Mô hình kinh tế Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong vòng xoáy giá giảm

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong vòng xoáy giá giảm

Publish date Thursday. September 10th, 2015

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong vòng xoáy giá giảm

Ước XK thủy sản của cả nước 8 tháng đầu năm đạt 4,2 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK 4 sản phẩm chủ lực đều giảm từ 6,5 - 28%, trong đó XK tôm giảm mạnh nhất (-29%), tác động đến kết quả XK chung. Tôm chiếm 43% giá trị XK thủy sản đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm so với 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2014 (chiếm 50%).

XK cá tra giảm 9% đạt trên 1 tỷ USD. XK cá ngừ tiếp tục giảm 7% đạt trên 306 triệu USD. XK mực, bạch tuộc giảm 11% xuống còn 273 triệu USD. Duy nhất XK cá biển tăng nhẹ 4% đạt gần 660 triệu USD, các mặt hàng hải sản khác đều giảm.

8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam XK thủy sản sang 154 thị trường. XK sang 3 thị trường chủ lực Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm mạnh (giảm lần lượt 31%, 17% và 11%).

XK sang thị trường Mỹ giảm chủ yếu là mặt hàng tôm giảm -51% do giá tôm giảm và do cạnh tranh khó khăn về nguồn cung và giá với tôm Ấn Độ và Indonesia, cá tra tương đương cùng kỳ, cá ngừ tăng 14% và mực, bạch tuộc tăng 20%.

XK các mặt hàng chủ lực sang EU đều giảm mạnh: tôm, cá tra đều giảm 17%, cá ngừ giảm 23% và mực, bạch tuộc giảm 29%. Nguyên nhân: kinh tế suy giảm, nhu cầu tiêu thụ giảm, đồng euro mất giá so với USD khiến giá NK giảm, NK hạn chế.

XK tôm sang thị trường Nhật Bản giảm 18%, cá ngừ giảm 24% và mực, bạch tuộc giảm gần 8%. XK sang Trung Quốc - thị trường đứng thứ 4 cũng giảm 9% do XK tôm giảm 24%, tuy nhiên, XK cá tra lại tăng mạnh 50%. Chỉ có 2 thị trường ASEAN và Mexico tăng lần lượt 11% và 69% nhờ tăng NK cá biển và cá ngừ, trong khi XK sang các thị trường khác đều giảm.

Nguyên nhân chính khiến XK thủy sản giảm mạnh:

- Thuế CBPG cá tra POR10 đã ảnh hưởng đến XK cá tra. Theo kết quả chính thức DOC Hoa Kỳ công bố, thuế CBPG trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) mà nước này áp với cá tra philê đông lạnh của VN tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ.

- Đồng USD tăng giá mạnh, euro và yên Nhật mất giá làm giảm nhu cầu NK tại thị trường EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Mỹ, khiến DN XK bị ép giảm giá ở các thị trường chính.

- Giá thành sản xuất cao hơn so với các nước đối thủ khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh về nguồn cung và giá bán trên thị trường Mỹ.

- Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến DN XK gặp khó khi XK sang thị trường này: bị ép giá, bị chịu thiệt kép về tỉ giá do phải đổi sang USD để kê khai thuế hải quan cửa khẩu, sau đó tiếp tục bán để lấy VNĐ.

5 giải pháp thúc đẩy XK thủy sản

Trước thực tế nông sản nói chung và thủy sản nói riêng đang chịu trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp (do cạnh tranh nguồn cung tăng, giá các nguồn cung lớn giảm thấp, tỷ giá 1 số đồng tiền thấp), hiện không có các biện pháp hữu hiệu cho ngắn hạn trong 4 tháng tới để cải thiện tình hình, Hiệp hội VASEP kiến nghị 5 giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy XK thủy sản:

(1) Dưới áp lực giảm giá mạnh của đồng Euro, yên so với đồng USD hay mới đây là đồng NDT - không chỉ hạn chế đáng kể việc NK nông - thủy sản ở những khu vực thị trường này, mà còn tác động tới lợi nhuận của các DN XK Việt Nam khi mức linh hoạt tỷ giá USD/VND điều chỉnh thấp (3%) trong khi tỷ giá của các nước XK cạnh tranh được linh hoạt hơn (Ví dụ: Ấn Độ đã nới rộng tỷ giá 8% ...).

Để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của DN XK nông-thủy sản Việt Nam, đề nghị Bộ NNPTNT có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét: điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất XK ngành nông-thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay; tăng hạn mức tín dụng; và tăng thời gian cho vay.

(2) Trước bối cảnh giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản Việt Nam ngày càng cao, và cao hơn các nước đang XK cạnh tranh, ví dụ như sản xuất tôm nuôi tại Ấn Độ và Indonesia: giá thành dao động 2,5$/kg tôm 100 con trong khi Việt Nam 3,5 - 4$/kg. Thái Lan thì đã sử dụng công nghệ thức ăn cho tôm có bổ sung Asthaxanthin (chống stress tôm, tăng độ màu của tôm trên mức 26, trong khi ở VN tập trung chỉ 20 - 24 độ màu), dù giá thành có điều chỉnh cao hơn, nhưng giá bán cao và bù đắp chi phí tăng này.

Trong khi tâm lý và cách tiếp cận của nhiều người dân và DN là nghiêng về “giá bán cao, và cao hơn” đã ngày càng cho thấy không phù hợp. Vì vậy, kiến nghị Bộ NNPTNT tập trung và có chương trình, giải pháp đồng b

ộ phối hợp cùng các bên liên quan cho việc giảm giá thành sản xuất.

Ví dụ với sản xuất tôm nuôi cần quan tâm đến 4 yếu tố:

- Chủ động được giống và nâng cao chất lượng con giống: Nhà nước cần có nghiên cứu điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống để người nuôi mua được tôm giống với giá hợp lý, ít trung gian cũng như không mua phải tôm giống xấu, chất lượng kém.

- Hệ thống phân phối thuốc và các loại chế phẩm: cơ quan quản lý địa phương thường xuyên theo dõi hoạt động và sự tuân thủ để xử lý kịp thời các tình trạng hàng không nguồn gốc, hàng cấm, đầu cơ, tạo khan hiếm để trục lợi.

- Thức ăn nuôi tôm: cần có các biện pháp quản lý sao cho giá cả ổn định và đảm bảo yếu tố cạnh tranh cũng như người dân không bị rủi ro khi phải mua thức ăn có chất lượng không tương ứng với chi phí bỏ ra, hoặc phải trả quá nhiều chi phí trung gian.

- Tâm lý và nhận thức người nuôi: cần thiết lập các cơ chế để giúp người nuôi có thể thỏa thuận một cách sòng phẳng, tránh được những rủi ro khi mua hàng của các đại lý và đặc biệt họ có thể tối ưu hóa giá thành trong nuôi tôm.

(3) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo & tổ chức thực hiện đầy đủ và kịp thời theo tinh thần Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ v/v ban hành kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Theo đó, tập trung đến các quy định và thủ tục hành chính liên quan đến XK thủy sản (từ nuôi, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, đến CBXK) và Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản XK, một số các Quyết định khác liên quan, bao gồm cả nội dung về việc nguyên liệu hải sản NK để chế biến hàng XK vào thị trường EU phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có Code EU.

Đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian thẩm tra Giấy chứng nhận thủy sản khai thác…

(4) Quan tâm, thúc đẩy & tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỷ giá hối đoái; Quan hệ hợp tác và ngoại giao tốt để thúc đẩy thương mại giữa 2 nước; tham tán thương mại hỗ trợ DN cung cấp thông tin về thị trường và đối tác cho các DN Việt Nam; Cơ quan quản lý cập nhật và thông báo kịp thời cho DN về các quy định, chính sách của Trung Quốc, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm XK…

(5) Liên quan đến vấn đề hội nhập, với các FTA đã ký, đang rà soát và các FTA đang đàm phán, kiến nghị Bộ NNPTNT quan tâm và tăng cường, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các Bộ Tài chính và Công Thương trong quá trình chuẩn bị và đàm phán, rà soát - nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam.


Các lều nước mắm nhộn nhịp trong vụ cá nam Các lều nước mắm nhộn nhịp trong vụ… Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh