Tin nông nghiệp Cây mía Cà Mau bỏ thì thương, vấn vương thì khổ
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Cây mía Cà Mau bỏ thì thương, vấn vương thì khổ

Tác giả TRẦN HIẾU, ngày đăng 17/12/2015

Cây mía Cà Mau bỏ thì thương, vấn vương thì khổ

Nguy cơ mất cây mía

Theo quy hoạch, huyện Thới Bình là vùng SX theo hệ sinh thái ngọt, trong đó mía là một trong hai cây trồng chủ đạo.

Từ nhiều năm trước, cây mía đã gắn bó mật thiết với nông dân nơi đây, nhiều hộ khá giả nhờ cây mía. Lúc cao điểm toàn huyện có hàng ngàn ha mía, nay  chỉ còn khoảng 710 ha.

Diện tích mía đã qua chuyển đổi nhiều năm nay lên tới 5.200 ha.

Trong đó, giai đoạn trước khi phê duyệt “Quy hoạch sử dụng đất năm 2013”, người dân đã hiện chuyển 4.160 ha đất mía sang luân canh mô hình lúa – tôm.

Từ năm 2013 đến nay, tiếp tục có hơn 1.000 ha đất mía được chuyển qua trồng hoa màu (245 ha) và lúa – tôm (814 ha).

Trước thực trạng trên, sau khi khảo sát, đánh giá tình hình chuyển dịch tự phát của người dân, tổ Liên ngành 249 đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện Thới Bình chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa, mía sang luân canh lúa – tôm.

Cụ thể, huyện được phép chuyển và giữ nguyên hiện trạng gần 5.000 ha đất trồng mía sang SX lúa – tôm và 245 ha đất trồng mía chuyển qua trồng màu.

Vậy hơn 710 ha mía còn lại sẽ như thế nào? Theo dự báo, diện tích mía còn lại tập trung tại các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch Đông, Tân Bằng… sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Nguy cơ xóa sổ vùng nguyên liệu mía đang hiện hữu.

“Xé rào” hiệu quả

Về xã Trí Phải, Trí Lực những ngày này, chúng tôi ghi nhận hình ảnh những cánh đồng lúa trong mô hình luân canh một vụ lúa – tôm của bà con xanh mướt.

Những luống gừng được người dân “xé rào” trồng cũng tươi tốt, đan xen là những vườn mía èo oặt.

Nhiều bà con cho biết, mía năm nay được giá 800 – 900 đồng/kg, cao hơn năm trước, nhưng tính ra 1 ha lời chỉ khoảng 10 – 20 triệu đồng thôi.

Ông Trịnh Thanh Triều bộc bạch: "Năm rồi chúng tôi thua lỗ mỗi công 1 – 2 triệu đồng, bà con quanh đây đốn mía bán tháo bán chạy, nhiều người nản quá đốt bỏ luôn, chuyển hàng chục ha mía qua làm lúa – tôm hoặc trồng màu".


Nhiều năm nay người dân huyện Thới Bình đã “xé rào” chuyển qua làm mô hình lúa – tôm

Gia đình ông Triều có hơn 7 ha mía, gắn bó với mía đã lâu bỏ cũng không đành, để thì khó sống, ông mới thực hiện chuyển khoảng 3 ha làm lúa – tôm.

Tính từ đầu năm đến nay, trên diện tích nuôi tôm, ông có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng, trong khi chỉ phải đầu tư 15 triệu (không tính tiền san đất khi chuyển đổi).

Trong không khí cả nước đang đẩy mạnh thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Cà Mau cần nhanh chóng thực hiện quy hoạch lại tổng thể SX nhằm phát huy thế mạnh từng vùng, nâng cao giá trị nông sản...

Ngược lại, hơn 4 ha mía lão nông tính sơ, mỗi công ngốn hết khoảng 6 triệu đồng (chưa tính công thu hoạch).

Cả năm vất vả cùng cây mía, cả trăm triệu đã đổ vào, nhưng đến khi thu hoạch vẫn không bằng nuôi tôm.

Còn ông Nguyễn Văn Tài có 30 năm gắn bó với cây mía, vẫn quyết định bỏ mía qua làm lúa - tôm kể rằng, cách đây vài năm, có một số hộ lớn gan thực hiện chuyển đổi, chính quyền xã làm dữ lắm.

“Cạnh nhà tôi, anh Năm Phi đi đầu bỏ mía, nuôi tôm.

Mới đưa máy cuốc vào ban đất, cán bộ xã đến lập biên bản.

Vậy mà Năm Phi vẫn quyết tâm làm.

Mấy năm qua, bình quân mỗi ha bỏ túi 70 – 80 triệu đồng/năm, khỏe ru!”, ông Tài nói.

Cuối vụ mía năm trước, ông Tài đại diện cho hàng chục hộ dân, lên huyện trình bày ước muốn thực hiện chuyển đổi.

Kèm theo lời “năn nỉ” "không cho cũng làm, chứ trồng mía thua lỗ hoài ai nuôi gia đình chúng tôi, trong khi nhà nước không có hỗ trợ".

Sau đó, 3 anh em ông Tài đưa cơ giới vào ban 5 ha đất trồng mía xuống nuôi tôm, không thấy ai đến lập biên bản.

Theo ông Tài và nhiều hộ dân làm tôm - lúa, hiệu quả mô hình này cao gấp nhiều lần trồng mía, nhàn hơn, đỡ công chăm sóc trong khi nhân công khan hiếm.

Theo đánh giá tình hình chuyển dịch SX tự phát của huyện Thới Bình, lấy bình quân từ năm 2012 – 2014, thu nhập của mô hình chuyên lúa khoảng 19 triệu đồng/ha/năm; cây mía khoảng 18 triệu đồng/ha/năm; luân canh lúa – tôm đạt hơn 60 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, mô hình trồng màu thu hàng trăm triệu đồng/ha.

Vậy nên cũng khó trách trong hơn 2 năm qua, có đến hơn 1.000 ha đất trồng mía biến thành vuông tôm, vườn màu.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho hay, về lâu dài, huyện đã đề xuất quy hoạch lại vùng trồng mía.

Kế hoạch sẽ thực hiện chuyển sang mô hình luân canh lúa – tôm và một phần chuyển qua trồng màu (chủ đạo là cây gừng).

Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, đã thành lập đoàn đi xác minh và đánh giá vấn đề.

Sau đó Sở sẽ tham mưu cho tỉnh để có quy hoạch phù hợp trong thời gian tới.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Thần dược atiso đỏ bán đầy đường Sài Gòn Thần dược atiso đỏ bán… Biến đổi khí hậu gõ cửa làng quê giải pháp là thích ứng Biến đổi khí hậu gõ…