Tin nông nghiệp Tranh nhau mua mạ non
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Tranh nhau mua mạ non

Tác giả Cửu Long, ngày đăng 28/03/2016

Tranh nhau mua mạ non

Tại Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, lúa nguyên liệu phẩm cấp thấp IR50404 được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.200-5.300 đồng một kg; các loại lúa chất lượng cao 5.800-6.000 đồng mỗi kg. Mức giá này tăng 800-1.000 đồng một kg so với trước Tết Nguyên đán và cao nhất trong 3 năm qua.

Anh Nguyễn Văn Năm ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho hay, với giá lúa cao như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân có lời 2.000-2.500 đồng một kg.

Hiện lúa trên các cánh đồng ở những địa phương đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ không còn nhiều, thương lái đổ về Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh gom lúa nguyên liệu giá cao trong dân. Nông dân Lê Văn Thành ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vừa thu hoạch 5 tấn lúa, đã bán hết cho thương lái với giá 5.200 đồng một kg, thu lợi gần 3 triệu đồng mỗi công (1.000m2).

“Dù năng suất có thấp chút đỉnh do nắng hạn, nhưng bù lại giá bán cao, làm cho bà con ở đây mừng lắm”, ông Thành nói và cho biết, ngoài phần lớn người dân đã bán lúa sau khi thu hoạch, hiện nhiều người tiếp tục giữ lại chờ giá tăng thêm.

Đáng chú ý, không chỉ người trồng lúa mà các thương lái cũng nhận định giá lúa còn tăng hoặc đứng ở mức cao. Nhiều người tìm đến những vùng đất tốt, đảm bảo nước tưới để thoả thuận mua lúa non vụ hè thu của nông dân mới xạ chỉ vài ngày với giá khá cao.

Ông Nguyễn Văn Kiên, thương lái thu mua lúa lớn ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tôi đã mua được hơn 200 ha lúa non của nông dân địa phương với giá 4.500-4.600 đồng một kg loại IR50404; lúa chất lượng cao thì 4.800-4.900 đồng. Nông dân đồng ý bán, mình trả trước 30-50%, bao nhiêu cũng mua hết, cuối tháng 4 mới gặt”.

Nông dân Trần Văn Thật ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A vừa xuống giống 20 công lúa hè thu được 3 tuần cũng cho hay có nhiều thương lái đến hỏi mua.

“Do cần tiền nên tôi đồng ý bán lúa non giá 4.800 đồng một kg, lấy trước 50%, phần còn lại sẽ lấy đủ khi thu hoạch. Thương lái mua giá lúa tươi cân tại ruộng như thế là cao rồi. Chưa chắc gì tới đó mà giá còn cao như hiện nay”, ông Thật nói. 

Anh Lê Hải Minh, một thương lái chuyên thu mua lúa ở 3 địa phương Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang xác nhận, ngay cả lúa non cũng khó mua được vì người dân có tâm lý chờ giá tăng lên nữa hoặc còn phải cạnh tranh với nhiều thương lái khác có vốn mạnh hơn. Trước đà này, nhiều cò lúa đã vay mượn tiền mua lúa non của dân với hy vọng lãi lớn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, nguyên nhân giá tăng là do nhiều nước trong khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi hiện tượng El Nino, nhiều diện tích phải chuyển sang cây trồng khác, kéo theo sản lượng lúa bị giảm. Do Hậu Giang và các địa phương khác trong vùng còn nhiều diện tích lúa nên có lợi thế hơn. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang chỉ 2.800 đồng một kg nên thu lợi nhiều hơn khi giá bán cao.

Ngoài các nguyên nhân ông Đồng đưa ra, lý do giá lúa tăng vọt còn do sản lượng lúa sụt giảm mạnh từ tác động của hạn, mặn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là gần 139.000 ha và dự kiến khoảng 46.000 ha sẽ bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Thêm vào đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa chờ giá cao hơn mới bán.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi (Tiền Giang) còn đưa ra thêm nguyên nhân một phần do có sự cạnh tranh quyết liệt giữa xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạnh. “Khi doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch cần mua gạo để thực hiện tiếp hợp đồng đã ký thì một nguồn hàng lại được mua đưa ra phía Bắc khiến cho giá tăng", ông Phong nói.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gentraco cho biết: “Giá lúa đang rất cao, hiện mỗi ngày công ty chỉ mua vào số lượng ít, khoảng 200 tấn vì chưa có đầu ra. Với giá đầu vào như hiện nay, buộc phải tăng giá xuất khẩu, nhưng khi tăng thì không ký được hợp đồng”.  

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến quý I/2016 Việt Nam xuất khẩu 3,1 triệu tấn gạo (chưa tính bán tiểu ngạch qua biên giới).


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Tàn lụi vương quốc hoa kiểng Tàn lụi vương quốc hoa… Các giải pháp chuyển đổi cây trồng chống hạn Các giải pháp chuyển đổi…