Mô hình kinh tế Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Dự Án Nuôi Bò Sữa

Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Dự Án Nuôi Bò Sữa

Ngày đăng 04/07/2014

Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Dự Án Nuôi Bò Sữa

Ở xã Viên An – huyện Trần Đề (Sóc Trăng), phong trào nuôi bò sữa đang phát triển rầm rộ. Từ năm 2002, xã đã phấn khởi tiếp nhận dự án nuôi bò lai sin từ ngành nông nghiệp, thì những năm gần đây việc nuôi bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông hộ.

Như gia đình anh Lê Bình Trung, Tổ trưởng Tổ 3 Nông dân hợp tác nuôi bò sữa ấp Trà Đức, xã Viên An. Ngoài canh tác lúa 2 vụ trên 40 công đất ruộng, năng suất đạt 1 tấn/công, cộng với chăn nuôi heo thịt, vợ chồng anh còn học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò sữa trên đệm lót và anh đã đầu tư nuôi được 8 con bò, trong đó có 3 con bò sữa và 5 con bò hậu bị, mỗi con cho từ 15 đến 18 kg sữa 1 ngày, bán được gần 13.000 đ/kg sữa tươi, đem về nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Nhằm đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn bò, Anh Trung dành hẳn 4 công đất để trồng cỏ, còn phân bò được phơi khô bón cho đồng cỏ, phần dư ra anh bán được 200 bao phân 1 tháng, với giá 6.500 đ/bao. Theo Anh Trung nuôi bò sữa đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng, nhất là khâu vệ sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt để sữa đạt chất lượng.

Chỉ tính năm 2013, mô hình này đã đem về cho gia đình Anh nguồn thu trên 450 triệu đồng. Điều này không chỉ gia đình anh Trung tâm đắc, mà còn là sự động viên khích lệ cho các thành viên trong CLB nuôi bò sữa của ấp.

Sắp tới, anh Trung dự tính sẽ nâng CLB lên thành Tổ hợp tác nuôi bò sữa nhằm giúp giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho bà con quê mình. Anh chia sẽ: “Nhờ cán bộ phòng nông nghiệp và hội nông dân tập huấn kiến thức, qua quá trình nuôi tôi cũng rút ra được kiến thức là phải chăm sóc kỹ lưỡng và đúng kỹ thuật thì bò mới cho nhiều sữa”.

Còn gia đình anh Trương Hải Phước ở ấp Tiếp Nhựt, thì ngoài 10 ha đất trồng lúa 2 vụ, anh còn nuôi 23 con bò sữa, hiện 9 con đang cho sữa và 14 con bò hậu bị với sản lượng hơn 90 kg mỗi ngày. Do đàn bò sữa tăng hàng năm, nên anh Phước cũng dành phần lớn diện tích đất để trồng cỏ nuôi bò, dùng phân bò khô bón lại cho đồng cỏ và phần dôi dư đem bán mỗi kỳ 6 tháng hơn 1.000 bao phân.

Để giảm nhẹ công lao động, anh Phước đã đầu tư máy cắt cỏ và máy vắt sữa nhằm đảm bảo khâu thanh trùng, đem lại nguồn sữa tươi dồi dào và chất lượng hơn. Ngoài hiệu quả kinh tế đạt trên 850 triệu đồng/năm, gia đình anh Phước còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Anh Trương Hải Phước hiện là Trưởng ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp EVERGROWTH đặt tại xã Tài Văn với trên 1.800 xã viên. Trong năm qua, HTX đã giải quyết đầu ra cho bà con, với số lượng thu mua trên 5.740.000 kg sữa bán cho Nhà máy sữa cô gái Hà Lan.

Anh Phước và Ông Trần Quốc An, Bí thư Đảng ủy xã Viên An cho biết: “Hiện tại tất cả các thành viên phải tuân thủ theo một quy trình chuẩn như tất cả các thành viên phải tham gia tổ hợp tác để nắm rõ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và đảm bảo chất lượng sữa, hướng tương lai đi vào hoạt động chế biến sữa để nâng cao thu nhập cho xã viên”, “Từ việc nuôi bò một số hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững, được sự quan tâm của huyện ủy, UBND huyện có hỗ trợ cho hộ nghèo nuôi bò sữa”.

Hiện nay, huyện Trần Đề có tổng đàn bò hơn 1.000 con, trong đó bò sữa là 940 con và hiệu quả mang lại rất cao, giúp nhiều hộ ổn định đời sống, vươn lên khá giàu.

Nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng thời gian qua phát triển khá mạnh, với tổng đàn hiện có trên 6.000 con, sản lượng sữa trên 7.665 tấn mỗi năm, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là trong vùng đồng bào Khmer như xã Viên An đã giảm nghèo còn 543 hộ, chiếm 22,21% số hộ toàn xã. Năm 2014, dự kiến có trên 120 hộ nữa thoát nghèo , nếu như bà con chí thú với nghề nuôi bò sữa.

Ông Lê Thống Nhứt, PCT Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng nói: “Đối với đề án phát triển đàn bò sữa là tăng đàn, để tăng đàn thì ngân hàng chính sách phải hỗ trợ vốn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật tập huấn kiến thức cho nông dân để đàn bò sữa có chất lượng tốt”.

Từ sự chuyển giao dự án của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân Sóc Trăng cũng sát cánh cùng Đảng ủy, chính quyền các địa phương nhằm giúp cho phong trào nuôi bò sữa ngày càng phát triển. Đây cũng nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.


“Cú Hích” Để Nông Dân Mạnh Dạn Phát Triển Chăn Nuôi “Cú Hích” Để Nông Dân Mạnh Dạn Phát… Vì Một Nền Chăn Nuôi Vì Một Nền Chăn Nuôi "Sạch"