Tin nông nghiệp Quái kiệt nhân bản cây thốt nốt
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Quái kiệt nhân bản cây thốt nốt

Tác giả Thế Trần, ngày đăng 02/11/2016

Quái kiệt nhân bản cây thốt nốt

Trong khi huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) quay quắt lo “chảy máu” cây thốt nốt trước sự khai thác ồ ạt làm cây cảnh thì tại TP.HCM, nông dân Phan Tiến Đạt (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) có thể “nhân bản” hàng loạt giống cây này.

LTS: Ngày 5.10 vừa qua, Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức Lễ trao giải cho 11 tác phẩm tham dự cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam lần thứ 3 (2015-2016). Tiếp nối thành công đó, Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền tiếp tục tổ chức Cuộc thi viết Tự hào NDVN lần thứ 4 (2016-2017). Từ số báo này, Báo NTNN bắt đầu đăng tải các bài dự thi. Các tác giả có bài dự thi xin gửi về email: lehan8780@gmail.com (ghi rõ Bài dự thi cuộc thi viết Tự hào NDVN lần thứ 4); thời gian nhận bài từ 15.10.2016.

Những năm còn “phụ trách” ĐBSCL, An Giang là tỉnh tôi hay dừng chân và huyện Tri Tôn là nơi tôi đến nhiều nhất. Cái thú khi ghé huyện này là được uống nước từ cây thốt nốt do đồng bào Khmer bán. Tôi còn nhớ trong một lần tiếp chuyện một cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện, anh cho biết, hầu hết cây thốt nốt ở đây là tự mọc, việc ươm hạt trong bầu là cực khó, vì “sau thời gian đâm rễ, hạt tự nhảy ra khỏi bầu và chết!

Hết nhảy!

Trong ảnh: Anh Phan Tiến Đạt chăm sóc một cây thốt nốt chuẩn bị đem trồng trên đường Vườn Thơm. Ảnh: T.T

Cây thốt nốt (tên khoa học là Borassus flabellifer) thuộc họ dừa, là loài cây gắn liền với các nền văn hóa: Hindu, Khmer, Thái… Cây có dáng đẹp, có thể sống đến 100 năm. Tuy nhiên, nhược điểm của loài cây này là sinh trưởng chậm, và chính nhược điểm này khiến nhiều người ồ ạt bứng về làm cây cảnh.

Trong một góc nông trang thốt nốt vừa gây dựng, Đạt ngồi vân vê cây thốt nốt mới lên bằng gang tay nằm gọn lỏn trong bầu. Hai cái lá xanh đậm với những đường gân nổi cộm, cưng cứng khiến người xem khá thú vị với mầm sống của cây thốt nốt.

Thấy tôi vào, Đạt nhoẻn miệng cười rồi chìa mầm sống cây thốt nốt trước mặt tôi: “Xưa nay, người dân An Giang, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ... thường trồng thốt nốt bằng hạt và đặt hạt cố định ở nơi dự định trồng. Chưa có ai ươm trồng thốt nốt với số lượng lớn trong bầu. Việc nhiều người dùng cây thốt nốt làm cây cảnh thời gian qua tạo ra nhu cầu bứng cây có sẵn đi trồng. Tuy nhiên, việc này không mấy thành công do cây dời đi có tỷ lệ chết rất cao, không tạo được số lượng đủ lớn để trồng hàng loạt. Do đó, tôi nảy sinh ý định phải ươm thành công giống cây này”.

Cầm bầu cây thốt nốt trên tay, tôi đem câu chuyện “hạt thốt nốt nhảy khỏi bầu” ra hỏi anh Đạt. Nghe xong, Đạt cười khì: “Đó là do đặc điểm nảy mầm của hạt thốt nốt mà tôi gọi là “nảy mầm tầm xa”. Anh giải thích khi đâm rễ, hạt sẽ mọc một chồi mầm thật dài (6 – 7cm), cắm sâu xuống đất và hình thành đỉnh sinh trưởng cùng chồi rễ tại đó. Đặc điểm này giúp mầm thốt nốt tránh nắng nóng và vượt qua mùa khô hạn đầu tiên nhưng cũng là điểm khó cho việc bứng cây di dời hay ươm trong bầu đất. Khi rễ đâm chạm đáy bầu, nó dần dần sẽ đẩy hạt nhảy ra khỏi bầu. Mặt khác, với đặc điểm sinh trưởng chậm nên cũng chậm phục hồi sau khi di chuyển làm cho cây khô trước khi có rễ mới, vì vậy tỷ lệ sống của cây di dời rất thấp.

Hàng thốt nốt 6 năm tuổi thẳng tắp trong nông trại của anh Phan Tiến Đạt.

Chính cái sự “đỏng đảnh” của hạt thốt nốt mà “chất quái” của Tiến Đạt đã bộc lộ. Đạt cho rằng, để có được cây thốt nốt con ươm từ hạt và có thể di chuyển dễ dàng đòi hỏi phải có một quy trình đặc biệt dành riêng cho cây thốt nốt.

Theo Đạt, trong giai đoạn gieo hạt, do thốt nốt có chồi mầm dài ăn sâu xuống đất, nên cần phải gieo hạt bằng bồn có đủ độ sâu phù hợp với vật liệu trồng tơi xốp. Độ sâu của bồn gieo cần đủ không gian cho chồi mầm và rễ phát sinh. Giai đoạn này cần thời gian từ 8 - 12 tháng để mầm thốt nốt tạo được 3 - 5 rễ cấp 1 và có rễ cấp 2. Với giai đoạn tách cây con ra bầu, khi cây con đạt độ tuổi nêu trên, cần tháo bỏ bồn ươm để tiến hành tách rời từng cây con và trồng ra riêng, có thể trồng từng cây ra bầu đất tơi xốp để dưỡng cho cây lớn hơn hoặc mang trồng trực tiếp ra đất.

“Từ năm 2010 đến nay tôi đã nhân giống thành công hơn 5.000 cây thốt nốt và một số đã được tung ra thị trường. Hiện trong vườn tôi còn hơn 1.000 cây vài năm tuổi. Thốt nốt đang là cây rất hút hàng và có giá trị trên thị trường dùng làm kiểng. Mỗi cây 3 năm tuổi có giá hơn 500.000 đồng, nếu cả công trồng phải trên 1 triệu đồng” - anh Đạt nói.

Công trình để đời…

 

Một cây thốt nốt chuẩn bị đem trồng. Ảnh: T.T

Đường Vườn Thơm – con đường độc đạo dẫn vào xã Bình Lợi, giờ nâng cấp rộng rãi, nhựa phẳng lỳ. Tuyến đường văn minh – mỹ quan đô thị này sắp tới sẽ còn đẹp hơn nhiều khi hàng cây thốt nốt bắt đầu cao lớn. Dọc theo tuyến đường dài 7,5km này, từ hơn một năm nay, anh Đạt đã triển khai kế hoạch trồng 600 cây thốt nốt. “Vừa qua, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tôi đã ươm tạo thành công cây thốt nốt. Cây thuần dưỡng từ 3 năm tuổi, khi bứng đi trồng đạt tỷ lệ sống sót trên 95%. Tôi đã tặng 600 cây thốt nốt 5 năm tuổi cho chính quyền với mục đích thực hiện dự án trồng dọc tuyến đường Vườn Thơm nhằm tạo cảnh quan và chống sạt lở cho bờ kênh Xáng. Tôi hy vọng, hàng thốt nốt thẳng tắp là cảnh quan hiếm có và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương” - anh Đạt tâm sự.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Lợi Trương Thái Ngọc đánh giá, mô hình trồng cây thốt nốt dọc đường Vườn Thơm hứa hẹn sẽ tạo ra bộ mặt mới cho xã vùng sâu Bình Lợi bởi nó sẽ tạo ra cảnh quan độc đáo và hiếm có; nâng cao đời sống tinh thần, ý thức người dân trong việc tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và thực hiện nếp sống văn hóa.

Năm 2015, trong Hội thi “Sáng tạo nhà nông” do Hội Nông dân TP.HCM và Sở KHCN TP.HCM  tổ chức, khi nghe tin Tiến Đạt đoạt giải Ba với giải pháp “Thuần dưỡng cây thốt nốt”, tôi đã sốc vì cứ nghĩ đến câu chuyện “hạt thốt nốt nhảy khỏi bầu”. Lúc ấy, sẵn dịp Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trần Trường Sơn đứng cạnh, tôi hỏi ông nghĩ gì với việc cho giải ba giải pháp này? Ông Sơn nói ngay mà chẳng cần nghĩ ngợi: “Đây là giải pháp xứng đáng được nhận giải. Quy trình thuần dưỡng cây thốt nốt từ hạt đã tạo điều kiện cho một mặt hàng mới tham gia thị trường cây giống, đó là cây thốt nốt, mặt hàng mà từ trước đến nay các nhà làm vườn thường ngại tư vấn cho khách hàng vì không thể tìm được số lượng cây đồng loạt lớn và giá thành hạ. Với việc thuần dưỡng thành công thốt nốt từ hạt, áp lực bứng cây tự nhiên sẽ giảm, giúp bảo tồn các vườn thốt nốt hiện hữu”.

Đưa tôi đi dọc trên đường Vườn Thơm xem dự án để đời, Đạt thổ lộ: “Tôi mới trồng thốt nốt được một nửa đường Vườn Thơm và sẽ cố gắng hoàn thành sớm dự án này. Nói thật, tôi làm nông không thua ai, cây, con gì tôi làm đều thành công, nhưng việc thuần dưỡng thành công cây thốt nốt mới làm tôi tâm đắc nhất”. 


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
149.100 ha đất rừng bị tranh chấp, lấn chiếm 149.100 ha đất rừng bị… Tẩm bổ cho lợn bằng thảo dược Tẩm bổ cho lợn bằng…