Mô hình kinh tế Đau Lòng Nhìn Cá Chết Trắng Ở Nghi Sơn
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Đau Lòng Nhìn Cá Chết Trắng Ở Nghi Sơn

Ngày đăng 28/09/2011

Đau Lòng Nhìn Cá Chết Trắng Ở Nghi Sơn

Khoảng 20 năm trở lại đây, gần 100 hộ dân ở xã đảo Nghi Sơn ăn nên làm ra nhờ vào nghề nuôi cá lồng. Không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo mà nghề nuôi cá lồng còn góp phần rất lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở xã đảo Nghi Sơn. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng đang đứng trước nguy cơ “mất nghề”…

Nhìn cá chết mà ứa nước mắt

Chúng tôi tìm về xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia – Thanh Hoá) vào một ngày trung tuần tháng 9, đứng từ trên cao nhìn xuống cả khu vực Vịnh Ngọc bình yên đến lạ thường. Hàng trăm chuồng nuôi cá lồng tại đây vắng tanh, thi thoảng mới thấy có một vài người ở trong chòi thò đầu ra ngó nghiêng khi thấy tiếng chó sủa. Hỏi ra mới biết cách đấy hơn một tháng, tại đây đã xảy ra tình trạng cá lồng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, khiến nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng bỗng chốc trở thành “chúa chổm” với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Chí Quyết ở thôn Bắc Sơn (Nghi Sơn) bức xúc nói: “Nếu hơn một tháng trước các anh mà về đây mới thấy khủng khiếp. Cả khu vực nuôi cá lồng cá chết trắng mặt biển, nhìn thấy thành quả sau bao nhiêu ngày nuôi sắp đến ngày “hái quả”, nay trôi theo sóng biển mà thấy ứa nước mắt. Chỉ có 3 ngày từ 22/7 – 24/7/2011, 80 hộ nuôi cá lồng chúng tôi đã chết trên 40.000 con cá (loại 2 – 3 tháng tuổi), ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại đây có 80 hộ nuôi cá lồng với số lượng lồng nuôi trên 1.000 lồng. Trong nhiều năm qua, nuôi cá lồng được xem là một nghề mũi nhọn của người dân xã đảo, không những mang lại cho người nuôi có một cuộc sống no đủ, mà nó còn góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ đi biển nơi đây. Bởi lượng cá nhỏ phục vụ cho chăn nuôi cá lồng nơi đây là rất lớn, mỗi ngày có đến 15 tấn cá của ngư dân được người nuôi cá lồng ở đâu bao tiêu hết. Thế nhưng, đã 2 tháng qua, người nuôi cá lồng điêu đứng thì hàng chục tấn cá của ngư dân cũng trở nên ế ấm, họ phải gọi thương lái ở xa về bán với giá rẻ mạt.

Khi được hỏi nguyên nhân gây chết cá hàng loạt tại đây thì người dân ai cũng bức xúc cho nói: “Kẻ “gây hoạ” cho chúng tôi không ai khác chính là Nhà máy xi măng Nghi Sơn”. Hoá ra, theo người dân nơi đây thì cá chết do nguồn nước ô nhiễm ở đây cũng có, thế nhưng kể từ khi Nhà máy xi măng (NMXM) Nghi Sơn được hình thành và có xây dựng một cầu cảng ngay tại vịnh, gần với chỗ bà con nuôi cá lồng thì tình trạng cá chết ngày một nhiều. Đặc biệt, trong 2 đợt nhà máy nạo vét vịnh, cá của ngư dân bỗng chốc nổi phình, tỷ lệ chết lên đến 80 – 90%, thậm chí có nhà chết không còn lấy một con.

“Mỗi khi NMXM Nghi Sơn tổ chức nạo vét quanh khu vực cầu cảng thì cá lồng của chúng tôi bỗng nhiên chết hàng loạt, năm 2009 họ nạo vét, cá của 80 hộ nuôi chúng tôi chết trắng vịnh, nhà máy đã phải hỗ trợ bồi thường cho chúng tôi 600 triệu đồng. Sang năm 2011, từ đầu năm đến giờ cá chúng tôi nuôi chẳng vấn đề gì thì giữa tháng 6, NMXM lại tổ chức nạo vét, cá chết la liệt. Khi chúng tôi vớt cá lên, trong mang đầy bùn, vì thế nguyên nhân cá chết hàng loạt chắc chắn do nạo vét mà ra” – ông Trần Văn Vinh ở thôn Nam Sơn chua chát.

Ông Quyết cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã báo cáo lên xã, huyện, các anh ấy cũng có về kiểm tra, lấy mẫu nước, lấy cá đi xét nghiệm đo đếm gì đấy, chúng tôi không có chuyên môn nên không biết. Chỉ biết sau một thời gian họ có kết luận gửi bà con, với nguyên nhân cá chết không phải do NMXM Nghi Sơn nạo vét gây ra, mà là do môi trường nước bị ô nhiễm và một số loại cá chết do bị bệnh VNN. Kết luận như vậy là vô lý bởi nếu nguồn nước ô nhiễm nặng thì chả dại gì chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chỉ có nhà bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư vào nuôi cá làm gì?”.

Triệu phú thành... “chúa chổm”

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa số hộ nuôi cá lồng tại đây đều là những người dân nghèo quanh năm lam lũ, để có thể vươn lên thoát nghèo, họ đã phải thế chấp, cầm cố nhà cửa để vay mượn ngân hàng, bạn bè, anh em thân thiết để đầu tư vào nghề nuôi cá lồng. Nhiều hộ gia đình, nhờ nuôi cá lồng đã có của ăn, của để trở thành “triệu phú” của xã. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, rất nhiều các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá giò, cá mú… sắp đến ngày thu hoạch thì đùng một cái chúng “ngửa bụng” trắng cả vịnh, khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Anh Trần Văn Luận ở thôn Trung Sơn cho biết: “Tất cả gần 100 hộ nuôi cá lồng ở đây ai cũng vay ngân hàng, nhà thấp nhất trên 100 triệu đồng, thậm chí có nhà vay đến cả tỷ đồng như gia đình ông Trần Văn Vững. Hiện gia đình tôi đang vay ngân hàng 300 triệu, vay ngoài 400 triệu đồng, tất cả gia đình đều trông chờ vào những lồng cá, giờ đây cá chết, gia đình tôi không biết lấy tiền đâu mà trả nợ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định: “Việc cá chết hàng loạt ở xã Nghi Sơn là do ô nhiễm nguồn nước và do cá mắc bệnh vi rút VNN (bệnh hoại tử thần kinh), chứ không phải là do NMXM Nghi Sơn gây nên như các hộ dân phản ảnh”.

Ông Mai Xuân Châu, Trưởng phòng Nông Nghiệp &PTNT huyện cho rằng: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, huyện đã có mời Sở Nông Nghiệp&PTNT, Chi cục Thú y, Sở Tài nguyên Moi trường và một số các ban ngành có liên quan về kiểm tra, sau đấy lấy mẫu nước gửi ra Cục Thú y để điều tra nguyên nhân và Cục cũng đã gửi kết quả về cho chúng tôi. Nguyên nhân đã quá rõ ràng, cá chết là do nguyên nhân khác chứ không phải do NMXM Nghi Sơn nạo vét vịnh gây nên”.

Để chứng minh điều đó, ông Châu có lấy cho chúng tôi xem 2 phiếu kết quả phân tích nguyên nhân cá chết ở Nghi Sơn của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) và Viện Kỹ thuật hoá sinh và Tài liệu nghiệp vụ. Trong kết luật của 2 phiếu xét nghiệm trên đều cho thấy, cá chết ở đây không hề liên quan gì đến hoạt động nạo vét của NMXM Nghi Sơn (?!).

Tuy nhiên, lý lẽ người dân cho rằng cứ cho là cá chết do bệnh tật, nguồn nước, thì tại sao chúng không chết ở một thời điểm khác mà lại cứ chết đúng vào lúc NMXM tổ chức nạo vét bùn ở vịnh?

Nỗi buồn, nỗi lo lắng của tất cả các hộ dân nuôi cá lồng tại xã đảo Nghi Sơn đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Mặc dù không trực tiếp, nhưng NMXM Nghi Sơn đang gián tiếp đẩy làng nghề nuôi cá ở đây đi đến bờ vực phá sản. Còn người nuôi cá thì đang trở thành “con nợ” của ngân hàng với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Cánh Đồng Mẫu Lớn Mô Hình Hay Cánh Đồng Mẫu Lớn Mô… Thương Lái Trung Quốc Ồ Ạt Gom Nguyên Liệu Thương Lái Trung Quốc Ồ…