Tin nông nghiệp Nơi đất lành sinh trái ngọt
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Nơi đất lành sinh trái ngọt

Tác giả Quốc Hiệp, ngày đăng 17/04/2017

Nơi đất lành sinh trái ngọt

Xã Việt Thắng, huyện Phú Tân được bao bọc bởi sông Bào Chấu, Bảy Háp, Mang Rỗ tạo thành vòng cung chạy dài từ hướng Đông đến Nam và phía Tây của xã. Những con sông này mang nguồn thuỷ sản tự nhiên và phù sa phục vụ sản xuất của hàng ngàn héc-ta đất trong khu vực. Nằm trọn trong Tiểu vùng X thuộc dự án khép vùng thuỷ lợi Nam Cà Mau, cán bộ và Nhân dân xã Việt Thắng đang định hướng cho mình những phương án sản xuất để phát huy hiệu quả 2 mùa mặn, ngọt.

Trong ảnh: Ông Văn Văn Lợi vui mừng với sản phẩm trái ngọt đầu tiên do chính tay mình trồng.

Trái ngọt trên vùng mặn

Xẻ trái mít thơm lừng chín cây mới hái xuống để đãi khách, ông Út Lợi (Văn Văn Lợi, ấp Kiến Vàng B, xã Việt Thắng) vui vẻ khoe: "Đây là mít nhà nghen, tôi mới trồng hơn 2 năm nay đã có trái rồi. Mít nghệ, thơm lắm. Mấy chú thấy nó khác một trời một vực với mít mua ở chợ, thường chích hoá chất nên chín non. Ăn mít này khỏi lo, trái cây sinh thái, sạch luôn, đảm bảo sức khoẻ".

Như sợ khách không tin, ông Lợi dẫn chúng tôi ra xem cây mít sau nhà. Trên cây còn hơn chục trái, toả mùi thơm bát ngát. Mà đâu chỉ 1 cây, nhà ông Lợi có đến 6- 7 cây mít như vậy. Rồi còn có nhãn, bưởi, mận, xoài… mỗi thứ một vài cây đều đơm hoa kết trái trên khu vườn khoảng 3.000 m2. Ở đây, ông Lợi cũng trồng mới hơn 20 cây dừa, loại dừa dâu trái nhỏ nhưng sai oằn.

Thưởng thức từng múi mít thơm ngọt, ông Út Lợi kể: "Lúc đầu đâu có biết, lên liếp trồng đại, mùa mưa nó sống, đến nắng hạn nó chết. Năm sau, tôi lên liếp cao hơn, không cho thấm mặn vô mấy cái ao trong vườn, trồng mới hiệu quả như vậy".

Tuy nhiên, vùng mặn quanh năm thì ít nhiều cũng thấm mặn dưới chân. Để tránh cho cây chết do thấm mặn, khi trồng, ông đào lỗ, bỏ đá đều ở dưới rồi đổ đất trồng lên. Ông bảo, làm vậy cho rễ cái của cây không cắm thẳng xuống đất mà quẹo ngang, khi tháng nắng, nó không hút nước mặn chết đi. Thêm nữa, để tránh cây thiếu nước vào mùa nắng, ông trồng dày để cây xoè tán, che mát đất dưới gốc. Mùa nắng cũng phải lấy lá, cỏ ủ gốc cây. Nước trong ao đừng để xâm mặn cao. Chính vì vậy, vườn cây trái của Út Lợi mấy năm nay luôn xum xuê, cho trái quanh năm. Bây giờ, gia đình ông không phải đi mua cây trái để ăn. Vườn nhà đủ cung cấp để ăn, còn cho, tặng anh em, bà con.

Ngôi nhà của ông Lợi quanh năm được bao phủ bởi những cây ăn trái xanh tươi. Vuông tôm thì có đến hơn 6 ha, Út Lợi nuôi tôm quảng canh truyền thống kết hợp cua, cá. Hằng tháng, thu nhập ít nhất cũng mười mấy triệu đồng. Cá đủ loại, ngoài cá tự nhiên, ông còn thả thêm cá chẽm, cá phi, cá nâu, cá đối. Đã hình thành cho mình một mô hình đa cây, con hiệu quả nên Út Lợi không cần chuẩn bị gì hay ngỡ ngàng nếu khu khép vùng đi vào hoạt động.

Ông Lợi cho hay, khép vùng để sản xuất lúa - tôm ông cũng đồng tình cao. Nó sẽ tạo điều kiện cho môi trường ổn định, đặc biệt cây trái, hoa màu chắc chắn sẽ tươi tốt. Ông Lợi hy vọng sản xuất sẽ trở lại 2 mùa mặn ngọt như trước đây.

Hiệu quả khép vùng

Cũng như ông Lợi, ông Cao Văn Trung, người cùng ấp, cũng xây dựng cho mình mô hình đa cây, con tương tự. Ông Trung cho rằng, hiện nay, người ta nuôi tôm công nghiệp nhiều làm môi trường ô nhiễm. Bây giờ mà khép vùng làm lúa - tôm ông ủng hộ tích cực. Bởi nếu làm được sẽ từng bước cải tạo môi trường, thức ăn cho tôm. Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, đa cây, con sẽ rất thích hợp và bền vững.

Như vậy, rõ ràng phần lớn người dân Việt Thắng đã sẵn sàng cho chuyện khép vùng. Đặc điểm của bà con nơi đây là nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá và đa cây, con… nên khép vùng để có 2 mùa mặn - ngọt là hướng đi phù hợp.

Hơn nữa, hệ thống đê bao, cống bọng sẽ là hạ tầng vững chắc chống nước dâng do biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống và sản xuất của bà con. Con sông Bào Chấu đã được ngăn lại bởi 2 con đập tại thượng nguồn là Vàm Đình và hạ nguồn là Đầm Cùng, nơi đổ ra sông Bảy Háp, từ đó có thể chủ động tháo xổ nước hoặc ngăn mặn khi cần thiết. Việt Thắng nằm trọn trong Tiểu vùng X nên được hưởng lợi từ dự án này, đó là chủ động để sản xuất đa cây, con và hệ thống hạ tầng lộ nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Việt Thắng Huỳnh Phương Nhanh nhận định: Trong xã có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một là bà con đang trông chờ và hy vọng Nhà nước có chủ trương đúng đắn để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống từ dự án khép vùng này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do đất đai bị nhiễm mặn lâu năm, nên khó có thể ngọt hoá để nuôi tôm kết hợp trồng lúa được. Thậm chí ngăn dòng chảy còn có thể cản trở việc tháo, xổ nước sản xuất. Nhất là những hộ ven đê, mỗi hộ đều được đặt một bọng để chủ động tháo, xổ nước. Do vậy, cần phải có sự đồng loạt trong thực hiện. Nếu hộ này giữ ngọt mà hộ kia không giữ thì cũng không có ý nghĩa.

Từ đó, xã tiến hành họp dân, lấy ý kiến để đảm bảo quy hoạch sản xuất một cách khách quan, hiệu quả, phù hợp nguyện vọng số đông. Phương hướng chính của xã vẫn là phát động và định hướng bà con sản xuất đa cây, con theo hệ sinh thái mặn và ngọt do dự án mang lại. Điều này vừa phù hợp đặc điểm sản xuất nơi đây, vừa đáp ứng nguyện vọng của đại bộ phận Nhân dân, vừa đảm bảo tính bền vững, lâu dài trong sản xuất.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Triển vọng sản xuất hữu cơ Triển vọng sản xuất hữu… Ngành nông nghiệp “chạy đua” cùng công nghệ cao Ngành nông nghiệp “chạy đua”…