Mô hình kinh tế Vùng Lúa Vàng Tứ Giác Long Xuyên - Điệp Khúc Trúng Mùa Mất Giá
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Vùng Lúa Vàng Tứ Giác Long Xuyên - Điệp Khúc Trúng Mùa Mất Giá

Ngày đăng 08/04/2012

Vùng Lúa Vàng Tứ Giác Long Xuyên - Điệp Khúc Trúng Mùa Mất Giá

“Năm nào lúa trúng mùa thì mất giá - lúa được giá thì thất mùa” như một điệp khúc lặp đi, lặp lại và gần như trở thành quy luật khắc nghiệt đối với người trồng lúa vùng châu thổ sông Cửu Long. Đây chính là rào cản làm giàu chính đáng từ lúa của nông dân và giải pháp hữu hiệu tháo gỡ vấn đề này hãy còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), tỉnh Kiên Giang chẳng những không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã đó mà còn bất ngờ chịu ảnh hưởng bất lợi của cơn bão số 1 xuất hiện vào cuối tháng 3, gây khó khăn trong việc thu hoạch và “lúa trúng mùa lại trở thành thất mùa”.

Mùa vàng trên vùng Tứ giác Long Xuyên

Vùng TGLX, tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên khoảng 240.000 ha, gồm các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và thị xã Hà Tiên. Nếu như sản lượng lúa năm 2011 của tỉnh Kiên Giang đạt 3,9 triệu tấn và phấn đấu năm 2012 này hơn 4 triệu tấn thì TGLX là vùng trọng điểm sản xuất lúa đóng vai trò chủ lực. Để có những mùa vàng bội thu trên đồng đất TGLX, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư về thủy lợi, khai hoang phục hóa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, bố trí dân cư, giao và cho thuê đất, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. Những dự án công trình thủy lợi ngăn lũ, thoát lũ kết hợp xây dựng các tuyến dân cư sống chung với lũ, thủy nông nội đồng phục vụ tiêu úng, xổ phèn, đẩy mạnh công tác khuyến nông… với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã góp phần tích cực trong khai phá “cánh đồng hoang”, để nơi đây trở thành một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long.

Về TGLX những ngày tháng 3, tháng 4 này, cả một “cánh đồng hoang” mênh mông năm nào, với đất ngập phèn nặng, hoang sơ khoác trên mình chiếc áo mới màu vàng óng của lúa đông xuân chín rộ trải dài. Nông dân đang tất bật thu hoạch lúa, tiếng máy gặt đập liên hợp vang vang trên đồng. Nông dân Lê Bạch Đằng ở ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nói: “Nhờ lũ lớn năm 2011 đổ về sau khoảng 10 năm vắng bóng bồi bổ cho đồng đất một lượng phù sa rất lớn và diệt trừ mầm sâu bệnh nên hầu như nhà nào cũng trúng mùa. Cùng với đó, nông dân nhờ tiếp thu tốt kỹ thuật canh tác, ứng dụng vào thực tế sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống chất lượng cao, bón phân, chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh gây hại; các biện pháp IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 đúng áp dụng nhuần nhuyễn cho trồng lúa nên năng suất đạt từ 7 tấn/ha trở lên, có nơi đạt 8 - 8,5 tấn/ha.”

Nhìn những chiếc máy gặt đập liên hợp “ăn lúa” ngọt lịm trên đồng, bỏ lại sau lưng luống rơm rạ thẳng tắp, song song rải đều mặt đất, nông dân vận chuyển lúa bằng máy về nhà cho thấy trình độ sản xuất nông nghiệp ở đây nâng lên, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa nông sản lớn, hiện đại. Chị Lê Thị Thu Biên, ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Làm lúa bây giờ dễ hơn trước, nông dân đỡ vất vả, không còn cảnh một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như trước đây. Từ khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc trừ sâu bệnh, thu hoạch và đem lúa về nhà… tất cả đều cơ giới hóa thay cho sức người. Nhớ lại hơn chục năm trước, dân ở đây làm lúa chỉ được 1 vụ/năm, mong đủ ăn là may mắn lắm rồi, nay đã tăng lên 2 - 3 vụ/năm”.

“Cơm đưa tới miệng chưa chắc ăn”

Trở lại vùng trọng điểm lúa TGLX sau khi cơn bão số 1 tan mới thấm thía hơn câu nói “cơm đưa tới miệng chưa chắc ăn”, dù vài ba ngày trước đó, nông dân nơi đây phấn khởi với niềm vui được mùa vàng. Mưa và gió lớn kéo dài xuất hiện nhiều ngày liền đã làm cho nhiều trà lúa đông xuân muộn bị ngã đổ, hạt rơi rụng trên đồng. Hệ lụy là nông dân vừa thất thoát lúa, khó khăn trong thu hoạch, vừa tăng thêm chi phí sản xuất, lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn. Nông dân Lê Bạch Đằng ở ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nói: “Những tưởng lúa ngoài đồng đang chín vàng sẽ ăn chắc 100%, nhưng mưa bão bất ngờ xảy ra đã gây thiệt hại khá nặng mà nông dân không lường trước được”. Lúa chín rục, đổ ngã nhưng nông dân đang trong tình trạng thiếu máy gặt đập liên hợp và nhân công lao động thu hoạch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa hàng hóa và xay xát chế biến sản phẩm gạo xuất khẩu. Hiện nay, giá thuê lao động cắt lúa theo cách thủ công truyền thống từ 7 - 8 triệu đồng/ha và thu hoạch bằng cơ giới 5 - 6 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với đầu vụ thu hoạch, nhưng không phải gọi lúc nào cũng có máy thu hoạch tới ngay được.

Việc phơi, sấy lúa cũng đang gặp nhiều trở ngại do đây là giai đoạn cao điểm của mùa khô nông dân không chuẩn bị trước lò sấy, nắng yếu xen lẫn với xuất hiện những cơn mưa bất thường đổ xuống, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa, gạo. Ngoài ra, chi phí đầu tư sản xuất lúa tăng thêm so với đầu vụ, đó còn chưa kể thất thoát sau thu hoạch. Khó khăn đã vậy, nhưng giá lúa đang sụt giảm trên thị trường, dao động ở mức 5.000 - 5.100 đồng/kg, thậm chí còn thấp xa mức này làm cho nông dân trồng lúa không có lãi cao. Trong khi đó, chi phí đầu tư sản xuất khá lớn do giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công lao động, lãi suất vay ngân hàng tăng lên khá cao. Nhiều nông dân ở đây cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường tiêu thụ lúa gạo trong và ngoài nước, còn có nguyên nhân do tư thương ép giá, mua lúa của nông dân thông qua “cò mồi”. Nông dân muốn bán lúa cũng qua những tay “cò mồi” mới bán được cho thương lái. Không ít nông dân vì giá lúa thấp phải trữ lại hàng chục tấn để chờ giá lên. Chị Lê Thị Thu Biên, ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Nếu như thu hoạch vụ đông xuân hay hè thu năm trước, ghe mua lúa của thương lái chạy tìm mua lúa đặc sông, theo kênh thủy lợi đưa phương tiện ra tận đồng thì vụ mùa này rất ít. Họ giao dịch với “cò lúa” để mua, không phải mất công tìm kiếm. Nông dân không còn được lựa chọn thương lái để bán lúa như trước với giá cả thuận mua vừa bán. Cò lúa thỏa thuận với thương lái áp đặt giá cho nông dân. Trong khi đó, nông dân rất cần bán lúa để giải quyết chi phí đầu tư sản xuất, trang trải cuộc sống gia đình, trả nợ vay ngân hàng và tiếp tục xuống giống vụ hè thu…” Nhiều nông dân còn cho biết thêm, trước đây thương lái không mua lúa giống lúa IR 50404 do phẩm cấp thấp, nhưng từ khi triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo thì họ đang tìm mua giống lúa này và chỉ với giá 4.000 - 4.200 đồng/kg.

Giải pháp nào cho cây lúa “được mùa, được giá” để nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, an tâm đầu tư sản xuất đang chờ câu trả lời từ các ngành chức năng trong những vụ mùa kế tiếp.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Dưa Hấu Ùn Tắc Tại Cửa Khẩu Tân Thanh Dưa Hấu Ùn Tắc Tại… Hậu Giang Nhân Giống Lúa Thơm Lợi Nhuận Cao Hậu Giang Nhân Giống Lúa…