Tạo Dựng GAP Cho Nông Sản Hành Trình Còn Lắm Gian Nan
Trong những năm qua, các tỉnh, thành trên cả nước luôn ra sức khuyến khích nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc cao hơn là GlobalGAP. GAP (Good agricultural practices) là một hình thức thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn và là “tấm giấy thông hành” xuất khẩu sản phẩm đi các nước. Thế nhưng, sự phát triển theo “phong trào” chỉ tồn tại được một thời gian ngắn và hiện đang đứng trước nguy cơ “sống dở chết dở”.
Việc canh tác theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có như thế nông sản Việt Nam mới có thể tiến xa ra thị trường thế giới, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, những năm qua, tỉnh Tiền Giang nỗ lực xây dựng, phát triển hầu hết các nông sản chủ lực theo tiêu chuẩn GAP.
Con đường tất yếu
Có thể nói, ngày 5-6-2008 là thời điểm đáng nhớ của nông dân trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành). Bởi ngày này, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Chứng nhận GlobalGAP vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho 19 hộ trồng 6,89 ha. Mặc dù quy mô được chứng nhận còn rất nhỏ so với diện tích trồng vú sữa của huyện Châu Thành, song chứng nhận này đã trở thành động lực để cho các loại nông sản khác áp dụng theo.
Nhớ lại thời điểm vàng son, ông Trương Văn Bốn, ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, một trong những nông dân tham gia áp dụng quy trình GlobalGAP cho vú sữa Lò Rèn từ khi mô hình chớm nở cho biết: “Lúc ấy, gia đình tôi tham gia mô hình với 0,6 ha.
Các ngành chức năng xuống triển khai, tôi liền đăng ký tham gia. Trong quá trình tham gia, bản thân ít học nhưng nghe nói mô hình mang lại nhiều lợi ích, tôi không ngần ngại áp dụng theo. Tôi dành thời gian đi dự tập huấn, hội thảo, rồi về nhà truyền lại cho những người trong gia đình”.
1 năm sau đó, Tiền Giang lại có 1 sản phẩm chủ lực khác được chứng nhận GlobalGAP đó là cây lúa. Ngày 12-2-2009, 15 xã viên của HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy) trồng 11,4 ha lúa hồ hỡi đi nhận Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhớ lại, ông Lê Văn Thủ, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam tâm sự: “Lúc ấy, chúng tôi làm nghiêm ngặt lắm, tuân thủ hết những yêu cầu mà các ngành chức năng đặt ra. Bởi, nó đảm bảo về an toàn môi trường, sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, giống chất lượng cao và truy nguyên được nguồn gốc. Đầu ra sản phẩm được bao tiêu với thương hiệu gạo Tứ Quý (tiêu chuẩn Global GAP), giá bán cao hơn ngoài thị trường 20%. Đi đâu, chúng tôi đều ca tụng mô hình”.
Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học, ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm; đồng thời tạo sự chuyển biến mới trong tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân có diện tích nhỏ thành một tổ chức có quy mô lớn; tính cộng đồng trong sản xuất được nâng cao, thông tin thị trường, có dịp trao đổi kỹ thuật với nhau…
TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, thời gian qua, các địa phương vùng Nam bộ ngày càng hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, giảm các tác động xấu đến môi trường.
Khi áp dụng mô hình, lợi nhuận của nông dân cũng được cải thiện vì tiết giảm được phân, thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc. “Về lâu dài, nông sản muốn được nâng cao giá trị thì phải áp dụng quy trình GAP thôi. Bởi đây là con đường tất yếu để nông sản đến được với các nước trên thế giới” - TS. Hòa nói.
Nông sản nói chung và trái cây nói riêng sản xuất theo quy trình an toàn là vấn đề đang có tính thời sự và là mối quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngày 9-1-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Nhiều nông sản đạt GAP
Diện tích cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang chiếm 10% diện tích cây ăn trái cả nước, cho sản lượng trên 1 triệu tấn trái/năm. Năm 2012, giá trị sản xuất đạt 13.942 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 51,2% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; trung bình mỗi ha đất trồng cây ăn trái có thu nhập từ 190 - 207 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ở các huyện, thị trong tỉnh đều trồng được cây ăn trái, mỗi vùng đất có một loại cây đặc trưng riêng như: thanh long (huyện Chợ Gạo), khóm (huyện Tân Phước), sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong (huyện Cai Lậy); sơ ri Gò Công (TX. Gò Công và Gò Công Đông); bưởi lông Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), mãng cầu Xiêm (huyện Tân Phú Đông)…
Phát huy thế mạnh “vương quốc” trái cây, Tiền Giang chủ trương xây dựng và triển khai Chương trình phát triển toàn diện các loại cây đặc sản, trong đó có nhiều loại trái cây theo hướng bền vững, tạo nên sản phẩm hàng hóa xuất khẩu lớn. Theo đó, nhiều chương trình, dự án phát triển đã và đang được xúc tiến thực hiện.
Theo Trung tâm Kỹ thuật và Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn GAP. Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào tháng 6-2008 nhưng đã hết thời gian tái chứng nhận; lúa Mỹ Thành của HTX Mỹ Thành được chứng nhận GlobalGAP vào tháng 2-2009 và đến nay cũng đã hết thời gian tái chứng nhận.
Ngoài ra, hàng loạt nông sản được chứng nhận VietGAP như: khóm Queen của HTX Tân Lập (ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) được chứng nhận vào ngày 28-8-2009, với diện tích 22 ha cho 30 hộ; chôm chôm Java của THT chôm chôm Tân Phong (ấp Tân Luông A, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) được chứng nhận VietGAP ngày 6-7-2011 cho 16,6 ha của 34 hộ nông dân;
Nhãn tiêu da bò của THT Nhị Quí (Quí Thành, Nhị Quí, Cai Lậy) được chứng nhận VietGAP vào ngày 5-9-2011 cho 15,3 ha của 27 hộ; thanh long của THT thanh long Chợ Gạo (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) được chứng nhận VietGAP vào ngày 12-1-2011 cho 19,74 ha của 21 hộ; sơ ri của HTX sơ ri Gò Công (xã Long Thuận, TX. Gò Công) được chứng nhận VietGAP vào ngày 11-11-2011 cho 8,8 ha của 26 hộ nông dân tham gia;
Mô hình cam sành (Mỹ Lợi A, Cái Bè) được chứng nhận VietGAP vào ngày 14-3-2012 cho 5,8 ha của 7 hộ. Năm 2013, sapôchê (huyện Châu Thành), lúa Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) cũng được chứng nhận VietGAP.
Tiền Giang hiện có 7 loại cây ăn trái được quy hoạch là cây chủ lực của tỉnh: xoài, bưởi, thanh long, khóm, nhãn, sầu riêng, sơ ri. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây, con là thế mạnh của tỉnh như: xoài cát Hòa Lộc, thanh long, vú sữa, lúa, heo, gia cầm… và tăng cường ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản; nhất là triển khai các mô hình đạt chuẩn GlobalGAP (lúa và một số cây ăn trái đặc sản).
Định hướng phát triển cho cây trồng thời gian tới, Sở NN&PTNT cho biết sẽ tập trung sản xuất các cây chủ lực như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo có quy mô từ 3.000 ha trở lên; tổ chức lại sản xuất, gắn kết chuỗi giá trị sản xuất theo GAP…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao