Mô hình kinh tế Không Có Chuyện Hàng Trăm Hộ Nuôi Bò Ở Đồng Nai Bị Đẩy Vào Thế Điêu Đứng
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Không Có Chuyện Hàng Trăm Hộ Nuôi Bò Ở Đồng Nai Bị Đẩy Vào Thế Điêu Đứng

Ngày đăng 29/01/2013

Không Có Chuyện Hàng Trăm Hộ Nuôi Bò Ở Đồng Nai Bị Đẩy Vào Thế Điêu Đứng

Thời gian gần đây một số thông tin cho rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico đã làm trái quy định như: “Tổ chức “cướp” doanh nghiệp (DN)? Vết “nhơ” trong việc thu hút FDI; “Phớt lờ” chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ?...” đẩy hàng trăm hộ nuôi bò với hàng ngàn nhân khẩu lâm vào thế điêu đứng do ngưng mua sữa cho nông dân; làm đình trệ sản xuất của công ty cổ phần sữa Lothamilk. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, thông tin trên là hoàn toàn không đúng sự thật.

* Bất chấp pháp luật Việt Nam

Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai TNHH (tiền thân của Công ty cổ phần Lothamilk) là một công ty liên doanh do Công ty Great Water International Corporation Limited (Đài Loan - Trung Quốc) sở hữu 70% vốn pháp định và Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai sở hữu 30% vốn pháp định được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư ngày 12-8-1997.

Vào năm 2008, các đối tác trong công ty liên doanh trên đã tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị định 101/2006 của Chính phủ về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi giấy chứng nhận đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư. Quá trình chuyển đổi loại hình DN và chuyển nhượng 22% vốn điều lệ của Lothamilk từ Great Water International Corporation Limited cho Dofico được thực hiện theo quy trình và luật định.

Ngày 6-5-2008, Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai TNHH đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-HĐQT về chuyển đổi doanh nghiệp. Quyết định do các ông: Wang Tai Shan, đại diện phía Đài Loan; Trương Công Báu và ông Hoàng Văn Thân, đại diện phía Việt Nam ký. Trong đó, Hội đồng quản trị công ty giao ông Wang Tai Shan, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai TNHH và chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp theo quy định, trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty. Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng quản trị và hồ sơ trên, ngày 30-6-2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 471033000125 cho Công ty cổ phần Lothamilk. Trong đó, phần góp vốn của các bên được xác định lại như sau: Công ty Great Water International Corporation Limited có 48% vốn góp; Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai có 30% vốn góp; và Dofico có 22% vốn góp (tương đương 5.404.200.000 đồng). Do Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai là đơn vị trực thuộc Dofico, do đó Dofico đã chính thức nắm giữ 52% vốn điều lệ và là công ty mẹ của Công ty cổ phần Lothamilk. Điều này đã thể hiện rõ trong bảng danh sách cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Lothamilk do ông Wang Tai Shan ký ngày 9-6-2008 và cũng đã xác định rõ phần vốn góp của các bên.

Từ khi chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần từ 6-2008 đến tháng 7-2011, Công ty cổ phần Lothamilk đi vào hoạt động bình thường, hàng năm đều tổ chức đại hội cổ đông thường niên, thực hiện cung cấp báo cáo tài chính và thông tin tại đại hội cổ đông và tiến hành chia cổ tức hàng năm cho các cổ đông Việt Nam, cho Great Water International Corporation đầy đủ.

Ngày 30-7-2011, ông Wang Tai Shan, Tổng giám đốc Lothamilk nghỉ hưu. Căn cứ Điều lệ công ty, phía Công ty Great Water International Corporation Limited đã có văn bản đề cử và Hội đồng quản trị Lothamilk đã thống nhất bổ nhiệm bà Wang Juo Hsuan (là con gái ông Wang Tai Shan) làm Tổng giám đốc Lothamilk từ ngày 1-8-2011 (trước đó, bà Wang Juo Hsuan là nhân viên Công ty liên doanh bò sữa Đồng Nai TNHH, rồi Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lothamilk. Bà cũng là một cổ đông của Công ty cổ phần Lothamilk và đã tham gia đầy đủ các kỳ Đại hội đồng cổ đông từ năm 2008 đến năm 2011). Ngoài ra, cũng tại văn bản này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Water International Corporation Limited là ông Wang Yung Hong tiếp tục xác định phần vốn góp của các thành viên phía Đài Loan trong Lothamilk là 48%.

Theo Điều lệ công ty, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty, tuy nhiên, sau khi được Hội đồng quản trị bổ nhiệm, bà Wang Juo Hsuan đã không thực hiện đúng thủ tục đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định của Luật DN Việt Nam. Do đó, trên Giấy chứng nhận đầu tư, ông Wang Tai Shan vẫn còn là người đại diện theo pháp luật của công ty. Như vậy, tư cách pháp lý Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Lothamilk của bà Wang Juo Hsuan là không hợp pháp, đồng thời đẩy công ty vào thế hoạt động không có người điều hành hợp pháp.

Vào cuối năm 2011 bà Wang Juo Hsuan lấy danh nghĩa đại diện Công ty Great Water International Corporation Đài Loan tiến hành làm đơn khởi kiện tại tòa án các cấp vì cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng 22% vốn không thanh toán tại Công ty cổ phần Lothamilk là không hợp lệ. Ngày 3-2-2012, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 03/2012/QĐĐC-KDTM đình chỉ giải quyết vụ kiện trên với lý do quá thời hiệu để khởi kiện (hơn ba năm). Ngày 26-6-2012, Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 188/2012/QĐ-HDTM-PT giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm. Sau khi có phán quyết của tòa án, bà Wang Juo Hsuan không chấp hành phán quyết của tòa án, tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi và ngày càng tỏ thái độ bất hợp tác đối với cổ đông phía Việt Nam, tự điều hành Công ty cổ phần Lothamilk theo ý riêng, bất chấp các quy định của Điều lệ doanh nghiệp và pháp luật đầu tư.

Trước tình hình trên, với tinh thần đối thoại, hỗ trợ và giải quyết trên tinh thần hợp tác, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp ngày 7-9-2012 (Có mời đại diện Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc cùng tham dự) để giải thích rõ các khiếu nại của Bà Wang Juo Hsuan... Tuy nhiên sau cuộc họp này, bà Wang Juo Hsuan vẫn không có gì chuyển biến, bà vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi và tự ý đứng ra điều hành hoạt động công ty. Không tham gia và ngăn cản các thành viên phía Đài Loan tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông công ty; ngăn cản mọi hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát; không cung cấp các thông tin, kế hoạch, kết quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị cho Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát công ty và các cơ quan chức năng; điều hành công ty trong tình trạng không có kế toán trưởng; hoạt động của chi bộ Đảng và tổ chức Công đoàn hầu như bị đình trệ… Đặc biệt cũng trong thời gian này, bà đã ký hàng loạt quyết định buộc thôi việc dưới nhiều hình thức các cán bộ, nhân viên chủ chốt trong công ty, trong đó có cả Phó tổng giám đốc, Phó bí thư chi bộ Đảng, Chủ tịch Công đoàn… không có lý do chính đáng và sai thẩm quyền theo Điều lệ công ty.

Ngoài ra, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 9641 ngày 27-11-2012 do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký, đề nghị kiểm tra hồ sơ quá trình chuyển đổi Công ty liên doanh Lothamilk sang Công ty cổ phần Lothamilk, làm rõ các nội dung khiếu nại của bà Wang Juo Hsuan…”; UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 8685, 8686 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh ký gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Vụ Đầu tư nước ngoài, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP. Hồ Chí Minh… về trình tự thủ tục giải quyết đơn khiếu nại của bà Wang Juo Hsuan. Như vậy, thông tin cho rằng Đồng Nai phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ép nhà đầu tư là hoàn toàn không chính xác, gây ảnh hưởng xấu và bác bỏ cả hiệu quả của quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Đồng Nai.

* Ai bỏ rơi nông dân

Trước tình hình trên, Dofico đã chỉ đạo người đại diện phần vốn của tổng công ty tại Công ty cổ phần Lothamilk thực hiện các biện pháp cần thiết theo Điều lệ công ty và pháp luật quy định nhằm bảo vệ lợi ích của các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước và quan trọng nhất là đảm bảo cho Công ty cổ phần Lothamilk hoạt động đúng quy định pháp luật, tránh gây ra những hậu quả phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Thực tế từ ngày 26-12-2012, sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật và thay đổi người điều hành đơn vị, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Lothamilk đã ổn định, khắc phục dần các sai phạm trong quản lý và có chiều hướng phát triển tốt: việc mua sữa từ các trang trại, hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục được thực hiện; các quan hệ với các nhà cung cấp được củng cố và tăng cường; hệ thống phân phối được duy trì và phát triển; tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố; những nhân viên buộc thôi việc trái pháp luật đã được khôi phục hợp đồng lao động…

Tuy nhiên, thời gian gần đây một số cơ quan báo chí cho rằng các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai gây hậu quả nghiêm trọng, làm ngưng trệ hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Lothamilk và đẩy hàng nghìn nông dân nuôi bò vào thế điêu đứng.

Để làm rõ những dư luận trên, chúng tôi đã trực tiếp đi đến những hộ nuôi bò cung cấp sữa cho Lothamilk và họ cũng khẳng định, việc cung ứng sữa đã diễn ra bình thường hàng năm nay và không hề có chuyện ngưng trệ.

Thực tế là Công ty cổ phần Lothamilk không trực tiếp mua sữa từ nông dân mà Công ty bò sữa Đồng Nai (Donamilk) là đơn vị ký hợp đồng mua sữa từ các hộ nông dân sau đó mới cung ứng cho Lothamilk. Ông Nguyễn Bá Pháp, chủ trang trại nuôi bò sữa và là người nông dân ở xã Tam Phước, huyện Long Thành đã ký họp đồng nhận khoán 2,3 hécta đất nuôi bò từ năm 1996 đến nay cho biết: “Hàng năm, phía nhà cung cấp sữa cho Lothamilk là Donamilk đã làm hợp đồng thu mua 100% sữa của hàng trăm hộ dân ở vùng này và chưa khi nào việc thu mua sữa bị đình trệ, kể cả ngày lễ hay tết”. Ông Trần Đình Hiếu, Giám đốc Donamilk cho biết, việc giao khoán đất cho nông dân trồng cỏ nuôi bò và mua sữa đã diễn ra hàng chục năm nay và nay vẫn hoạt động bình thường; kể cả khi Lothamilk ngưng mua sữa của Donamilk thì công ty vẫn tiếp thu mua sữa của nông dân (mặc dù việc này gây thiệt hại về kinh tế cho Donamilk) nên mọi viêc vẫn diễn ra bình thường. Từ trước đến nay, không có hộ nông dân nào phải ngưng sản xuất như lời đồn đoán và hoàn toàn không có chuyện hàng trăm hộ nuôi bò bị lâm vào thế điêu đứng do công ty không mua sữa.

Ngoài ra, ngày 12-12-2012, bà Wang Juo Hsuan đã ký văn bản gửi Công ty cổ phần sữa Đà Lạt đề nghị ngưng cung ứng sữa cho Công ty cổ phần Lothamilk kể từ ngày 20-12-2012 với lý do: “Công ty chúng tôi có phát sinh một số vấn đề cần sự giải quyết từ văn phòng Chính phủ. Hiện tại đã có văn bản của văn phòng Chính phủ gửi các bộ ngành liên quan là Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch - đầu tư giải quyết gấp” do vậy, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong giao dịch tài chính… Kể từ 12-12-2012, công ty chúng tôi hứa sẽ thanh toán số tiền nợ cho Công ty cổ phần sữa Đà Lạt với số tiền 100.000.000 đồng/tuần cho đến khi hết công nợ...”.

Từ những chứng cứ thực tế trên đã làm rõ ai là người đã gây ra đình trệ các hoạt đông sản xuất và gây ra thiệt hại cho Công ty cổ phần Lothamilk. Đồng thời, thông tin trên một số cơ quan truyền thông nêu là không chính xác, không đúng với bản chất sự việc mà chỉ thông tin một chiều từ phía người đi tố cáo.

 


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Nuôi Cá Lóc Đầu Nhím Đạt Hiệu Quả Cao Nuôi Cá Lóc Đầu Nhím… Sâu Cuốn Lá Tấn Công Lúa Đông - Xuân Ở Ba Tri (Bến Tre) Sâu Cuốn Lá Tấn Công…