Mô hình kinh tế Hướng Đi Đúng Cho Nông Dân Hà Nội
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Hướng Đi Đúng Cho Nông Dân Hà Nội

Ngày đăng 23/07/2014

Hướng Đi Đúng Cho Nông Dân Hà Nội

Hà Nội hiện có gần 500 nghìn ha rau xanh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có 150 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với hơn 40 loại rau, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, nhưng hiện vẫn thiếu hơn 350 nghìn tấn rau/năm so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để không phải nhập rau an toàn từ các địa phương khác đang trở thành mục tiêu phấn đấu của các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng rau ở Hà Nội hiện nay.

Hình thành các vùng trồng rau tập trung

Với tổng số 250 ha sản xuất rau an toàn, xã Văn Đức của huyện Gia Lâm là một trong những xã có diện tích trồng rau an toàn lớn nhất thành phố Hà Nội. Đây là vùng trồng rau truyền thống để cung cấp cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận. Nhiều năm trở lại đây, rau Văn Đức được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh.

Mỗi ngày có hàng chục xe tải về xã thu mua rau với khoảng từ 35 đến 40 tấn. Hiện có 70% sản phẩm rau an toàn của Văn Đức được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối của Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh khác.

Rau cải thảo được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Thu nhập của nông dân xã Văn Đức kể từ khi chuyển sang mô hình trồng rau an toàn liên tục tăng cao, năm 2013 đạt từ 180 đến 200 triệu đồng/ha và phấn đấu nâng lên 250 - 300 triệu đồng/ha vào năm nay.

Đến nay, Văn Đức là vùng rau an toàn điển hình của Hà Nội và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm điểm về mô hình kiểm soát, quản lý theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ của cả nước. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Văn Đức Nguyễn Văn Minh khẳng định, rau an toàn Văn Đức đã đăng ký sở hữu trí tuệ, chịu trách nhiệm các sản phẩm gắn tem nhãn mác của mình.

Việc sản xuất của các hộ đều có sổ nhật ký và khi tiêu thụ, đã có tem nhãn mác ghi rõ từng hộ sản xuất vào sổ. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm đều được biết rõ nguồn gốc. Có xuất xứ, nguồn gốc, sản phẩm tiêu thụ dễ hơn và người tiêu dùng sử dụng yên tâm hơn.

Có mặt tại vườn rau an toàn hơn 1,6 ha của ông Nguyễn Xuân Tý, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, chúng tôi tận mắt chứng kiến cách làm vườn, thu hoạch và bán sản phẩm ngay tại vườn của gia đình ông.

Được chia làm các loại vườn, ngăn theo ô, bảo vệ nghiêm ngặt, từ rau cải mới gieo trồng, rau lấy củ đang trong kỳ sinh trưởng, rau lấy quả trong kỳ thu hoạch, các thành viên trong gia đình phân công công việc phù hợp, chuyên nghiệp.

Năm nay, nhờ thực hiện theo đúng tiêu chuẩn VietGAP cho nên các nông sản của gia đình ông bán rất chạy và được giá. Bây giờ là lúc gối vụ, cả gia đình lại tập trung vào khâu làm đất, gieo trồng. Ông cũng cho biết, tại xã Song Phương, một số hộ đã có thu nhập hằng năm khá ổn định nhờ trồng rau an toàn.

Cũng như Văn Đức, huyện Gia Lâm, Song Phương, huyện Hoài Đức, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì là địa phương có truyền thống trồng rau an toàn.

Hiện, toàn xã có hơn 50 ha đất sản xuất nông nghiệp. Duyên Hà không có nghề phụ, đời sống chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do là vùng bãi cho nên không có đất cấy lúa mà chỉ chuyên sản xuất rau, màu. Đã hơn hai mươi năm nay, Duyên Hà được thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Nhưng mới đây, năm 2010, vùng rau Duyên Hà mới chính thức được cấp giấy chứng nhận rau an toàn và được đầu tư xây dựng nhà sơ chế. Cũng từ đó đến nay, người trồng rau an toàn ở Duyên Hà đã có cơ hội để phát triển thương hiệu sản phẩm rau của mình, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Gắn nhãn xuất xứ cho rau an toàn

Theo một số nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, sản xuất rau an toàn hiện đang mang lại nguồn lợi không nhỏ cho nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cũng còn không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập như chưa có đường điện ra đồng, hệ thống giao thông và thủy lợi cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ về quy trình sản xuất cho nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Vì thế, nông dân trồng rau rất mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành chức năng trong việc giải quyết các khó khăn, bất cập để mô hình trồng rau ViệtGAP ngày càng mở rộng ở các huyện ngoại thành, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Theo ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, rau an toàn của địa phương đã được gắn tem nhận diện, tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp hiện nay chưa nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù đã được quy hoạch vùng rau an toàn nhưng do mỗi hộ gia đình sản xuất tại một thửa ruộng riêng, cho nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát.

Một khó khăn nữa là hiện nay giá bán rau an toàn tại các siêu thị, cửa hàng vẫn cao do chịu nhiều chi phí trung gian, chưa hấp dẫn người mua, cho nên người trồng rau an toàn vẫn phải tự bươn trải để tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc dán tem nhận diện rau an toàn tạo thuận lợi cho cả người tiêu dùng và các hộ sản xuất, nhưng hiện số lượng khách hàng tin tưởng vào tem nhận diện rau an toàn vẫn chưa nhiều.

Đây chính là những khó khăn cho người nông dân sản xuất rau an toàn không chỉ ở xã Duyên Hà mà tại nhiều địa phương khác với sản phẩm chất lượng tốt mình làm ra dù chi phí tốn kém nhưng đôi khi vẫn bị đánh đồng với những sản phẩm kém chất lượng.

Để giúp nông dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận diện rau an toàn, hiện nay, thành phố Hà Nội đã có các trạm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm cây trồng để phục vụ công tác quản lý chất lượng rau an toàn. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế kinh doanh rau an toàn, lấy mẫu rau phân tích để kiểm tra chất lượng rau.

Nông dân trồng rau thường xuyên được các cơ quan có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện để sản xuất rau an toàn, nâng cao kỹ năng trồng trọt, kỹ thuật công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Thành phố đã hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho hàng chục vùng sản xuất rau an toàn theo VietGAP với tổng diện tích hơn 150 ha.

Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện nay, các cơ sở sản xuất, sơ chế rau an toàn của thành phố Hà Nội đều được quản lý chặt chẽ theo quy định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế rau... Tính đến nay, Hà Nội đã mở được hơn 80 cửa hàng bán rau an toàn có đầy đủ điều kiện theo quy định với sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50 đến 120 kg/cửa hàng/ngày.

Bên cạnh đó, có khoảng 180 điểm bán của các siêu thị có kinh doanh rau an toàn. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp tem dán có mã số cho hơn 30 cơ sở sản xuất rau an toàn nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như bảo vệ thương hiệu, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với các vùng trồng rau an toàn.

Người nông dân trồng rau an toàn luôn mong muốn sản phẩm của mình được bán ra trên thị trường với đúng giá trị của nó, không bị "đánh đồng" với rau thiếu an toàn. Việc này họ không làm được mà trông cậy vào chính các cơ quan nhà nước có trách nhiệm.

Đây là điều kiện thuận lợi để người nông dân ngày càng nâng cao chất lượng giá trị nông sản, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng năng suất, hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Trồng Dưa Leo, Khổ Qua Cho Thu Nhập Cao Trồng Dưa Leo, Khổ Qua… Kiên Giang Sản Xuất Lúa Vụ 3 Lợi Bất Cập Hại Kiên Giang Sản Xuất Lúa…