Mô hình kinh tế Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá

Ngày đăng 11/12/2013

Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

1 tấn bắp thất thu 1 triệu đồng

Những ngày này ở Khánh Vĩnh, người dân đang thu hoạch bắp vụ lỡ. Năm nay, bắp được mùa nhưng người dân ai cũng buồn bởi giá bắp rớt thê thảm. Nhiều người cho biết, năm 2012, thương lái mua bắp tươi với giá 4.000 - 4.300 đồng/kg, còn năm nay họ chỉ mua với giá 3.000 - 3.200 đồng/kg. So với năm trước, mỗi tấn bắp người dân thất thu hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, tiền giống, phân, công gieo trồng, thu hoạch đều tăng nên sau khi trừ chi phí đầu vào, người trồng bắp gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn.

Ông Pinăng Là Nha (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng) cho biết: “Vụ này gia đình tôi làm 2ha rẫy bắp, thu được hơn 2 tấn bắp tươi, bán với giá 3.200 đồng/kg nhưng thương lái trừ nợ tiền thuốc trừ cỏ, tiền bắp giống, tiền gạo để ăn... nên chỉ còn 300.000 đồng”. Cách nhà ông Pinăng Là Nha không xa, nhà bà Pinăng Thị Ngang (thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng) đang phơi bắp để chuẩn bị bán cho một thương lái trong xã. Khi chúng tôi hỏi mua bắp, bà Ngang lắc đầu: “Mình lấy tiền, gạo của họ rồi nên phải bán cho họ thôi. Giá bắp rẻ lắm, không biết có đủ để trừ nợ không”. Không riêng gì ông Nha và bà Ngang, hầu hết người dân được hỏi đều cho biết năm nay trồng bắp đều bị thua lỗ. Nhiều gia đình lại bắt đầu guồng quay đi mua nợ gạo để ăn và bắp giống để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Theo chị Huỳnh Thị Linh (xã Liên Sang) - thương lái chuyên thu mua nông sản, trong 3 - 4 năm trở lại đây, năm nay giá bắp thấp kỷ lục. “Năm 2012, tôi mua bắp khô hơn 6.000 đồng/kg, còn năm nay chưa bao giờ tôi bán vượt quá 5.000 đồng/kg bắp khô cho các đại lý”, chị Linh nói. Theo chị Linh, bắp rớt giá là vì năm nay các tỉnh Tây Nguyên được mùa bắp, bắp vụ lỡ của Khánh Vĩnh thu hoạch đúng lúc trời mưa nên chất lượng không cao, vì thế giá bán cũng thấp hơn bắp các nơi khác.

Người trồng mì cũng rầu rĩ không kém. Năm ngoái, người dân Khánh Vĩnh đã lao đao vì giá mì rớt xuống mức thấp nhất (khoảng 700 đồng/kg), năm nay giá mì đạt khoảng 1.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn không có lãi bởi mì đạt năng suất thấp, trong khi giá nhân công thuê làm cỏ, nhổ mì đều tăng khá cao. Nhiều nông dân cho biết, do “ăn theo” mức tiền công đi chặt keo nên giá thuê tiền công nhổ mì đã tăng lên trên 100.000 đồng/ngày.

Đầu ra cho nông sản vẫn gặp khó

Một trong những nguyên nhân khiến giá nông sản trên địa bàn Khánh Vĩnh luôn bấp bênh và ở mức thấp là bởi đầu ra cho nông sản vẫn phụ thuộc vào thương lái. Phần lớn nông dân khó khăn về vốn sản xuất nên phải ứng trước giống, vật tư, gạo ăn... từ thương lái nên khi thu hoạch, họ phải bán lại cho thương lái nên bị ép giá. Các thương lái cho biết, với việc bỏ vốn đầu tư cho người dân sản xuất, khi thu mua họ sẽ trả giá rẻ hơn so với những người không nhận tiền đầu tư khoảng 300 đồng/kg bắp. Thế nhưng, trên thực tế, việc thương lái ép giá khi thu mua nông sản của nông dân vẫn thường xuyên xảy ra. Ông Nguyễn Xuân Hà - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng bày tỏ: “Người nông dân làm ra nông sản rất khó khăn, nhưng lại phải bán cho thương lái với giá rẻ. Do người dân đã hứa bán với giá đó rồi, đã nhận gạo, nhận tiền của thương lái từ trước nên chính quyền không can thiệp được”.

Việc thương lái thao túng giá nông sản đã được đề cập từ lâu, tỉnh cũng đã thành lập các đơn vị dịch vụ thương mại miền núi để cung cấp hàng hóa, thu mua nông sản của người dân. Tuy nhiên, đến nay, lượng nông sản do các đơn vị của Nhà nước thu mua còn ít. Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thương mại miền núi huyện Khánh Vĩnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, bằng hình thức trao đổi hàng hóa và thu mua trực tiếp, Trung tâm đã mua được 230 tấn bắp và mì. Toàn bộ số nông sản này, Trung tâm đã bán lại cho các đại lý chuyên thu mua nông sản trên địa bàn... “Trong việc thu mua nông sản, Trung tâm vẫn chưa thể cạnh tranh được với thương lái bởi thiếu vốn cũng như không đủ nhân lực để len lỏi vào các vùng sâu, vùng xa...”, ông Chính lý giải.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết: “Việc tìm đầu ra cho nông sản luôn được chính quyền quan tâm. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện tăng cường thu mua, nhưng vì nhiều khó khăn nên số lượng nông sản thu mua được còn ít, việc tiêu thụ nông sản vẫn phụ thuộc vào thương lái. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ thương mại miền núi xây dựng đề án thu mua nông sản, nếu đề án này được thông qua và đi vào thực hiện thì tình hình sẽ được cải thiện”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, năm nay toàn huyện có 1.680ha bắp, tăng 11%; 1.700ha mì, giảm khoảng 8% so với năm 2012. Phần lớn người dân vẫn trồng các giống mì cũ như KM94, KM95... nên mì bị sâu bệnh, năng suất thấp. Theo tính toán của cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, với mức giá khoảng 1.000 đồng/kg, người trồng mì gần như không có lãi.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Đồng Bằng Sông Cửu Long Được Mùa Khoai Lang Đồng Bằng Sông Cửu Long… Cây Rau Cây Rau "Vàng" Ở Xuân…