Tôm thẻ chân trắng Phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Tác giả Hương Trà (tổng hợp), ngày đăng 01/06/2018

Phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Trong những năm gần đây, bệnh đốm trắng (White spot disease-WSDV) là một trong những bệnh thường xuyên mắc phải tại các trại nuôi tôm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đây là một trong những bệnh phổ biến và gây nên thiệt hại to lớn tại nhiều quốc gia có nghề nuôi tôm phát triển. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 1992-1993, sau đó bệnh lan truyền nhanh chóng đến hầu hết các nước thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Indonexia, Đài Loan, Thái Lan. Đến năm 1999 bệnh đã lan sang cả khu vực Nam Mỹ, mà người ta xác định chúng lây lan thông qua con đường nhập khẩu sản phẩm tôm đông lạnh từ Châu Á.

Ở Việt Nam bệnh bùng phát lần đầu tiên vào những năm 1994 - 1995 tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Từ đó virus này đã lây lan nhanh ở hầu hết các địa phương có nuôi tôm và trở thành 1 bệnh vô cùng nguy hiểm, gây tác hại lớn cho nghề nuôi tôm Việt Nam những năm qua. Trong những tháng gần đây, nhiều địa phương ghi nhận tình hình dịch bệnh đốm trắng diễn ra với phạm vi và tần suất khá cao. Trước tình hình đó, nhiều ban ngành chuyên môn đã có những khuyến cáo về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi giúp người nuôi tôm chủ động giảm thiểu thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

Dấu hiệu chính của bệnh

Tôm bị nhiễm bệnh thường có một số triệu chứng như ăn ít (cũng có trường hợp tăng cường độ bắt mồi so với bình thường, vài ngày sau mới xuất hiện hiện tượng bỏ ăn). Tôm bị bệnh có dấu hiệu bơi lờ đờ trên mặt nước và xuất hiện dấu hiệu đặc trưng là những đốm trắng tròn với kích thước từ 0,5-2mm dưới lớp vỏ kitin ở phần giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng. Trong nhiều trường hợp tôm có thể chuyển sang màu hồng đỏ (vì vậy còn gọi là bệnh Đỏ - red disease).  

Có trường hợp tôm vào bờ và chết dữ dội nhưng không xuất hiện các dấu hiệu của đốm trắng, nhưng khi kiểm tra bằng phương pháp PCR (Polymerase Chain reaction) cho kết quả dương tính. Đây là trường hợp bệnh xảy ra ở mức độ cấp tính, độc lực của virus rất cao làm cho tôm chết tức thời trước khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.

Đặc điểm phân bố

Nhiều nghiên cứu đều kết luận virus đốm trắng (WSSV) có độc lực rất cao, bệnh có thể gây tôm chết rất nhanh, tỷ lệ chết có thể lên đến 100% trong vòng 3-7 ngày kể từ khi xuất hiện bệnh. Một số nghiên cứu về đặc điểm sinh thái của virus này cho thấy ở dạng tự do chúng có thể tồn tại trong nước 4 ngày, chúng cũng có thể sống trong môi trường nước lợ hoặc mặn. Hầu hết giáp xác sống ở nơi có độ mặn từ 5-40‰ đều có thể bị nhiễm. Mặc dù trong tự nhiên thời gian tồn tại tự do của virus không cao, nhưng chúng tồn tại rất phổ biến trong cơ thể của các sinh vật mang mầm bệnh là các giáp xác hoang dã như: cua, còng, ghẹ…

Nguyên nhân khiến bệnh đốm trắng khó được kiểm soát

Mật độ nuôi cao và thức ăn công nghiệp: Trong tự nhiên, tôm có môi trường sống lý tưởng với các loại thức ăn lành mạnh và mật độ nuôi thấp. Tại các ao nuôi quảng canh, rất ít trường hợp xuất hiện bệnh đốm trắng dù các biện pháp an toàn sinh học không phải là yếu tố thường xuyên được đảm bảo. Nuôi tôm ở mật độ cao khiến chúng bị stress, làm giảm khả năng miễn dịch của tôm, khiến virus đốm trắng có cơ hội phát triển và lây lan mạnh hơn.

Nhiều loài có thể trở thành vật chủ trung gian: Mặc dù có rất nhiều loài sinh vật có thể làm vật chủ trung gian giúp virus đốm trắng sinh trưởng và phát triển, song chúng lại không bị loại virus này giết chết. Mặt khác, chúng vẫn sống và giúp virus đốm trắng phát tán rộng ra môi trường, giết hại các loài sinh vật khác.

Cấu trúc di truyền đặc biệt: Do vật chất di truyền nằm trong tế bào chất thay vì nằm trong nhân nên nhiều biến thể khác nhau của virus có thể gây bệnh và lây nhiễm trong một đợt dịch khiến diễn biến dịch rất phức tạp và khó kiểm soát.

Tôm nuôi có khả năng mắc nhiều bệnh cùng lúc: Một khi bị bệnh, hệ miễn dịch của tôm yếu đi khiến tôm có thể mắc đồng thời nhiều bệnh cùng lúc. Sự phối hợp giữa các bệnh khiến tôm bị nhiễm độc mạnh hơn và tỷ lệ chết cũng cao hơn.

Các biện pháp phòng bệnh

Hiện nay, chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả và dứt điểm cho bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, do đó, các cơ quan chức năng luôn khuyến khích người nuôi tôm chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh thường được khuyến cáo là:

- Sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh, đặc biệt là không bị nhiễm virus WSSV. Đảm bảo tôm giống trước khi thả nuôi cũng phải được kiểm tra mầm bệnh nguy hiểm bằng phương pháp PCR, đặc biệt là không có dấu hiệu mầm bệnh đốm trắng.

 - Có thể áp dụng kỹ thuật sốc formol 150 - 200ppm trong 30 phút đàn Poslarvae trước khi đưa vào nuôi, để loại đi những cá thể yếu và mang mầm bệnh.

- Cần thực hiện kỹ khâu tẩy dọn ao nuôi để diệt virus tự do, diệt và ngăn chặn những cá thể trung gian có mang mầm bệnh virus WSSV (cua, còng, tôm tự nhiên…). Hoặc dùng các loại thuốc sát trùng mạnh (Nevugon, formol, chlorine…) tẩy dọn ao, làm mất khả năng cảm nhiễm của virus tự do trong nước.

- Thả nuôi theo đúng mùa vụ khuyến cáo của cơ quan chức năng để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

- Ngoài ra trong quá trình nuôi cần áo dụng các công nghệ nuôi thân thiện với môi trường để phòng hiệu quả, đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm tôm nuôi. Quản lý tốt môi trường ao nuôi, cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học như: quạt nước, sục khí đáy; các biện pháp hóa dược như: bón vôi để duy trì độ pH, tăng độ kiềm và các biện pháp sinh học như: dùng chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi, tránh gây biến động môi trường đột ngột, dẫn đến sốc môi trường cho tôm làm cho tôm dễ mẫn cảm với tác nhân gây bệnh và cũng là điều kiện tốt cho bệnh bùng phát.

- Nên nuôi tôm theo quy trình khép kín theo phương pháp ít thay nước, nguồn nước đưa vào ao phải được lọc kỹ và diệt mầm bệnh, để thực hiện nội dung này đòi hỏi ao phải có ao chứa lắng lọc và xử lý trước khi sử dụng cho nuôi tôm. Bên cạnh đó cần chú trọng đến khâu nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi thông qua việc sử dụng các biện pháp quản lý chăm sóc tốt, dùng thức ăn chất lượng cao.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
EMS / AHPNS: Bệnh gây ra bởi vi khuẩn EMS / AHPNS: Bệnh gây… Chế phẩm probiotic trong việc phòng ngừa virus gây bệnh đốm trắng trên tôm Chế phẩm probiotic trong việc…