đã có 24 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cục đang tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu, bao gồm: Tập đoàn Việt Úc (Bạc Liêu, Bình Định và các địa phương khác); Công ty cổ phần Thực phẩm Trung Sơn (Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên), Công ty TNHH Moana Ninh Thuận. Chi cục Chăn nuôi và Thú y một số tỉnh cũng đang hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đặc biệt là khảo sát và hướng dẫn xây dựng kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh.

Ông Nguyễn Sơn (Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) cho biết: Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề liên quan nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Theo đó, hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; ban hành Lệnh 248, 249; tăng cường thực thi pháp luật với chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp; tái cơ cấu bộ máy quản lý khi sáp nhập một phần chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) vào Tổng cục Hải quan.

Ngoài ra, nước này còn đổi mới phương thức quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại biên giới và quản lý quy trình sản xuất nông sản tại cơ sở nuôi trồng hàng xuất khẩu thông qua việc kiểm tra giám sát cơ sở; đăng ký mã nhà xuất khẩu, nhà sản xuất; mã vạch truy xuất nguồn gốc; chứng nhận quy trình nuôi trồng VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với nông sản nhập khẩu trên cơ sở giám sát tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, nguồn xả thải của các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản,...

Do đó, trước mắt, các địa phương, vùng trồng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhân rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP). Về lâu dài, cần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng các nguồn nguyên liệu của quá trình sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế và giảm xả thải ra môi trường. Muốn làm được điều này thì cần giải quyết thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là đòi hỏi sản xuất quy mô lớn và nguồn vốn lớn đầu tư vào công nghệ.

Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) Lê Anh Trung thông tin thêm: Việc ký Nghị định thư xuất khẩu nông sản với Trung Quốc mở ra cơ hội cho hàng hóa nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người sản xuất và doanh nghiệp. Cụ thể như đối với sầu riêng, ngoài việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thì trung tuần tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số cơ sở đóng gói, vùng trồng sầu riêng theo danh sách Cục Bảo vệ thực vật gửi cho hải quan Trung Quốc. Sau khi kiểm tra, đánh giá mới có kết luận và thông báo chính thức các mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu.

Do đó, muốn thích ứng nhanh, hiệu quả với những yêu cầu từ phía Trung Quốc thì liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng. Trong đó, cần xác định rõ đối tượng muốn tham gia liên kết thông qua hội nghị định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ; tổ chức tập huấn theo nhóm quy trình sản xuất, quy định của thị trường xuất khẩu; tổ chức tập huấn truy xuất nguồn gốc giúp người sản xuất sử dụng phần mềm như công cụ bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ngoài ra, cần minh bạch quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã và người sản xuất trực tiếp để thực hiện sản xuất và xuất khẩu bền vững.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển Phát triển bền vững nghề… Nông dân Hà Tĩnh khẩn trương thu hoạch lúa hè thu sau mưa lớn Nông dân Hà Tĩnh khẩn…