Mô hình kinh tế Ông trùm bưởi miền Tây và quyết định không ai dám tin

Ông trùm bưởi miền Tây và quyết định không ai dám tin

Ngày đăng 08/08/2015

Ông trùm bưởi miền Tây và quyết định không ai dám tin

Từ một anh nông dân đi làm thuê, làm mướn nay đây mai đó, ông Đặng Văn Nám (ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã cải tạo vườn tạp trồng bưởi da xanh. Đến giờ ông đã trở thành ông trùm bưởi miền Tây với số tiền lãi thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Quyết làm giàu từ trồng bưởi

Trước khi làm nên “nghiệp lớn”, ít ai nghĩ rằng ông Nám từng có thời gian chật vật với sản xuất nông nghiệp. Ông Nám kể: “Trước đây, bà con nông dân xã Kế Thành chủ yếu làm ruộng và trồng dưa, giá cả bấp bênh nên nhiều hộ trong xã nghèo khó. Thời điểm năm 1985 đất nhà tôi mấy chục công, ban đầu làm ruộng sau đó cũng chuyển sang trồng dưa nhưng thua lỗ, tôi phải bán 15 công đất để trả nợ rồi đi làm thuê kiếm sống qua ngày”.

Mãi đến năm 1990, nhờ dám nghĩ dám làm và quyết tâm đổi đời trên chính mảnh đất gia đình mình, ông Nám đã chuyển 5 công đất sang trồng bưởi Năm Roi. Đến năm 1999, làm ăn có hiệu quả, ông đủ tiền mua thêm 5 công đất để mở rộng diện tích. Rồi từ năm 2003-2008, ông Nám mua thêm 16 công đất để tiếp tục trồng bưởi.

Ông Nám cho biết: “Thời gian trước, ở vùng này không được khuyến khích trồng các loại cây có múi vì rất khó trồng, nhưng tôi đã nghiên cứu rất kỹ nên quyết tâm làm. Bắt tay vào trồng bưởi khi diện tích loại cây này ở địa phương rất ít, tôi phải mày mò rất nhiều, học hỏi nhiều người ở nhiều nơi. Thấy mình làm có hiệu quả nên nhiều hộ lân cận cũng trồng theo, dần dần cả một khu vực đều trồng bưởi. Việc quan trọng nhất ở cây bưởi vẫn là lo cho bộ rễ, làm sao cho mực nước phù hợp là yếu tố quyết định”.

Nhìn lại quãng thời gian khó khăn trước đây, ông Nám bộc bạch: “Cũng may hồi trước mình quyết tâm làm giàu từ nghề nông và bắt đầu lại từ cây bưởi nên mới có dư. Mình là nông dân chính gốc, cộng với kinh nghiệm làm rẫy nhiều năm nên khi bắt tay vào trồng bưởi cũng có thuận lợi hơn người ta. Làm từ từ rồi rút kinh nghiệm thì mới thành công được chứ không ai tự nhiên là làm được liền”.

Thời gian sau, khi vườn bưởi Năm Roi của ông Nám đã đi vào ổn định, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, không ai dám tin ông Nám quyết định đốn bỏ toàn bộ bưởi Năm Roi để trồng bưởi da xanh.

Ông Nám cho biết thêm: “Năm 2011 tôi quyết định chuyển tất cả diện tích vườn (hơn 3ha) sang trồng bưởi da xanh. Ban đầu tôi cũng lo nên chỉ chuyển một phần, rồi nhận thấy nhu cầu của thị trường với loại bưởi da xanh rất cao, mỗi năm vào dịp tết đều hút hàng.

Bên cạnh đó, năng suất của giống bưởi này lại cao hơn hẳn bưởi Năm Roi nên tôi quyết tâm hơn. Sau khi thu hoạch lứa trái đầu tiên, tôi xác định đây mới là giống bưởi cho hiệu quả cao nhất và chuyển toàn bộ diện tích bưởi Năm Roi sang trồng bưởi da xanh”.

Nhờ tư duy dám nghĩ dám làm và được ngành nông nghiệp địa phương tạo điều kiện, đến nay ông Nám đã vươn lên làm giàu và trở thành giám đốc hợp tác xã bưởi Kế Thành. Với kinh nghiệm 25 năm trồng bưởi, hết đời bưởi Năm Roi đến bưởi da xanh, ông Nám được người dân địa phương gọi vui là “vua bưởi”.

 “Lúc đầu, người dân còn ngại chuyển sang trồng bưởi da xanh vì đòi hỏi kỹ thuật cao, điều kiện đất đai phù hợp mới có thể cho thu hoạch lâu dài. Nhưng do giá bưởi da xanh quá cao, nên chuyển đổi chỉ là việc sớm muộn. Một khi đã quyết tâm làm thì không có gì là khó, thị trường đang có nhu cầu, còn kỹ thuật có thể học được thì lo gì”- ông Nám tâm sự.

Doanh thu bạc tỷ

Được biết, ngoài kinh nghiệm được đúc kết qua mấy chục năm canh tác, ông Nám còn là một nông dân rất chịu khó học hỏi. Ông đã biết kết hợp kinh nghiệm thực tế với kiến thức học được từ các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật. Bên cạnh đó, để việc quản lý hợp tác xã được thuận lợi, ông còn tham gia các lớp dạy về kỹ năng quản lý, marketing để tính toán kinh tế cho hợp tác xã, nắm bắt nhu cầu thị trường.

Theo ông Nám, mỗi năm hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 800 tấn bưởi, có hợp đồng mua bán ổn định cho nhiều mối ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Hiện hợp tác xã đã chuyển khoảng 80% diện tích sang bưởi da xanh trong tổng diện tích 19ha. 

Sự mạnh dạn và đi đầu trong chuyển đổi không chỉ mang lại cho ông Nám nguồn thu nhập cao hơn, mà còn giúp ông tích lũy dần kinh nghiệm với giống bưởi mới này. Ông Nám không bao giờ giấu nghề, ai có khó khăn gì về cách bón phân, thuốc, hoặc bất cứ vướng mắc nào về cây bưởi ông đều nhiệt tình chỉ dẫn. Nhờ đó mà không chỉ tạo được lợi nhuận cao cho gia đình, ông Nám còn giúp cho hợp tác xã ăn nên làm ra.

“Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, đất đai phù hợp, năng suất bưởi da xanh sẽ cao hơn bưởi Năm Roi nhiều, vì tỷ lệ đậu trái của giống bưởi này rất cao. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất đối với cây bưởi da xanh chính là ở việc bảo vệ bộ rễ trước dịch hại, ngập úng hay phân bón không hợp lý. Cây bưởi da xanh rất nhạy cảm, nên phải theo dõi các dịch hại sát sao, bên cạnh đó nếu bón phân quá liều là cây hư liền” – ông Nám lưu ý.

Theo ông Nám, mỗi năm vườn bưởi của ông cho trái khoảng 9 lứa, năng suất đạt trung bình 55 tấn/ha. Bên cạnh đó, ông Nám còn bán cây giống cho bà con xung quanh và các vùng lân cận. Với kinh nghiệm lâu năm, nắm rõ đặc tính của các giống bưởi, ông Nám đã ghép gốc bưởi 8Q với bưởi da xanh, cho ra giống bưởi da xanh có khả năng chống chịu với hạn, khô cao.

Được biết, việc cấy ghép được giống bưởi da xanh này là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và quan sát của ông. Đồng thời ông cũng khuyến khích bà con nên trồng giống này để hạn chế rủi ro.

“Hiện nay, nếu xét về mặt giá trị và hiệu quả, có lẽ chưa một loại cây ăn trái nào có thể vượt qua bưởi da xanh. Không chỉ luôn hút hàng mà còn có giá bán cao, đem lại thu nhập ổn định cho người trồng. Bưởi da xanh cho năng suất bình quân  6 tấn/công/năm, giá bán bình quân 38.000 đồng/kg, dịp tết lúc nào giá cũng trên 55.000 đồng/kg; mỗi công bưởi trung bình cho lợi nhuận khoảng 175 triệu đồng/năm” – ông Nám nhận định.

Cũng theo ông Nám: “Nếu có kinh nghiệm và chịu khó để ý sẽ xử lý được bưởi cho trái vào đúng những dịp lễ tết, để giá bán cao lên. Nhờ vào cây bưởi đã có nhiều hộ thoát nghèo, giờ đi trong khu vực này nhìn đâu cũng thấy nhà ở kiên cố. Tôi cũng mong sao thời gian tới không chỉ các xã viên trong hợp tác xã mà các bà con khác cũng chuyển đổi cây trồng để đem lại lợi nhuận cao hơn”. 


Hơn 3 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ Hơn 3 tỷ đồng đầu tư phát triển… Giá tiêu tăng, nông dân lo mất trộm Giá tiêu tăng, nông dân lo mất trộm