Mô hình kinh tế Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương

Ngày đăng 07/11/2014

Hiểm Họa Từ Cây Mai Dương

Theo thống kê sơ bộ từ các ngành chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha diện tích đất bị nhiễm cây mai dương- một loài thực vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, tốc độ phát tán cực nhanh trên diện rộng.

Cây mai dương không chỉ xâm lấn làm bạc màu, hoang hóa đồng ruộng mà còn trực tiếp đe dọa đến hệ sinh thái động, thực vật xung quanh và cuộc sống của người dân

Thực trạng báo động

Cây mai dương có tên khoa học Mimosa pigra (tên khác là trinh nữ trâu, trinh nữ tây, móc mèo Mỹ, cây vuốt rồng…). Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, là một loài cây bụi, mọc dày đặc, có rất nhiều gai cứng và được xem là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới. Cây thuộc họ cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, đất ẩm ướt.

Thân cây có chiều cao lên đến 6 m, phân rất nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn. Hạt khi chín có màu nâu hay xanh ô liu, kích thước hạt 4-6 mm.

Mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc rất lớn. Nếu chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4,5 chồi non; hạt nếu bị đốt không đủ nhiệt độ sẽ nảy mầm nhanh hơn với mật độ từ 15-120 cây/m2.

Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt với các loại cây khác, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng. Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 50.000-100.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao.

Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt này nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây. Từ năm 2000, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn gây hậu quả nguy hiểm nhất trên thế giới.

Tại Quảng Trị, cây mai dương xuất hiện trong khoảng thập kỷ 90 và bắt đầu phát triển mạnh dần theo thời gian. Cây mai dương xuất hiện khắp nơi từ đồng ruộng, sông suối, ven hồ, bờ đập, kênh mương, lề đường, hàng rào... Một số địa phương có diện tích mai dương lớn như: Triệu Phong, Đông Hà, Đakrông, Hải Lăng và ở các lưu vực sông Ô Lâu, Thạch Hãn, Trúc Khê, Hiền Lương... tập trung với số lượng lớn ở các công trình hồ, đập thủy lợi. Cây mai dương có sự gia tăng về diện tích cũng như mật độ ngày càng cao. Hiểm họa cây mai dương đã đến mức báo động khi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đang bị phủ kín, hoang hóa.

Trước tình trạng bành trướng của cây mai dương, năm 2007 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án “Phòng trừ cây mai dương tại Quảng Trị”.

Qua khảo sát, thời điểm đó đã ghi nhận được trên toàn tỉnh có 1.015 ha đất bị nhiễm cây mai dương, chúng có mặt ở hầu khắp mọi địa điểm ở hầu hết các địa phương. Đề án này đã đề ra 3 giải pháp liên hoàn đồng bộ trong phòng trừ gồm: Chặt, gom đốt; xử lý thuốc hóa học; trồng cây che phủ đất. Đây là những biện pháp có thể kiểm soát được cây mai dương khá toàn diện. Tuy nhiên, do thiếu nguồn kinh phí nên việc thực hiện đề án không đạt hiệu quả như mong muốn.

Do không có biện pháp kiểm soát kịp thời nên đến nay, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 10.000 ha (tính số lượng 3-4 cây/m2) đất nhiễm cây mai dương. Không chỉ mọc ở các vùng đất trống, ven sông suối, đồng ruộng mà loài cây hại này đã chen lấn vào các khu dân cư, đô thị... gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bất an với mai dương

Cây mai dương hiện đã lan tràn khắp nơi, vẫn chưa có cách nào để kiểm soát hiệu quả. Từng ngày loài cây ngoại lai này đang gây ra nhiều lo lắng cho người dân.

Ông Nguyễn Cư ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy cây mai dương mọc dày đặc như bây giờ. Dọc theo tuyến đê và các con đường vào thôn của chúng tôi hầu như bị mai dương bao phủ, không chỉ xâm lấn đường sá, làm tắc nghẽn dòng chảy của đê mà còn trực tiếp đe dọa đến đồng ruộng, ao hồ nuôi cá của bà con.

Ở địa phương tôi ngoài việc liên tục tổ chức ra quân diệt cây mai dương thì bà con cũng thường xuyên chặt cây này về làm củi nhưng cứ chặt được một thời gian ngắn thì chúng lại mọc thành rừng. Bây giờ cứ mở mắt ra là đã thấy cây mai dương”. Tình trạng cây mai dương mọc lan nhanh và dày đặc đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều trâu bò của bà con khi ăn cỏ đi lạc vào giữa đám cây mai dương đã bị thương do gai đâm, có khi còn mắc kẹt, đến khi có người phát hiện giải cứu mới đưa ra được .

Gặp chúng tôi ngay tại bờ mương phủ đầy cây mai dương, bà Lê Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế, huyện Hải Lăng lo lắng nói: “Ở địa phương chúng tôi giờ đi đâu cũng thấy cây mai dương, chúng mọc thành từng dãy dày đặc. Mỗi năm chúng tôi đều huy động đông đảo nông dân, đoàn viên thanh niên ra quân đồng loạt diệt cây mai dương nhiều lần nhưng chỉ thời gian ngắn sau là chúng lại mọc, thậm chí mọc nhiều hơn.

Cây này rất độc, nhiều người dẫm phải gai là bị sưng vù nhiều ngày, gai nhọn không thể lấy ra được. Ngoài ra nơi nào có mai dương là nơi ấy cỏ dại cũng chết dần, tôm cá không sống nổi. Chúng tôi mong muốn cấp trên hỗ trợ kinh phí, giải pháp diệt cây mai dương một cách hiệu quả và triệt để”.

Ông Phan Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho hay, hàng năm HTX tổ chức rất nhiều đợt triệt phá cây mai dương nhưng cũng bất lực vì chúng mọc quá nhanh trên diện rộng. “Toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi đều phủ đầy mai dương, bị tắc nghẽn liên tục. Chúng tôi phải khơi thông dòng chảy thường xuyên để có nước tưới cho đồng ruộng.

Về lâu dài theo tôi thì cấp trên cần có sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí, thuốc đặc trị diệt mai dương một cách triệt để chứ cứ đà này thì e rằng một thời gian nữa cây mai dương sẽ tràn lan khắp đồng ruộng, khu dân cư mất thôi!”, ông Quang bức xúc nói thêm.

Không chỉ đe dọa vùng nông thôn, hiện nay tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã xuất hiện rất nhiều cây mai dương bởi con đường phát tán loài cây này là quá dễ dàng và nhanh chóng.

Cần sớm kiểm soát

Hiểm họa của cây mai dương đã được các chuyên gia đánh giá là khôn lường và thực tế đã thấy rõ, nhưng dường như đối với nhiều cơ quan chức năng cũng như người dân thì việc tiêu diệt triệt để loài cây nguy hiểm này hiện vẫn còn bị xem nhẹ. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Tân, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua đơn vị đã tiến hành thực hiện một số mô hình trình diễn diệt trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã thực hiện theo 3 công thức chủ yếu sau: Phun hỗn hợp thuốc GENOSATE 480 SL (Glyphosate) + GARLON 250 EC (Triclopyr Butoxyethyl), liều lượng 6+2 lít/ha (300ml + 100ml/ sào) pha với 600-800 lít nước để phun cho 1 ha; phun thuốc Roundup 480 SC (Glyphosate), liều lượng 8 lít/ha (400ml/1 sào), pha với 600-800 lít nước để phun cho 1 ha; chặt cách gốc 20-30 cm, sau 4 tuần khi mai dương mọc tái sinh thì dùng thuốc Roundup 480 SC (Glyphosate), liều lượng 8 lít/ha (400ml/sào), pha với 600-800 lít nước để phun cho 1 ha.

Qua thực hiện ở các địa phương trong tỉnh với thời điểm sinh trưởng phát triển khác nhau của cây mai dương cho thấy, các công thức trên đều đã mang lại kết quả diệt trừ khả quan từ 95-100%. Ngoài các biện pháp trên, muốn diệt trừ hiệu quả loài cây nguy hiểm này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp ngành, địa phương cùng người dân để tổ chức các đợt ra quân tiêu diệt cây mai dương thường xuyên trên diện rộng, đúng theo hướng dẫn từ các mô hình trình diễn trên.

Diệt trừ cây mai dương cần kết hợp song song với việc canh tác các loại cây trồng như cây ăn quả, rừng keo lá tràm, cây bóng mát… để hạn chế tối đa sự sinh sôi, phát triển của cây mai dương.

Về lâu dài, theo ông Trần Văn Tân thì cần phải tiến hành diệt mai dương thường xuyên, liên tục ở mọi nơi loài cây này xuất hiện. Đất của đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đang quản lý phải chủ động tổ chức phòng trừ không để lây lan; khu vực các lòng hồ, mương thủy lợi nơi có nguồn gốc phát tán hạt cây mai dương rất lớn, đề nghị đơn vị chủ quản chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đồng loạt ra quân làm sạch lòng hồ, mương thủy lợi; khu vực ven các các bìa rừng, ngành kiểm lâm, Ban quản lý rừng và chủ rừng phối hợp phòng trừ cây mai dương trong khu vực mình đang quản lý; đối với bãi đất hoang của các dự án chưa xây dựng, chủ các dự án phải chủ động tổ chức phòng trừ...

Các bờ đường, khu công cộng, bãi đất hoang hóa, nếu bị nhiễm cây mai dương, chính quyền địa phương các xã, phường huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tổ chức ra quân theo đợt để từng bước diệt trừ.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản Xuất Vụ Đông Ở Định Hóa Những Chuyển Biến Tích Cực Sản Xuất Vụ Đông Ở… Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Cung Cấp Sản Phẩm Chè An Toàn Mô Hình Thí Điểm Chuỗi…