Mô hình kinh tế Công Bằng Nào Cho Cá Tra Việt Nam?
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Công Bằng Nào Cho Cá Tra Việt Nam?

Ngày đăng 01/06/2013

Công Bằng Nào Cho Cá Tra Việt Nam?

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố tăng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần 8 (POR8) lên 1,29 đô la/kg, tăng 67% so với mức 0,77 đô la/kg đưa ra trước đó trong tháng 3-2013 vì cho rằng đã có sai sót trong tính toán.

Tính đến thời điểm này, đây là lần thứ 8 trong gần 10 năm liên tiếp cá tra Việt Nam đứng trước việc bị phía Mỹ áp đặt thuế CBPG, gây thiệt hại trực tiếp đối với lợi ích và hoạt động kinh doanh không chỉ người đối với nông dân, nhà xuất khẩu Việt Nam, mà còn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Cá tra Việt Nam có thật sự bán phá giá? Để tìm lời giải cho câu hỏi trên, chúng ta hãy theo dòng sự kiện.

Từ nuôi cá tra, basa ở Việt Nam

Họ cá da trơn Pangasius tập trung ở một số nước Đông Nam Á, nơi hoạt động nuôi cá lồng, cá hầm trên sông, ao hồ hay đầm lầy theo quy mô nhỏ của nông dân ngày càng phát triển. Tại Việt Nam, cá da trơn được nuôi chủ yếu ở ĐBSCL, phổ biến là cá tra. Hoạt động nuôi cá tra bắt đầu phát triển dưới hình thức nuôi bè và nuôi hầm, dọc hai bờ sông Hậu thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Đến nay, nghề nuôi cá tra đã lan nhanh đến Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang...

Có thể thấy, chi phí sản xuất thấp là một trong những yếu tố quan trọng khiến sản lượng cá tra phát triển nhanh chóng. Trong 10 năm trở lại đây, sản lượng liên tục tăng. Trong năm 2001, sản lượng cá tra của các tỉnh ĐBSCL chỉ đạt 120.000 tấn, nhưng đến năm 2012, con số này đã lên đến gần 1,3 triệu tấn.

Theo quy hoạch phát triển được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL trong các năm tới trung bình khoảng 4,2%/năm. Cụ thể, đến năm 2015, diện tích nuôi cá tra của vùng sẽ đạt khoảng 11.000 héc ta và đến năm 2020 là 13.000 héc ta.

Như vậy, từ quy hoạch trên cho thấy, diện tích nuôi cá tra sẽ tăng dần trong thời gian tới và sản lượng nuôi đến năm 2020 sẽ có thể đạt 1,8 triệu tấn.

Đến nuôi cá da trơn ở Mỹ

Cá da trơn hay còn gọi là “catfish” vẫn là một đặc sản của một số vùng ở Mỹ trong những năm 1970. Do đó, nhu cầu đối với sản phẩm này vào thời điểm đó rất hạn chế. Tuy nhiên, ngay sau chiến dịch tiếp thị của các chủ trại nuôi cá catfish và doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Mỹ thì hình ảnh này đã dần thay đổi.

Với thông điệp rằng, cá catfish nuôi cho thịt trắng, ít mỡ, ít cholesterol, ít kalo, nhưng giàu protein, vitamin, khoáng, lại hầu như không có mùi tanh, ít xương và có thể dễ dàng chế biến nhiều loại món ăn... thì mức tiêu dùng cá catfish và các sản phẩm chế biến từ nó tăng lên đáng kể.

Cụ thể, mức tiêu dùng cá catfish bình quân đầu người ở Mỹ tăng từ 0,41 pound (1 pound = 0,453 kg) năm 1985 lên 1 pound vào năm 2001.

Theo Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), trong năm 2011, cá da trơn đứng thứ 7 trong top 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ với mức tiêu thụ bình quân đạt 0,559 pound/người.

Nếu như năm 1970, các nhà nuôi cá da trơn Mỹ chỉ sản xuất 2.580 tấn, thì con số này đã tăng lên 271.000 tấn với doanh thu trên dưới nửa tỉ đô la vào năm 2001. Các trại nuôi cá da trơn của Mỹ được tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Mississippi (ĐBSMI) tại 4 tiểu bang là Mississippi, Alabama, Arkansas và Louisiana.

Cá da trơn là ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản hàng đầu của Mỹ, đóng góp hàng tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ và đây cũng được xem là nguồn chính của hoạt động kinh tế và tạo việc làm cho hàng nghìn người. Tính đến tháng 1/2012, tổng diện tích nuôi cá da trơn của Mỹ đạt 89,4 nghìn acre (1 acre = 0,4047 héc ta) mặt nước nuôi cá.

Và sự thành công của cá tra Việt trên đất Mỹ

Chính sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ cá da trơn ở Mỹ đã khiến cho thị trường cá catfish ở nước này hấp dẫn các nước khác như Brazil, Guyana, Trung Quốc và Việt Nam.

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ năm 1996 sau khi lệnh cấm vận kinh tế được bãi bỏ. Cá xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu ở dạng fillet đông lạnh. Sau những năm đầu không được tiêu thụ nhiều, sản lượng cá tra dạng fillet không xương đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh từ năm 2000. Đến cuối năm 2001, sản lượng cá fillet đông lạnh xuất khẩu đã tăng lên gần 21.000 tấn, gấp 20 lần sản lượng xuất khẩu năm 1998.

Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng nhanh chóng này đã khiến cho các nhà nuôi cá catfish ở Mỹ phải bắt đầu giảm giá, từ 75 cent/pound năm 2000, xuống chỉ còn 66 cent/pound năm 2001 và 50 cent/pound năm 2002. Hiệp hội các nhà nuôi cá catfish Mỹ (CFA) khẳng định, giá bán này thấp hơn chi phí sản xuất đến 15 cent. Và họ cho rằng, các sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam chính là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm này bởi cá tra của Việt Nam được bán tại Mỹ với giá thấp hơn 1 đô la/pound so với sản phẩm nội địa.

Cuộc chiến đầu tiên với tên gọi “catfish”

Năm 1996, sản lượng cá da trơn dạng fillet đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ là 59 tấn và đến năm 1998 cũng chỉ đạt 260 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản Mỹ sau đó bắt đầu tiêu thụ sản phẩm cá tra của Việt Nam trên thị trường Mỹ với nhãn hiệu catfish. Và sản lượng cá nhập khẩu từ Việt Nam nhảy vọt đáng kể. Sự thành công của cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ theo lời các chủ trại nuôi cá catfish là đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành cá da trơn nội địa. Họ cho rằng, cá tra Việt Nam thắng lớn chủ yếu là nhờ sự thay đổi về chiến lược tiếp thị.

CFA đã đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng, bao bì đóng gói của cá tra Việt Nam giống với các nhà sản xuất Mỹ, thậm chí nhiều hãng nhập khẩu cá của Mỹ sử dụng nhãn hiệu “Delta fresh” (sản phẩm tươi từ đồng bằng lưu vực sông).

CFA cho rằng, điều này tạo ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng vì họ có thể hiểu rằng, loại sản phẩm này được nuôi ở ĐBSMI (Mỹ), trong khi thực tế lại được nuôi ở ĐBSCL (Việt Nam). Kết luận của CFA khẳng định rằng, Việt Nam đang lợi dụng thành quả tiếp thị của những người nuôi cá da trơn ở Mỹ.

Bước tiếp theo, CFA tìm cách chứng minh rằng, cá tra Việt Nam không phải là catfish và do vậy không được phép sử dụng nhãn hiệu catfish trên bao bì. Họ cho rằng, cá catfish nuôi ở ĐBSMI thuộc họ Ictaluridae, còn cá tra nuôi ở ĐBSCL thuộc họ Pangassiidae.

Ngày 9/2/2001, 12 Nghị sỹ Mỹ, đại diện cho các bang nuôi cá catfish đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có biện pháp xử lý đối với sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Việt Nam lập luận rằng, catfish là một từ tiếng Anh thông dụng chỉ hàng trăm loại cá. Theo định nghĩa của Từ điển Webster thì catfish là bất kỳ loại cá nước ngọt nào có da trơn, có ria gần miệng thuộc bộ Siluriformes. Như vậy rõ ràng, cá tra Việt Nam là catfish.

Chuyên gia thủy sản thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học của Đại học Kansas (Mỹ), Ed Wiley cũng khẳng định, coi cá da trơn Việt Nam không phải catfish là điều phi lý bởi rõ ràng nó là catfish. Nó không phải là catfish Bắc Mỹ mà là catfish châu Á. Nhưng nói nó không phải catfish là sai.

Cuộc tranh cãi về tên gọi catfish tiếp tục diễn ra và kết quả cuối cùng là phần thắng thuộc về CFA khi Tổng thống Mỹ phê chuẩn Đạo luật An ninh trang trại và Đầu tư nông thôn HR2646, trong đó có điều khoản 10806 quy định chỉ đặt tên, dán nhãn mác hoặc quảng cáo catfish cho các loại cá da trơn họ Ictaluridae vào tháng 5/2002.

CFA hy vọng, thành công này sẽ khiến cho người tiêu dùng Mỹ giảm nhu cầu về cá tra Việt Nam hoặc ít nhất cũng khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nhập khẩu Mỹ phải chịu chi phí để tiến hành tiếp thị cho nhãn hiệu mới.

Mấy tháng sau khi có quy định về việc sử dụng nhãn hiệu mới, sản lượng xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ có giảm. Nhưng nguyên nhân của sự suy giảm này là do các doanh nghiệp Việt Nam phải in lại và thay nhãn hiệu mới nên phải tạm ngừng xuất hàng sang Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau thời gian này, với nhãn hiệu và chiến lược tiếp thị mới, giá sản phẩm cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam ở thị trường Mỹ tăng 20 - 30% so với trước khi đổi tên.

Khối lượng và giá trị xuất khẩu đồng thời cũng tăng mạnh. Đây là một trong những điều mà CFA không ngờ tới, bởi sau vụ tranh chấp tên gọi, nhờ vào các phương tiện thông tin đại chúng mà cá tra Việt Nam đã trở nên nổi tiếng hơn. Không chỉ người tiêu dùng Mỹ mà cả nhiều quốc gia khác tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Australia... cũng bắt đầu biết đến và nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Đòn phủ đầu thứ hai bằng thuế CBPG

Mặc dù CFA đã giành phần thắng về quy định tên gọi “catfish” nhưng rõ ràng điều này không cản trở được việc cá tra Việt Nam vẫn thâm nhập vào thị trường Mỹ. Đứng trước lo ngại về thị phần cá tra Việt Nam ngày càng gia tăng, các nhà nuôi và chế biến cá da trơn Mỹ đã đưa ra đòn tấn công thứ hai, cáo buộc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam bán phá giá trên thị trường Mỹ.

Vụ kiện bán phá giá đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam diễn ra vào ngày 28/6/2002 khi CFA đệ trình đơn lên DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cáo buộc rằng, các sản phẩm cá tra fillet đông lạnh từ Việt Nam được bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại về vật chất cho sản xuất cá da trơn Mỹ.

Phía nguyên đơn trong vụ kiện là 500 trại nuôi cá da trơn thuộc CFA và 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản Mỹ. Bên bị đơn là 53 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh của Việt Nam.

CFA đưa ra hai đề xuất áp dụng thuế chống phá giá để DOC xem xét. Nếu Việt Nam được xác định không phải là một nước theo nền kinh tế thị trường, thì mức thuế suất thuế chống phá giá áp dụng sẽ là 190%. Còn nếu Việt Nam được xác định là có nền kinh tế thị trường, thì mức thuế suất thuế chống phá giá áp dụng sẽ là 144%.

Hồi kết sẽ ra sao?

Ngày 14/3/2013, DOC thông báo quyết định cuối cùng của đợt POR8 đối với cá tra fillet đông lạnh Việt Nam, giai đoạn từ 1/8/2010 - 31/7/2011. Theo đó, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao đột ngột so với kỳ POR7, trái ngược mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0% được công bố ngày 12/9/2012.

Sở dĩ kết quả POR8 hoàn toàn bị đảo ngược là do Mỹ đột ngột chuyển từ Bangladesh sang chọn Indonesia (có nền công nghiệp sản xuất, chế biến cá tra khác xa Việt Nam) làm nước thứ ba thay thế, khiến cá tra Việt Nam bị coi là đã bán phá giá và phải chấp nhận mức thuế “trừng phạt” tăng 25 - 45 lần so với đợt POR7 là điều hết sức vô lý.

Quyết định này của DOC khiến các doanh nghiệp Việt Nam không khỏi sững sờ, lo lắng. Các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, sẽ khởi kiện và kiện đến cùng để giành lại công bằng cho cá tra Việt Nam. Khởi kiện là việc đương nhiên phải làm nhưng dù thành công hay thất bại thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng sẽ phải tốn không ít thời gian và tiền bạc. Điều này đã được chứng minh trong vụ kiện CBPG cá tra lần đầu tiên.

Không chỉ áp mức thuế cao như vậy, mà mới đây DOC lại đưa ra quyết định tăng mức thuế CBPG trong POR8 lên 1,29 đô la/kg, tăng mạnh so với mức 0,77 đô la/kg đã đưa ra trong tháng 3/2013.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe: “DOC quyết định tăng thuế do cho rằng, việc tính toán trước đó có sai sót, nên đã tiến hành điều chỉnh trong lần áp thuế tiếp theo".

Cụ thể, Cơ quan này bị nhầm toàn bộ tỷ lệ sử dụng cá của Việt An, việc tiêu thụ dầu diesel của Docifish và đưa doanh số hàng bán bị trả lại vào quá trình tính toán biên độ phá giá của các Công ty Việt An và Vĩnh Hoàn. Theo đó, mức thuế CBPG cá tra với 12 doanh nghiệp bị tăng lên 1,29 đô la/kg, tương đương tăng 67% so với mức thuế mới công bố cách đây 2 tháng. Vĩnh Hoàn được giữ nguyên mức thuế 0,19 đô la/kg, nhưng Việt An bị áp mức cao nhất là 2,39 đô la/kg, so với 1,34 đô la/kg trước đó.

Cũng theo VASEP, mức thuế suất cũ doanh nghiệp đã không có đường xuất khẩu sang Mỹ, trong khi lại có mức tăng thêm 1,29 đô la/kg thì việc đưa ra phán quyết này càng làm doanh nghiệp khó khăn hơn khi xuất khẩu vào Mỹ.

Chủ động đối phó

Tính đến thời điểm hiện nay, đây là lần thứ 8 trong gần 10 năm liên tiếp cá tra Việt Nam đứng trước việc bị phía Mỹ áp đặt thuế CBPG, trong đó phía Việt Nam đều là bị đơn. Nhưng thực sự mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam có bán phá giá trên thị trường Mỹ hay không khi theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản thì việc nuôi cá da trơn ở Mỹ, trên ĐBSMI hoàn toàn khác với việc nuôi cá tra ở ĐBSCL. Bởi thứ nhất, số vốn đầu tư cần thiết cho một diện tích hồ để nuôi cá catfish ở Mỹ cao hơn chi phí làm bè để nuôi cá tra.

Thứ hai, chính vì nuôi cá trong ao hồ nên mật độ nuôi cá ở ĐBSMI không thể cao vì nước đứng chứ không phải là nước chảy như nuôi cá bè, và việc áp dụng công nghệ quậy nước lại làm tăng thêm chi phí.

Thứ ba, ở Mỹ cá cũng chỉ lớn nhanh trong 7 - 8 tháng, còn trong những tháng mùa đông thì cá ngủ đông và hoàn toàn không lớn hay chỉ lớn rất chậm.

Thứ tư, tỷ lệ hao hụt do chim ăn ở Mỹ lên tới 30% (trong khi tỷ lệ hao hụt trung bình tại ĐBSCL chỉ ở mức 10%). Bên cạnh đó, hoạt động nuôi cá catfish ở Mỹ lại có chi phí nhân công cao và một số yếu tố khác làm tăng tổng chi phí sản xuất.

Vụ kiện CBPG cá tra chưa thể kết thúc. Từ vụ kiện có thể thấy, để hội nhập và phát triển, Việt Nam còn phải chịu sức ép của những cuộc cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản xuất, kinh doanh thủy sản, trong đó có Mỹ.

Cá tra là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, hiện được xuất khẩu sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Mỹ đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo VASEP, năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,74 tỉ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 358 triệu đô la, chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Những con số này chứng tỏ, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn kinh doanh, mở rộng thị trường thì e rằng không có cách nào khác là phải chủ động phòng tránh và đối phó với các vụ kiện CBPG.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Nhập Khẩu Thức Ăn Chăn Nuôi Tăng 40,6% Nhập Khẩu Thức Ăn Chăn… Nuôi Cá Nước Ngọt Chưa Thể Chuyên Nghiệp Nuôi Cá Nước Ngọt Chưa…