Tin nông nghiệp Xuất khẩu nông sản cần làm gì để nối dài đà thắng?
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Xuất khẩu nông sản cần làm gì để nối dài đà thắng?

Author Thanh Tâm, publish date Monday. July 18th, 2022

Xuất khẩu nông sản cần làm gì để nối dài đà thắng?

Dù đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine khiến đứt gãy chuỗi cung ứng và đẩy giá nhiều vật tư đầu vào, nhất là xăng dầu, phân bón tăng cao nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương, đặc biệt là việc nhà nông, doanh nghiệp chủ động thích ứng tình hình, sản xuất và xuất khẩu nông sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chúng ta vẫn đạt kết quả tích cực, xuất siêu 5,75 tỷ USD. Tuy vậy, hành trình phía trước còn rất nhiều thách thức.

Bài 2:  Cần làm gì để nối dài đà thắng?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt  27,88 tỷ USD chứng tỏ nông sản chúng ta đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng. Vậy cần làm gì để nối dài đà thắng trong bối cảnh hiện nay?

Lấy thị trường để điều chỉnh sản xuất

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, ngành Nông nghiệp và PTNT nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị tổng kết năm 2021 là làm sao trong năm 2022 xuất khẩu đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021). Ngành cũng đưa ra con số rất khiêm tốn là trên 50 tỷ USD. Nhưng, Thủ tướng nói rằng, trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa.

Đến hết tháng 6, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào thành công của việc tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: Càphê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên chặng đường phía trước vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp cũng đã vượt qua hàng loạt khó khăn như dịch Covid-19, vấn đề thông cửa khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

“Ngành Nông nghiệp cũng tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Chỉ khi chúng ta điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận như thế và con số xuất khẩu mới được như thế.

Rõ ràng đây mà xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng như Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo tư duy mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có.

Bên cạnh những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và bà con nông dân đều âu lo, đều thấp thỏm là vật tư đầu vào (vấn đề tồn tại nhiều năm) nhưng có một tín hiệu là đã có nhiều nông dân tự mình giảm chi phí đầu vào bằng cách dùng các chế phẩm sinh học tự sản xuất được trong nhà”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT, Bộ đã bắt đầu giao cho viện, trường nghiên cứu các giải pháp. Một trong những chiến lược sắp tới là tính toán chi phí, bởi chi phí là thứ có thể quyết định được còn giá bán đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định. Việc giảm chi phí nông nghiệp là một chiến lược. Nhiều mô hình của chính bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, những mô hình mà Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các tổ chức quốc tế định hình ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, kể cả ở Tây Nguyên trong lĩnh vực cà phê.

Chúng ta đạt được mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên. Mặc dù sản lượng không cao bởi vì dùng hữu cơ và chế phẩm sinh học nhưng chính bà con nói rằng ít như vậy nhưng giá bán cao hơn, bù được, thậm chí còn lời hơn so với theo tư duy truyền thống, khi chúng ta quá lạm dụng vật tư đầu vào khiến chi phí đội lên, chất lượng nông sản lại không đạt được yêu cầu của thị trường. Đến giờ, con số xuất khẩu đạt được 27,88 tỷ USD, chứng tỏ rõ ràng rằng nông sản chúng ta đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường.

Chiến lược tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Dù con đường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang rộng mở, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong sản xuất để có thể đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7,61 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu. Nhóm mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%), tôm, cá tra, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, gạo... Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam với giá trị đạt 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc là rau quả, cao su, sắn (khoai mì), gạo, thủy sản...

Để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính, Việt Nam cần có những chiến lược phù hợp.

Bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tại Bến Tre, nơi có 8.000ha bưởi da xanh, những khu vườn đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn bổ sung được nông dân tiếp nhận nhanh chóng.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre, cho biết: “Những thành viên hợp tác xã có diện tích lớn, đã đạt VietGAP hoặc GlobalGAP, mình tiến hành xây dựng mã code vùng trồng để các đơn vị tư vấn hỗ trợ, giúp đỡ cho quá trình chuẩn bị”.

Ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay. Nỗ lực đa dạng hóa thị trường đang chuyển dịch rõ nét khi tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang châu Âu và châu Mỹ liên tục tăng.

“Một là chúng ta hình thành những liên minh của những nhà xuất khẩu vì chúng ta không thể đi một mình, nếu doanh nghiệp này không có hàng thì doanh nghiệp kia có hàng. Đi chung như vậy, chi phí logistics sẽ giảm xuống và có liên minh như vậy để chúng ta xây dựng vùng nguyên liệu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định.

“Chúng ta đã có đà tăng trưởng từ cuối năm 2021 sau khi Nghị quyết 128 ra đời, đặc biệt trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương liên tục tổ chức các phiên tư vấn chính sách đối với các thị trường. Theo đó, chúng tôi tập trung vào những thị trường, mặt hàng cụ thể, trong đó có đại diện của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước trao đổi về những chính sách của nước bạn, nhu cầu của nước bạn đối với từng mặt hàng. Chúng tôi cho rằng đó là những cái doanh nghiệp thực sự cần”, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan để có thể đạt trên 50 tỷ USD về xuất khẩu nông sản trong năm nay. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… là những giải pháp trọng tâm đang được ngành nông nghiệp triển khai.

Để đa dạng hóa thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã lên kế hoạch đàm phán xuất khẩu hàng loạt mặt hàng mới, như ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi sang New Zealand, Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU… Đây đều là những thị trường khó tính đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vì vậy để có được tấm giấy thông hành vào những thị trường này, phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh.

Chế biến cá tra nguyên con xuất khẩu tại Nhà máy chế biến thuỷ sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh

Xây dựng trung tâm kết nối nông sản

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu tại Quảng Ninh theo hình thức xã hội hóa. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi trung tâm được vận hành, việc kiểm dịch sẽ được tiến hành một lần ngay tại trung tâm, sau đó xe có thể thông quan và chạy sâu vào nội địa Trung Quốc hay giao hàng theo phương thức khác tùy thỏa thuận của thương nhân hai bên. Trong trường hợp xảy ra ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, hàng hóa trên xe có thể được đưa xuống trung tâm để sơ chế, đóng gói, tạm trữ lâu hơn, tránh phải bảo quản hàng hóa trên container. Khi xảy ra tình huống phát sinh dịch bệnh, trung tâm sẽ trở thành “vùng xanh”, bảo đảm nông sản từ trung tâm đáp ứng tiêu chuẩn về phòng, chống dịch của nước bạn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Một trong những nội dung của nghị quyết là cho phép áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Đây là một định hướng rất lớn về chủ trương, chính sách mà Quốc hội khóa XV ban hành để mở đường cho việc chủ động hơn trong kết nối giữa các vùng sản xuất, nông dân với thương nhân và thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở khu vực ĐBSCL cũng được các thương nhân thu gom và xuất khẩu một tỷ trọng rất lớn sang thị trường Trung Quốc. Khi trung tâm này được xây dựng và vận hành, việc điều tiết luồng hàng tiêu thụ nội địa và kết nối với các thị trường xuất khẩu sẽ khoa học, dễ dàng hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần làm giảm ùn tắc hàng hóa ở khu vực cửa khẩu.

Tuy vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng để có sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của từng loại thị trường. Thị trường nội địa cũng sẽ càng ngày càng khó tính hơn. Do vậy, việc tổ chức lại sản xuất không chỉ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mà còn để đáp ứng chính nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, phía Trung Quốc đã đồng ý quan điểm hai bên sẽ tiếp tục làm việc để mở rộng thêm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch. Bộ đang phối hợp cùng Bộ Công Thương để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc mở rộng các loại nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hải quan Trung Quốc cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác với hải quan Việt Nam để xây dựng hải quan “3 thông minh” (hải quan thông minh, biên giới thông minh, thông quan thông minh), tạo thuận lợi cho việc thông quan của hai nước...

Xây dựng cổng thông tin về nông sản

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có chương trình khuyến khích xây dựng mã định danh vùng nuôi trồng, cơ sở chế biến để phục vụ cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Các thông tin về sản lượng thu hoạch dự kiến ở từng vùng sản xuất sẽ được đưa lên cổng thông tin dùng chung về nông sản từ sớm. Chẳng hạn, ngay khi một vùng sản xuất xuống giống thì đã tính toán được sản lượng dự tính khi thu hoạch để cung cấp lên cổng thông tin dùng chung. Các trung tâm, các hiệp hội ngành hàng, các nhà phân phối trong và ngoài nước sẽ lấy thông tin từ cổng thông tin dùng chung để chuẩn bị và xác định sẽ tham gia thị trường ở phân khúc nào, sản lượng bao nhiêu, từ đó chủ động kết nối với vùng sản xuất ngay từ đầu mùa vụ.

Đây là giải pháp rất hay và thiết thực. Lâu nay, chúng ta vẫn sản xuất và kinh doanh theo thói quen và bán những gì mình có mà không biết thị trường có cần hay không. Cứ đến mùa vụ nào là nông dân xuống giống mùa vụ ấy. Khi thu hoạch, nông dân bị động chờ thương lái tới thu mua. Thương lái thu mua nông sản của nông dân rồi đưa lên biên giới bán cho thương lái Trung Quốc như những người bán hàng ở chợ truyền thống Việt Nam, bày hàng ra và bị động chờ người tới mua.

Nếu cổng thông tin dùng chung về nông sản được xây dựng và vận hành thường xuyên, các thông tin về sản lượng hàng hóa ở từng vùng sản xuất được tích hợp, tính toán, ước lượng và cập nhật hằng ngày thì các thương nhân Việt Nam có thể chủ động kết nối sớm với từng vùng sản xuất, dự kiến phương án đóng gói, bảo quản và liên kết sớm với thương nhân nước ngoài, chủ động thương thảo về giá cả, phương thức mua bán, giao nhận, thanh toán... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và chúng ta sẽ chủ động cùng đối tác dẫn dắt thị trường, thay vì bị động từ đầu chí cuối như hiện nay.

Với chức năng quản lý thống nhất trên cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” điều tiết các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng quy hoạch vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi dựa trên thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu ổn định, tiếp đà thắng lợi cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Ngành Nông nghiệp và PTNT phấn đấu xuất khẩu nông sản năm nay đạt 55 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu được giao 5 tỷ USD). Thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu.

Đồng thời, Bộ Công Thương với những “cánh tay nối dài” là tham tán thương mại ở rất nhiều nước trên thế giới cần giúp người dân, doanh nghiệp nắm rõ từ quy định về tiêu chuẩn hàng hóa cho tới thủ tục nhập khẩu hàng hóa của nước sở tại, nhất là những thay đổi trong chính sách, pháp luật về nhập khẩu hàng hóa của nước bạn; cung cấp thông tin về thị trường, sự biến động về giá cả và thói quen tiêu dùng của thị trường mà tham tán thương mại hoạt động để Bộ Công Thương tích hợp, cung cấp mỗi ngày tới doanh nghiệp, thương nhân trong nước; đồng thời phải quảng bá được hàng hóa Việt Nam nói chung, nông sản nói riêng, nhất là thông tin về sản lượng, chất lượng, vùng nuôi trồng, năng lực cung ứng hàng hóa của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp thương mại, các nhà phân phối hàng hóa ở nước sở tại.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Công Thương cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn, chặt chẽ hơn nữa để tăng cường sự kết nối từ sản xuất tới thị trường. Nếu các cơ quan hữu quan, cán bộ, công chức đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc, thì hàng nông sản Việt Nam mới có thể có cơ hội cạnh tranh tốt với hàng nông sản của các nước khác.

Kích hoạt niềm tin xã hội

Đưa ra những dự báo cho kinh tế nước nhà nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, những gì đúc kết được, thông tin đánh giá, từ năm 2021 khó khăn, 6 tháng đầu năm khó nhưng chỉ số xếp hạng, chỉ số cạnh tranh, tiếp cận thị trường, thương mại, du lịch do các tổ chức quốc tế xếp hạng khách quan, thể hiện nước ta đã đứng vững, có hình ảnh, vai trò. Tuy nhiên, bối cảnh này không phải “xuôi chèo mát mái” mà sẽ vẫn có nhiều khó khăn thách thức.

Riêng nông nghiệp, sau khi đi đàm phán, sắp tới Việt Nam được chọn là trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm, lương thực châu Á, họ có niềm tin để quyết định đầu tư.

Niềm tin do nhiều yếu tố, thông điệp lãnh đạo đưa ra: Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, và chúng ta luôn thực hiện thông điệp đó. Thời gian gần đây, về nông nghiệp chúng ta ngày càng năng động. Từ nông sản thô bán ở thị trường dễ tính đã đi đến thị trường khó tính dù số lượng chưa nhiều, cho thấy sản phẩm nông nghiệp đáp ứng chuẩn mực cao nhất của thế giới.

Niềm tin xã hội quyết định con đường ta đi. Nếu nhìn khía cạnh lạc quan hơn, những tín hiệu mặc dù là nhỏ, nhưng cần nhìn vào sức lan toả ra, không phải vì nhỏ quá mà không để ý. Còn nhiều vấn đề day dứt, nhưng cần nhìn tích cực, kích hoạt niềm tin xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Lưu ý đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và biện pháp chăm sóc lúa mới cấy vụ mùa năm 2022 Lưu ý đẩy nhanh tiến… Xuất khẩu nông sản để các bên cùng thắng Xuất khẩu nông sản để…