Mô hình kinh tế Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long cần giải pháp tổng hợp và cộng đồng
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long cần giải pháp tổng hợp và cộng đồng

Ngày đăng 29/09/2015

Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long cần giải pháp tổng hợp và cộng đồng

Làm gì để quản lý hiệu quả bệnh này trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị, đang là vấn đề nhà vườn rất quan tâm hiện nay?

Nếu phòng trừ đúng quy trình, nhà vườn hoàn toàn có thể quản lý được bệnh đốm nâu trên thanh long.

Lây lan nhanh và khó kiểm soát

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang, bệnh đốm nâu xuất hiện và phát triển mạnh ở các vườn thanh long của tỉnh khoảng từ 3, 4 năm trở lại đây. Lúc đầu, bệnh xuất hiện rải rác ở một số xã, sau đó lây lan rất nhanh ra diện rộng. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa.

Có thời điểm diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu trên toàn tỉnh lên đến trên 600 ha.

Còn theo thống kê của Chi cục, những tháng qua, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh này khoảng 250 ha.

"Hiện nay, mưa nhiều, bệnh đốm nâu đang có xu hướng phát triển, bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh để phòng chống, ngăn chặn kịp thời" - ông Men khuyến cáo.

Ths. Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, triệu chứng của bệnh, lúc đầu là những chấm li ti nhỏ hơi lõm vào bề mặt bẹ hoặc trái và chuyển dần sang màu trắng.

Về sau vết bệnh xuất hiện những chấm nhỏ màu cam ở vị trí trung tâm được bao bọc bởi vòng tròn màu vàng và rồi dần dần vết bệnh nổi lên thành đốm tròn màu nâu.

Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, các vết bệnh lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mảng lớn làm sần sùi bề mặt nhánh, có thể gây thối từng mảng lớn.

Nấm gây ra bệnh này phát triển được từ nhiệt độ thấp đến nhiệt độ cao, nên có thể xuất hiện quanh năm, nhưng mạnh nhất vào mùa mưa.

Nấm gây ra bệnh đốm nâu có thể ký sinh tiềm ẩn trong tế bào của cây. Khi gặp ẩm độ thích hợp, chỉ sau vài giờ, nấm có thể xâm nhập rồi phát triển nhanh trên cây, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng trái thanh long.

Vì thế, bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, có thể gây hại trên diện rộng và rất khó kiểm soát.

Giải pháp tổng hợp, đồng bộ, triệt để

Những tháng qua, trong khi nhiều nhà vườn "đau đầu" và bị thất thu nặng do bệnh đốm nâu tấn công mạnh trên thanh long thì vườn thanh long 1 ha của anh Nguyễn Hồng Hoàng, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo) có tỷ lệ nhiễm bệnh không đáng kể.

Đó là nhờ hơn 1 năm qua, anh Hoàng áp dụng theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn về phòng trị bệnh đốm nâu trên thanh long.

Nói về biện pháp phòng trị bệnh này ở vườn nhà, anh Hoàng cho biết, được Viện Cây ăn quả miền Nam và cơ quan bảo vệ thực vật triển khai mô hình quản lý bệnh đốm nâu trên vườn thanh long của nhà vào tháng 9/2014, lúc đó, vườn thanh long của anh có tỷ lệ nhiễm bệnh đốm nâu khoảng 20 - 30%.

Thực hiện quy trình, anh đã cắt bỏ nhánh thanh long bệnh, "rút ruột" cây chỉ để lại khoảng 100 - 120 nhánh/trụ; tiêu hủy nhánh thanh long bị bệnh; bón phân cân đối; hạ mực thủy cấp xuống còn khoảng 7 tấc so với mặt liếp; cắt bớt cỏ trong vườn kết hợp sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật khi cần thiết.

"Đợt thu hoạch trái đầu tiên sau khi áp dụng quy trình quản lý bệnh đốm nâu, trung bình 1 tấn thanh long của vườn nhà tôi chỉ có khoảng từ 5 - 10kg trái bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhánh bị nhiễm bệnh khoảng 5%. Đến đợt thu hoạch kế tiếp, vườn không có trái nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh trên nhánh rất ít" - anh Hoàng bộc bạch.

Đây là một trong nhiều mô hình quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long mà Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ thực vật và các Trạm Bảo vệ thực vật triển khai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật còn phối hợp với các địa phương tổ chức rất nhiều lớp tập huấn về quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long.

Theo đánh giá của Chi cục, các mô hình trình diễn, mô hình nhân rộng cũng như những vườn thanh long được nhà vườn tuân thủ phòng trị đúng khuyến cáo của các nhà chuyên môn, hiệu quả phòng trị bệnh đạt khá cao.

Để quản lý hiệu quả bệnh đốm nâu trên thanh long, theo Ths. Nguyễn Thành Hiếu, ngoài giải pháp phòng trừ tổng hợp theo quy trình quản lý bệnh đốm nâu tạm thời trên thanh long của cơ quan chuyên môn, việc áp dụng quy trình một cách đầy đủ, đồng loạt, triệt để và trên diện rộng có ý nghĩa rất quan trọng.

Song, trước hết, nhà vườn cần tỉa nhánh thanh long bị bệnh, nhánh không hiệu quả để cây thông thoáng, giảm ẩm độ; tiêu hủy nhánh bị bệnh đúng cách (băm hoặc xay nhỏ nhánh bị chặt bỏ rồi ủ hoai), vệ sinh triệt để vườn, khai thông nước trong mương vườn.

Cùng với đó, nhà vườn cần bón phân, các chất trung, vi lượng cân đối, trong đó không nên bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá, bổ sung nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma; hạn chế sử dụng chất kích thích.

Khi bệnh mới xuất hiện, nhà vườn tiến hành phun các thuốc có chứa hoạt chất Mancozeb, Hexaconazole, Azoxystrobin, Propiconazole (phun ướt đều toàn tán cây).

Ngoài ra, nhà vườn có thể bao trái, không tưới nước trên ngọn, nhánh mà chỉ tưới dưới gốc thanh long vào mùa mưa; phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo thời gian cách ly phun thuốc trước khi thu hoạch.

Riêng đối với vườn chuẩn bị trồng, nhà vườn cần chọn hom giống khỏe từ những cây, vườn thanh long không bị nhiễm bệnh hay cơ sở giống có uy tín.

Dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh đốm nâu trên thanh long, nhưng nếu tuân thủ đúng, triệt để quy trình quản lý bệnh đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo và cộng đồng cùng áp dụng, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt được bệnh này.

Ths. Nguyễn Thành Hiếu cho biết, bệnh đốm nâu trên thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra với nhiều tên gọi khác nhau như bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma.

Loại nấm này có phạm vi phân bố rộng và có nhiều ký chủ rộng rãi. Ngoài thanh long, nấm này còn có thể tấn công nhiều cây trồng khác như xoài, cây có múi, nho và nhiều loại cây hoang dại khác.

Bệnh xuất hiện, xâm nhập và phát triển rất nhanh (có thể lây lan qua không khí, nước, các dụng cụ cắt tỉa...) nên rất khó kiểm soát

. Hiện nay, ngoài Việt Nam, bệnh đốm nâu đã xuất hiện và gây hại trên thanh long ở nhiều nước, lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Israel, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Ths. Hiếu cũng cho biết thêm, hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam đang nghiên cứu các chủng vi sinh vật có khả năng đối kháng với nấm này.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Nỗ lực cứu cây vải chín sớm Phương Nam Quảng Ninh Nỗ lực cứu cây vải… Giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước, trong và sau mùa lũ Giải pháp bảo vệ vườn…