Mô hình kinh tế Tôi còn 2 món nợ với nông dân
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Tôi còn 2 món nợ với nông dân

Ngày đăng 28/10/2015

Tôi còn 2 món nợ với nông dân

Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư vào nông nghiệp

Thưa Bộ trưởng, nhìn lại quá trình 70 năm thành lập Bộ Canh nông, có thể thấy, vai trò không thể thiếu của những thay đổi trong sản xuất đối với người nông dân, từ chỗ đảm bảo an ninh lương thực cho đến việc xuất khẩu hiện nay và nhiều người đang cho rằng, hình ảnh người nông dân thời kỳ hiện nay là nông dân thời đại mới.

Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Hiện nay nhiều hộ gia đình chưa áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

- Nếu nhìn lại quá trình 70 năm phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta có thể nhận thấy ngay một điều đó là sự thay đổi vị thế của người nông dân.

Từ chỗ đa số là những người làm thuê, những người nông dân nghèo đói, ngày nay nông dân nước ta đã có ruộng đất của mình, có tư liệu sản xuất, được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về khoa học kỹ thuật, về nguồn vốn và nhiều điều khác nữa để từ những người nông dân sản xuất tự cung tự cấp đã trở thành người nông dân sản xuất hàng hóa với trình độ sản xuất cao hơn và có hiệu quả hơn.

Chính vì thế, đa số nông dân nước ta đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, có thu nhập và có cuộc sống ngày càng khá giả hơn.

Về nông nghiệp, mặc dù trong 30 năm đổi mới vừa qua, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu phát triển sản xuất nguyên liệu thô và ở chừng mực nhất định vẫn thiếu sự gắn kết với thị trường.

Để giải quyết tồn tại lớn đó, trong giai đoạn tới chúng ta phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, trong đó một mặt chúng ta tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ để kinh tế hộ lớn mạnh, chuyển sang sản xuất hàng hóa với hiệu quả cao hơn, nhưng mặt khác chúng ta phải tập trung cao, nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để liên kết và hỗ trợ nông dân, định hướng sản xuất theo sát các yêu cầu của thị trường, tổ chức chế biến và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra một cách có hiệu quả.

Trên diễn đàn Quốc hội những ngày gần đây, rất nhiều đại biểu đã nói đến vấn đề về tái cơ cấu nông nghiệp và gia nhập Hiệp định TPP với nhận định, người nông dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi nếu không có sự liên kết.

Với tư cách Bộ trưởng, ông sẽ làm gì để khuyến khích người nông dân có sự liên kết lớn hơn?

- Thực tế cho thấy rằng, chúng ta không thể tiếp tục phát triển một nền nông nghiệp có hiệu quả chỉ với những hộ nông dân đơn lẻ và sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết với thị trường.

Rõ ràng, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nông dân với các doanh nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và gắn kết với thị trường một cách chặt chẽ và có hiệu quả hơn.

Thế nhưng, một thực tế cho thấy rất rõ các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu hộ nông dân mà phải có những tổ chức đại diện của hộ nông dân một cách có hiệu quả, đó chính là các hình thức hợp tác, trong đó có các hợp tác xã (HTX).

Chính vì thế, Bộ NNPTNT luôn chủ trương tập trung vào xây dựng và nhân rộng những mô hình hợp tác, chủ yếu là liên kết nông dân để tham gia vào những chuỗi giá trị, đặc biệt hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức nhân dân áp dụng các quy trình để làm ra các sản phẩm đáp ứng sát hơn yêu cầu của thị trường.

Tại phiên chất vấn gần đây, rất nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam đang “đầu hàng” về chăn nuôi, khi đó Bộ trưởng đã trả lời: “Không đầu hàng, mà sẽ tái cơ cấu bằng cách sản xuất những mặt hàng có thị trường”.

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng ngành chăn nuôi nước ta rất là yếu thế, xin Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có những giải pháp gì?

- Đúng là nền chăn nuôi của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào các hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật không cao.

Chính vì thế  giá thành cao và hiệu quả cũng kém, tính bền vững không cao.

Trước tình hình đó, chúng ta cần phải bình tĩnh rà soát để chọn cho mình những hướng đi phù hợp, phát huy lợi thế của chúng ta.

Lợi thế của chúng ta là có điều kiện về khí hậu nhiệt đới, có nhân công rẻ, nhưng mà không phải chúng ta chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có mà chúng ta cần chủ động và cũng rất quyết liệt tiếp thu những thành tựu về KHCN của các nước để tiếp sức và làm cho những lợi thế phát huy một cách có hiệu quả cao hơn.

Vừa qua, tôi đã cử các đoàn công tác làm việc với những nước có nền chăn nuôi tiên tiến như là chăn nuôi lợn ở Đan Mạch, chăn nuôi gia cầm ở Mỹ, Thái Lan, chăn nuôi đại gia súc ở Úc, Mỹ để tìm hiểu, tiếp thu những giống mới, công nghệ mới và tôi cũng đã làm việc rất nhiều với cộng đồng doanh nghiệp để kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia và phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp…

Sẽ hỗ trợ nông dân nhiều hơn

  "Tồn tại lớn nhất hiện nay là các hộ gia đình của chúng ta chưa áp dụng được những thành tựu KHCN tiến bộ nhất.

Chúng tôi sẽ có những chính sách để hỗ trợ mạnh hơn cho các nông hộ theo hướng khuyến khích các nông hộ sử dụng những giống có chất lượng cao hơn, rồi áp dụng những quy trình sản xuất mà có hiệu quả cao hơn, rồi liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất một cách bền vững và hiệu quả hơn”.  Bộ trưởng Cao Đức Phát

Vừa rồi T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức chương trình vinh danh 63 nông dân xuất sắc.

Qua theo dõi, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về trình độ nông dân hiện nay và theo Bộ trưởng thì người nông dân mới hiện nay cần phải trang bị nhiều thứ, ngoài ngoại ngữ, công nghệ, vi tính để hội nhập kinh tế quốc tế?

- Chắc chắn là còn một thời gian dài nữa nông nghiệp của nước ta vẫn dựa vào sản xuất của các gia đình nông dân nhỏ.

Trong khi đó, nông nghiệp nước ta đã và sẽ hội nhập sâu sắc với kinh tế thế giới và nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh quốc tế ngay ở trong nước và vì thế chúng ta phải thực hiện rất nhiều các biện pháp để giúp cho các hộ sản xuất nhỏ đó phải vươn lên, nắm được khoa học kỹ thuật, nắm được thông tin thị trường để làm ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường với hiệu quả cao hơn.

Bộ trưởng là một trong những người trả lời chất vấn trực tiếp nhiều nhất trên Quốc hội và cử tri rất kỳ vọng những lời hứa của Bộ trưởng sẽ trở thành hành động thực tế.

Vậy đến nay, Bộ trưởng thấy điều gì tâm đắc nhất và còn những gì cần tiếp tục triển khai?

- Thông qua những phiên chất vấn, tôi nhận thấy sự quan tâm rất là sâu sắc của Quốc hội tới nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân và thông qua những chất vấn đó, Bộ NNPTNT chúng tôi, cá nhân tôi và các bộ ngành đã có những cố gắng hơn để thực hiện theo mong đợi của cử tri.

Điều này đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước chúng ta.

Tuy nhiên, có nhiều điều mà cử tri mong đợi trong thời gian dài nhưng chúng ta  chưa thực hiện được hoặc thực hiện còn chậm, đó là làm cho sản xuất  phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân và cải thiện những điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn một cách nhanh hơn. 

Với riêng cá nhân mình, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những việc mà ông đã làm trong suốt thời gian vừa qua và điều gì vẫn khiến ông trăn trở nhất?

- Tôi cảm thấy còn nợ với người dân ở 2 điểm: Thứ nhất là về phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương miền núi, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; Thứ hai là chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính vì thế, vừa qua chúng tôi và Ban cán sự cũng đã bàn phải có một nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi để tập hợp các lực lượng của ngành NNPTNT để thực hiện chủ trương của Đảng đối với khu vực này.

Chúng tôi cũng xác định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ số 1 của toàn ngành NNPTNT đã mấy năm rồi, nhưng mà không chỉ xác định về mặt chủ trương mà vấn đề là phải biến nó thành hành động để đáp ứng mong đợi của người dân.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Cái tầm của nữ thủ lĩnh nông dân Cái tầm của nữ thủ… Cảnh báo hạn hán trầm trọng trong vụ đông xuân 2015-2016 Cảnh báo hạn hán trầm…