Tập Trung Giải Quyết Áp Lực Về Môi Trường Và Dịch Bệnh Trong Phát Triển Chăn Nuôi Nông Hộ
Publish date Wednesday. June 27th, 2012
Mô hình nuôi gà tại gia trại của gia đình chị Mai Thị Hải, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa).
Hiện nay, việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ chiếm tới hơn 50% hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh những thuận lợi cho người chăn nuôi như: tận dụng diện tích đất, lao động của gia đình, nguồn thức ăn, đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh... thì chăn nuôi theo hình thức này đang ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn dịch bệnh và môi trường, sinh hoạt của người dân.
Theo hướng dẫn của cán bộ thú y, chúng tôi có dịp “mục sở thị” một số mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư tại xã Hải Hòa (Tĩnh Gia). Vừa vào tới cổng nhà chị Nguyễn Thị Bảy, chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi của phân lợn. Gần chục con lợn nằm trong dãy chuồng không bạt che, không cửa chuồng nuôi lại xây liền kề với bếp và các công trình phụ của gia đình. Khi hỏi đến những chai thuốc thú y cạnh chuồng lợn, chị Bảy cho biết: “Gần 1 tuần nay đàn lợn biếng ăn, mệt mỏi nên gia đình tôi mua thuốc về tiêm hoặc trộn cùng thức ăn cho lợn ăn”. Được biết, ngoài việc tiêm phòng một số bệnh cho đàn lợn theo chương trình miễn phí của ngành chăn nuôi thì gia đình chị Bảy không tiêm phòng loại bệnh nào khác, mà việc chăn nuôi của gia đình chỉ lựa theo giá cả thị trường và tình hình dịch bệnh, nếu chẳng may lợn mắc dịch bệnh thì dừng nuôi một thời gian. Do vậy, gia đình không xây dựng công trình xử lý chất thải mà thải ra hố phía sau nhà, sau đó lấy làm phân bón phục vụ việc trồng trọt.
Xã Hải Hòa hiện có khoảng 100 mô hình chăn nuôi nông hộ nằm rải rác ở tất cả thôn của xã. Điểm chung của các hộ chăn nuôi ở đây là không có hệ thống xử lý chất thải, nằm xen trong khu dân cư và người chăn nuôi thì thiếu kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh. Hàng ngày, chất thải nếu không được người dân thu gom để nuôi cá, trồng cây thì sẽ theo hệ thống cống rãnh chạy thẳng ra kênh mương, sông hồ. Người dân địa phương cho biết, sống gần hộ chăn nuôi không chỉ khổ vì ô nhiễm không khí, tiếng ồn mà còn lo mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, những khúc kênh mương trong xã thường xuyên bị ô nhiễm đổi màu vì chất thải, sông hồ cá bị chết, bốc mùi hôi thối.
Theo thống kê của phòng chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi nông hộ hiện nay đang tồn tại ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Hậu Lộc... Với hàng trăm nghìn con lợn, hàng chục nghìn con trâu bò, hàng triệu con gia cầm đang được chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư đã và đang tạo ra áp lực rất lớn cho môi trường sống, sinh hoạt của nhân dân cũng như là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới phát sinh, phát tán dịch bệnh. Ông Lê Quang Huy, trưởng phòng chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng đất thổ cư để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, việc chăn nuôi thường nhỏ lẻ lại ít vốn nên không có khả năng đầu tư về mọi mặt, từ công tác thú y, con giống đến xử lý chất thải. Cộng thêm ý thức chấp hành các quy trình trong chăn nuôi hạn chế nên khi dịch bệnh xảy ra, các hộ chăn nuôi trên phải hứng chịu đầu tiên và cũng là nơi ủ bệnh, phát tán bệnh ra môi trường”.
Những hạn chế, bất cập trong chăn nuôi nông hộ nêu trên là rất rõ, song cũng phải nhìn nhận rằng, chăn nuôi nông hộ đang là chiếc “cần câu” hiệu quả cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Một đàn gia cầm vài trăm con, đàn lợn vài chục con đối với rất nhiều hộ nông dân hiện nay là thu nhập chính, giúp nông dân ổn định cuộc sống. Nhưng làm thế nào để chăn nuôi nông hộ vẫn có thể tồn tại, phát triển bền vững mà không ảnh hưởng đến môi trường, an toàn dịch bệnh thì lại cần sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời, định hướng lâu dài từ phía ngành chức năng. Ngay từ khâu sản xuất, tiếp nhận giống vật nuôi cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh. Lựa chọn những con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất giống đã được cấp phép hoạt động. Đối với những địa phương đã từng xảy ra dịch bệnh thì phải áp dụng các biện pháp triệt để tiêu diệt hết mầm bệnh, triệt tiêu mầm bệnh lưu trú từ năm trước sang năm sau, ngăn chặn không cho mầm bệnh từ địa phương ngoài lọt vào nơi chăn nuôi. Tổ chức tốt công tác k
iểm dịch động vật, nắm bắt các luồng lưu thông gia súc trên địa bàn. Kiểm soát gia súc khi đưa vào giết mổ. Công tác phòng bệnh phải được duy trì thường xuyên thông qua các biện pháp như bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; tiêm phòng định kỳ một số loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, lở mồm, long móng gia súc, bệnh tai xanh ở đàn lợn. Vận động người dân chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm tải chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi... Đội ngũ cán bộ làm công tác thú y ở cơ sở cũng cần được tăng cường về mọi mặt, làm tốt công tác hỗ trợ người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh, đem lại kết quả thiết thực cho chăn nuôi nông hộ phát triển bền vững mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và cộng đồng.
Related news
Tools
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao