Mô hình kinh tế Phát Triển Bò Lai Bán Thâm Canh Ở Hải Lăng
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Phát Triển Bò Lai Bán Thâm Canh Ở Hải Lăng

Publish date Friday. September 12th, 2014

Phát Triển Bò Lai Bán Thâm Canh Ở Hải Lăng

Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Tập trung phát triển đàn bò lai

Huyện Hải Lăng có nhiều tiềm năng ở cả 3 vùng: gò đồi, đồng bằng và vùng cát ven biển để phát triển chăn nuôi gia súc lớn, tuy nhiên, thời gian qua chăn nuôi bò ở địa phương chưa phát triển mạnh. Các năm từ 2005 đến 2012 đàn bò liên tục giảm, tỷ lệ bò lai, nhất là bò lai trên 50% máu ngoại còn thấp.

Trước thực tế đó, năm 2012, UBND huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo các giống bò mới và xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản, bò nhốt chuồng phù hợp với tập quán chăn nuôi của bà con nông dân, tận dụng nguồn thức ăn từ rơm, cỏ sẵn có.

Nhờ vậy, năm 2013 tổng đàn bò đã tăng trở lại và trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi bò lai bán thâm canh có hiệu quả. Một số địa phương có tỷ lệ bò lai cao, công tác thụ tinh nhân tạo thực hiện tốt như Hải Phú, Hải Quy, Hải Xuân, Hải Thượng...

Đồng thời, mới đây huyện cũng đã xây dựng và thông qua đề tài nghiên cứu “Giải pháp phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện Hải Lăng giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm cung cấp các căn cứ lý thuyết và thực tiễn, các thông tin có liên quan, các tiềm năng, lợi thế của địa phương, những khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để gia tăng số lượng và nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò lai trên địa bàn huyện.

Số liệu điều tra đến cuối năm 2013 cho biết, tổng đàn bò trên địa bàn toàn huyện Hải Lăng là 4.626 con, trong đó có 2.228 bò lai, đạt tỷ lệ 48,16%. Đây là tỷ lệ khá cao so với các địa bàn khác trong tỉnh.

Tuy vậy, sau gần 19 năm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn huyện Hải Lăng bằng 2 phương thức nhảy trực tiếp và thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ bò lai đạt 48,16%, tỷ lệ bò lai từ 50-75% máu ngoại mới đạt 25,46%; chất lượng đàn bò, đặc biệt là đàn nái nền cải thiện chưa đáng kể, trọng lượng bò cái từ 150-180 kg mới chỉ tăng lên khoảng 200-250 kg.

Một số địa phương có tỷ lệ bò lai rất thấp như: Hải Ba 23,03%, Hải Trường 23,7%, Hải Vĩnh 24,05%, Hải An 25,06%; số lượng bò đực cóc (bò vàng và bò lai dưới 25% máu ngoại) còn nhiều (322 con).

Về nguồn thức ăn, những năm trước đây huyện đã đưa các giống cỏ voi, cỏ VA06 về trồng nhưng do nhiều nguyên nhân nên đều thất bại.

Hiện nay, các hộ nông dân đang sử dụng nguồn thức ăn xanh thô chủ yếu là cỏ mọc tự nhiên ở các bờ ruộng, bãi chăn thả, rơm rạ, ngoài ra còn sử dụng thân cây chuối, thân cây ngô. Thức ăn tinh, thức ăn bổ sung cho bò sử dụng chưa nhiều. Nhìn chung, chuồng trại nuôi bò quy mô nông hộ còn tạm bợ chưa đáp ứng yêu cầu mát về mùa hè, chống rét về mùa đông.

Năm 2013, từ nguồn vốn phát triển sản xuất 5 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ xây dựng 17 mô hình chuồng bò kiên cố theo thiết kế chuẩn, có ngăn chứa rơm khô (gồm Hải Tân 4, Hải Ba 4, Hải Lâm 4, Hải Phú 3 và Hải Thượng 2 chuồng). Về công tác thú y, đến thời điểm này, phần lớn các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện đã hiểu tầm quan trọng của vấn đề tiêm phòng vắc xin cho bò.

Tuy nhiên, việc tiêm phòng một số xã thực hiện chưa tốt, một số hộ chăn nuôi ngại tiêm phòng cho bò cái có chữa. Việc tẩy sán lá gan, tẩy giun, bổ sung một số vitamin và khoáng chất chưa được coi trọng.

Thực tế ở huyện Hải Lăng chăn nuôi trâu bò hiện nay phần lớn dựa vào việc tận dụng đồng cỏ tự nhiên và nguồn phế phụ phẩm trong trồng trọt, là huyện có diện tích lúa lớn nên rơm là nguồn thức ăn lợi thế cho chăn nuôi bò. Tuy nhiên, hiện nay rơm rạ sử dụng cho chăn nuôi bò còn ít, người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư trồng cỏ, bổ sung thức ăn tinh, do đó tăng trọng, năng suất và hiệu quả chăn nuôi còn thấp.

“Phối bò lai, bài bò cóc”

Để từng bước hiện thực hóa việc phát triển đàn bò lai trên địa bàn, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ về công tác giống, dịch vụ thú y, thức ăn, xây dựng và nhân rộng các mô hình, huy động vốn, cơ chế chính sách…

Trong đó, giai đoạn 2013- 2020, tập trung nâng cao chất lượng đàn bò cái (lai Sind hoặc lai Brahman), đảm bảo bò cái trưởng thành có trọng lượng trên 280 kg, phối giống Brahman có chất lượng tốt. Tiếp tục thử nghiệm và có kết luận về khả năng sinh trưởng và phát triển, từ đó có định hướng phát triển phù hợp đối với các giống bò: Brahman trắng, Droughmaster, BBB xét trên các tiêu chí phù hợp…

Trước mắt, tiếp tục dùng đực lai 75% máu Redsindhi, Brahman đỏ để nhảy trực tiếp đối với những vùng khó khăn trong việc thụ tinh nhân tạo, ưu tiên chọn tinh bò Brahman đỏ để lai tạo. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thụ tinh nhân tạo, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và hiệu quả hoạt động của đội ngũ dẫn tinh viên, nhất là các dẫn tinh viên có tay nghề cao.

Từng bước áp dụng quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi bò, tập trung làm tốt công tác tiêm phòng tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo định kỳ, trong năm 2014-2015 triển khai thử nghiệm mô hình dịch vụ thú y trọn gói, từ đó rút kinh nghiệm và có chính sách nhân rộng, nhất là đối với các hộ nuôi bò nhốt chuồng, vay vốn ngân hàng.

Rà soát và điều chỉnh quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, đồng cỏ tự nhiên, đất trồng cỏ nuôi bò; vận động nhân dân tự chuyển đổi một số diện tích đất màu, đất trồng cây lâm nghiệp sang trồng cỏ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng cỏ thâm canh, xác định các công thức thâm canh hiệu quả nhất trên từng vùng đất, sử dụng máy băm cỏ, trồng thử nghiệm một số chủng loại cỏ phù hợp với quy mô hộ gia đình.

Vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và bò giống chủ yếu là nguồn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), ngân hàng thương mại, trong đó tận dụng tối đa nguồn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng CSXH cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho người vay, hỗ trợ ngân hàng trong thu nợ và hạn chế rủi ro để tăng nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Lồng ghép bố trí từ nguồn vốn phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới hàng năm, nguồn vốn của các tổ chức hội, đoàn thể; tăng cường vai trò tín chấp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB trong hỗ trợ hội viên vay vốn...

Cùng với đó, huyện cũng lập dự án vận động các nguồn lực để xây dựng Khu tránh trú thiên tai cho gia súc các xã vùng trũng của huyện Hải Lăng.

Ngoài áp dụng quy định hỗ trợ chung của tỉnh trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt, huyện Hải Lăng cũng đã ban hành quyết định chính sách tạm thời khuyến khích phát triển chăn nuôi bò lai trên địa bàn huyện Hải Lăng giai đoạn 2013-2015.

Cụ thể, huyện sẽ thực hiện các chính sách như: Cung cấp 100 % tinh bò để thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ 100.000 đồng/con công theo dõi, báo cáo kết quả thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò giống Brahman của huyện; hỗ trợ 30.000 đồng/con trong năm 2013, 2014 và 2015 để bình tuyển đàn bò nái nền; hỗ trợ 15.000 đồng/con tiền bấm số tai đối với những con bò cái được bình tuyển.

Một trong những bước quan trọng về phát triển đàn bò lai đó là tăng cường vận động người dân đẩy mạnh “phối bò lai, bài bò cóc”. Bởi giống bò đực cóc địa phương nếu không được thiến, loại trừ thì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình lai tạo bò lai, cải tạo tổng đàn. Bởi vậy, mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2015, cơ bản không còn bò đực cóc.

Để thực hiện việc này, huyện cũng hỗ trợ thiến bò đực cóc với mức tiền công thiến là 50.000 đồng/con, đồng thời hỗ trợ cho các hộ có bò đực thiến 150.000 đồng/con.

Ngoài ra, huyện sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân vay các nguồn vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần lãi suất tiền vay xây dựng chuồng trại và mua con giống; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng nuôi bò lai trên địa bàn.

Nhu cầu của thị trường trong nước đối với bò thịt, bò giống chất lượng cao trong thời gian từ nay đến năm 2020 là rất lớn, giá cả ổn định, dễ tiêu thụ. Việc thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện Hải Lăng trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đặc biệt trong các năm gần đây đã thử nghiệm thành công nhiều mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô hộ gia đình, áp dụng thụ tinh nhân tạo tinh bò Brahman đạt hiệu quả cao đã mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho vùng “trọng điểm bò lai chất lượng cao” của Hải Lăng trong tương lai, góp phần làm giàu cho người chăn nuôi.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Thả Tôm Sú Với Rong Câu Chung Hồ Thả Tôm Sú Với Rong… Malaysia Mua 200.000 Tấn Gạo Của Thái Qua Thỏa Thuận Tư Nhân Malaysia Mua 200.000 Tấn Gạo…