Mô hình kinh tế Liên Kết Giữa Nông Dân Và Doanh Nghiệp Trong Chuỗi Cá Tra
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Liên Kết Giữa Nông Dân Và Doanh Nghiệp Trong Chuỗi Cá Tra

Ngày đăng 18/10/2013

Liên Kết Giữa Nông Dân Và Doanh Nghiệp Trong Chuỗi Cá Tra

Mới đây, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo "Liên kết trong chuỗi cá tra-vấn đề tín dụng và hợp đồng" do Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để gỡ khó cho ngành cá tra, việc tăng cường liên kết, phát huy vai trò tích cực của các địa phương và các bên có liên quan nhằm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng một cách chặt chẽ đang là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, cần chú ý giải quyết những bất đồng giữa nông dân và doanh nghiệp trong các quan hệ về tín dụng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…

Cần tổ chức lại sản xuất

Sau một thời gian phát triển nóng, ngành cá tra nước ta đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Tình hình chi phí sản xuất đầu vào ngày càng tăng, nhưng giá cá bán ra thấp và bị doanh nghiệp thu mua cá chậm trả tiền dẫn đến nhiều người nuôi cá phải treo ao do bị lỗ lã kéo dài không còn vốn để sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng gặp khó do xuất khẩu cá với giá rẻ lại phải cho các nhà nhập khẩu mua cá chậm trả tiền. Đặc biệt, với việc vừa lo cho chế biến xuất khẩu vừa tham gia phát triển các vùng nuôi cá của riêng mình, doanh nghiệp càng bị "đói" vốn khi các ngân hàng siết chặt tín dụng nhằm tránh nợ xấu.

Để gỡ khó cho ngành cá tra, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tổ chức ngay lại việc sản xuất nhằm xóa bỏ tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu trách nhiệm và sự gắn kết giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị cá tra, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang, phân tích: "Muốn phát triển bền vững con cá tra cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Thực tế, qua quá trình phát triển nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy, nông dân nuôi cá tra thiếu sự liên kết, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp rất dễ gặp cảnh thiếu vốn và bấp bênh về đầu ra sản phẩm. Còn doanh nghiệp không chịu liên kết với nông dân cũng dễ bị thiếu nguyên liệu sản xuất.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tự phát triển nuôi cá tra để chế biến xuất khẩu thì cũng rất dễ rơi vào thiếu vốn và gặp nhiều rủi ro do việc quản lý vùng nuôi và tiết kiệm các chi phí trong nuôi trồng… không được hiệu quả bằng người nông dân".

Theo ông Nguyễn Văn Quế, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, tổ chức tốt các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cá tra với sự tham gia bảo lãnh và cung cấp vốn của các ngân hàng là một hướng đi mà các ngân hàng rất ủng hộ nhằm giải quyết các khó khăn về vốn cho ngành cá tra.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại luôn tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song, do còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên tham gia sản xuất và tiêu thụ cá tra và tình hình nuôi trồng chế biến và tiêu thụ không ổn định, thường xuyên bị lỗ nên ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia đầu tư vốn.

Cũng vì thiếu sự gắn kết mà nông dân và doanh nghiệp thường vay vốn tại các ngân hàng khác nhau, điều này cũng gây khó khăn trong việc quản lý đồng vốn của ngân hàng, cũng như tránh tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn của người dân bằng cách chậm thanh toán tiền mua cá.

Vì sao nông dân và doanh nghiệp chưa gắn kết chặt?

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, nông dân và doanh nghiệp chế biến là 2 đối tượng quan trọng trong chuỗi giá trị cá tra. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết này thời gian qua còn bất cân xứng và tồn tại nhiều bất cập.

Nông dân thường luôn ở thế yếu và bị động hơn so với doanh nghiệp dẫn đến sức mạnh thương lượng yếu và dễ bị doanh nghiệp bắt chẹt. Thực tế thời gian qua cho thấy, nông dân thường xuyên bị doanh nghiệp ép giá thu mua cá cũng như thu mua cá chậm trả tiền cho nông dân, trong khi doanh nghiệp lại cho các nhà nhập khẩu nước ngoài nợ tiền mua cá.

Tình trạng nợ nần càng lớn càng nguy hiểm bởi dòng tín dụng có lợi cho nhà nhập khẩu, còn cả doanh nghiệp và nông dân nuôi cá trong nước đều gặp khó về vốn. Chính xung đột trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy xấu và làm suy yếu ngành cá tra.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng: "Để tạo mối quan hệ bình đẳng và gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, nông dân cần liên kết lại, lập thành nhóm trong thương lượng và ký hợp đồng với doanh nghiệp với vai trò bảo lãnh của các định chế tín dụng và sự hỗ trợ của ngành chức năng. Ngoài ra, nông dân cần được hỗ trợ tích cực hơn từ các ngành chức năng Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề và các bên có liên quan trong các vấn đề về thông tin thị trường, về pháp lý, cách xây dựng hợp đồng, cách xử lý tranh chấp khi phát sinh…".

Ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, nhìn nhận: "Để hỗ trợ nông dân, tới đây cần phải tăng cường vai trò của hiệp hội ngành cá tra để giúp họ bảo đảm lợi ích khi mua bán. Hiệp hội cần đóng vai trò tư vấn, gắn chặt chẽ với trung tâm trọng tài, chính quyền địa phương… nhằm giúp giải quyết nhanh chóng khi có tranh chấp".

Theo ông Lam, do thiếu thông tin và chưa được sự hỗ trợ đúng mức của ngành chức năng mà khả năng thương lượng, đàm phán của nông dân trong các hợp đồng mua bán nông sản với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế từ tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả, giao hàng đến cách thức thanh toán.

Qua nhiều bản hợp đồng ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp cho thấy, các điều khoản ghi trong hợp đồng thường có lợi cho bên mua hàng là doanh nghiệp, còn phần bất lợi hầu như thuộc về nông dân. Cụ thể như: bên mua có quyền đánh giá, có quyền hủy hợp đồng, có quyền không nhận nguyên liệu… trong khi bên nông dân không được tự ý hủy hợp đồng, nếu có gây ảnh hưởng đến sản xuất của bên mua phải chịu phạt…

Theo các chuyên gia, con cá tra được đánh giá là đang rơi vào "khủng hoảng thừa", cần giảm sản lượng nuôi để tăng giá và tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị cá tra.

Muốn làm được điều đó, ngoài sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các doanh nghiệp và nông dân nuôi cá thì rất cần phát huy vai trò tích cực của các bên có liên quan, nhất là vai trò của các ngành chức năng, các hiệp hội ngành nghề và hệ thống các ngân hàng, đơn vị trợ giúp pháp lý… Có như vậy, mới mong sớm vực dậy ngành cá tra, một ngành vốn là thế mạnh và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của nước ta, giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho các địa phương vùng ĐBSCL.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Phát Huy Thế Mạnh Nuôi… Khó Khăn Trong Khôi Phục Và Tái Sản Xuất Thủy Sản Khó Khăn Trong Khôi Phục…