Mô hình kinh tế Bị khủng hoảng giá có ai cứu nông sản Việt
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Bị khủng hoảng giá có ai cứu nông sản Việt

Ngày đăng 30/09/2015

Bị khủng hoảng giá có ai cứu nông sản Việt

Nếu không cứu nguy, giá trị nông sản Việt càng có đà tụt dốc với nền nông nghiệp chậm biến đổi.

Số liệu so sánh giá xuất khẩu của nông sản Việt Nam với giá thế giới do Gs Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Australia) đưa ra tại một hội thảo về nông nghiệp ở Tp.HCM hôm 24/9 vừa qua.

Việc giá xuất khẩu nông sản Việt Nam thường thấp hơn giá bình quân thế giới vốn tồn tại từ khá lâu. Nhưng với mức chênh lệch lớn mà Gs Vọng đưa ra thì rất đáng gọi tên "khủng hoảng giá".

Xuất rẻ, thiệt nhiều

Không phải là không có lý do để lo lắng về giá trị thấp của nông sản Việt như hiện tại. Bởi vì kim ngạch xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm 2015 (chỉ hơn 2 tháng nữa) rất khó để cứu vãn đà sụt giảm.

Thực tế cho thấy, nông sản là nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, chỉ ước đạt trên 9,18 tỷ USD, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm rất mạnh ở 3 mặt hàng nông sản lớn là gạo (13%), cà phê (33%), cao su (10%).

Trong chuyện suy giảm kim ngạch, giá nông sản có mức chênh lệch cao so với giá bình quân thế giới là một trong những nguyên nhân.

Nhưng không thể cứ đổ lỗi cho yếu tố khách quan trong chuyện này.

Các nhà phân tích nhận định có khá nhiều vấn đề nổi cộm về giá xuất khẩu của nông sản Việt, dù được khuyến cáo cả chục năm nay nhưng thực trạng vẫn giậm chân tại chỗ.

Giá trị thấp của nông sản Việt thường được bao biện vì biến động tỷ giá, bị động trong xuất khẩu, thị trường thế giới bất ổn…

Đổ tội cho giá nông sản Việt như thế có đủ hợp lý chưa khi "căn bệnh" chạy theo thành tích xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới vẫn còn đất sống cho đến giờ?

Chính vì đua theo trào lưu xuất khẩu nên vấn đề tồn tại lớn nhất của nông sản Việt hiện nay vẫn là xuất thô quá nhiều và dễ bị ép giá.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt được mang danh đứng hàng đầu thế giới như gạo, hạt điều nhân, cao su, cà phê, hồ tiêu… thường có giá bán thấp khi xuất khẩu (kém giá của các nước cạnh tranh từ vài chục đến vài trăm USD/tấn) và bị đối tác nước ngoài chi phối.

Chẳng hạn, mặt hàng gạo, quá "tự hào" là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng giá chào bán gạo của Việt Nam luôn ở mức thấp trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, thấp hơn 10 - 50 USD giá bình quân thế giới.

Điều đó khiến kim ngạch xuất khẩu gạo không đáp ứng như kỳ vọng, trong 8 tháng 2015 chỉ đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Hơn nữa, sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ vào tháng 8/2015, mặt hàng gạo xuất khẩu còn đối mặt chuyện đe dọa phá vỡ hợp đồng cho đến ép giá của đối tác Trung Quốc và đầu mối nhập khẩu một vài nước khác.

Hoặc như cà phê, đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất, từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm hơn 33% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Do đã quen xuất khẩu cà phê thô nên từ trước đến giờ, dù có sản lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cà phê trong nước vẫn không làm chủ được giá xuất khẩu mà để cho các nhà đầu cơ khống chế.

Tương tự với ngành cao su, khoảng 3 năm lại đây, giá liên tục giảm sâu, không ít doanh nghiệp lao đao vì khó tìm đầu ra mà giá xuất cũng kém so với mặt bằng chung.

Bằng chứng là xuất khẩu cao su thiên nhiên gần 9 tháng qua ước đạt hơn 550.000 tấn, với giá trị khoảng 800 triệu USD, tăng hơn 14% về lượng nhưng lại giảm hơn 20% về giá.

Các loại nông sản khác như: hạt điều, các loại rau củ quả, sắn, chè… cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Cần chất hơn lượng

Một vấn đề khác cũng cực kỳ quan trọng khiến nông sản Việt xuất khẩu có giá rẻ vì chất lượng và thương hiệu còn yếu.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông - lâm - thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đưa ra dẫn chứng: Mặt hàng cà phê nhân (robusta) của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng tự nhiên, nhưng khi xuất khẩu chỉ có 17% loại 1, mặc dù chiếm trên 20% sản lượng thế giới nhưng chỉ đạt 3% giá trị giao dịch.

Cũng theo ông Võ Thành Đô, chè của Việt Nam đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán.

Còn gạo Việt bán với giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Sản lượng cá tra Việt Nam chiếm 90% thị phần thế giới nhưng giá cá tra Việt Nam bán thấp hơn giá cá tra Thái Lan từ 20 đến 30%….

Gs Nguyễn Quốc Vọng cũng nói rõ quan điểm:

"Xu thế của thế giới hiện nay, nhất là các nước nhập khẩu, đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó có thêm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản Việt Nam giảm xuất khẩu là do chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế mới của thị trường thế giới ở chỗ quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng".

Ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB)

Xu hướng thế giới cũng không còn chuộng tăng về số lượng mà là chất lượng. Chỉ có chất lượng mới cứu và đưa nông sản Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu được. Vì vậy, phải hiện đại hóa khâu chế biến để tạo cơ hội thay đổi hạt gạo Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo thống kê gần đây của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ở thị trường trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không hề có nhãn hiệu.

Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản Việt cạnh tranh yếu và xuất khẩu giá bèo vì không có thương hiệu.

Trái lại, giới chuyên gia cho biết có đến 90% nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ.

Một vấn đề nữa cũng làm nông sản Việt gặp rủi ro mất giá là vì tập trung quá nhanh, quá nhiều vào một số thị trường lớn.

Thị trường Trung Quốc chính là một điển hình. Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này năm 2014 lên tới hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Sang năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu chính. Điều này dẫn đến việc nông sản Việt Nam luôn phụ thuộc, ùn ứ hàng và chuyện bị ép giá là đương nhiên.

Rõ ràng, một khi giá nông sản Việt còn chênh lệch nhiều so với giá bình quân thế giới thì dù xuất nhiều cách mấy, có đứng số 1, số 2 thế giới nhưng kim ngạch vẫn thấp và giảm sâu thì đó chính là bài học thất bại của nông sản Việt.

Và một khi nền nông nghiệp chưa đẩy nhanh chiến lược nâng cao chất lượng, thương hiệu cho nông sản Việt Nam, còn phụ thuộc vào một hai thị trường chủ yếu thì dù xuất khẩu đến cỡ nào nhưng giá trị mang về vẫn lại thấp.

Do đó, với nền nông nghiệp nhỏ, nếu chậm biến đổi, đến giờ vẫn chưa giải quyết được bài toán nâng cao giá trị nông sản thì đối tượng chịu thiệt thòi trước tiên chính là nông dân và các doanh nghiệp trong nước, không ai có thể cứu mình.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Yếu kém nông sản Việt Yếu kém nông sản Việt Đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông sản Đổi mới công nghệ để…