Phát Triển Mô Hình Kinh Tế Trang Trại
Việc chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế trang trại đã đem lại hiệu quả cho các nông hộ trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Thành công bước đầu
Kinh qua các nghề từ trồng rừng, canh tác lúa, rồi chuyển sang nuôi vịt, ông Đặng Văn Hùng (thôn Quý Phước, xã Bình Quý, Thăng Bình) nhận ra các mô hình ấy không thể đem lại hiệu quả kinh tế cao khi đầu ra thiếu ổn định. Đầu năm 2011, ông Hùng quyết định chuyển sang mô hình kinh tế trang trại.
Đầu tiên gia đình ông Hùng thuê hơn 5ha đất gò đồi ở thôn Bình Quý để cải tạo và “quy hoạch” nơi đây thành vùng sản xuất tập trung với sự đan xen của nhiều loại hình như chăn nuôi bò, heo, gà, vịt và trồng dưa hấu.
Hiện tại, ông bố trí 7 dãy chuồng nuôi gà, vịt để lấy trứng. Trong trang trại có 1.000 con gà đẻ, 1.000 con vịt đẻ. Ngoài ra, mỗi năm ông nuôi 3 - 4 lứa gà thịt với số lượng hàng nghìn con. Mỗi ngày gia đình thu được khoảng 2.000 quả trứng cho cả gà và vịt. Tổng doanh thu từ việc nuôi gà và vịt của gia đình ông mỗi năm đạt hơn 50 triệu đồng.
Hiện trang trại của gia đình ông Hùng có khoảng 30 con bò, 60 con heo. Bên cạnh chăn nuôi, ông còn đầu tư trồng 5 sào dưa hấu, dưa gang để tận dụng quỹ đất dồi dào và nguồn phân bón tại chỗ. Hằng tuần, trang trại tổng hợp của gia đình ông Hùng đều được phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Chất thải được thu gọn và xử lý triệt để. Toàn bộ gia cầm trong chuồng trại đều được tiêm phòng định kỳ.
Để ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra, ông Hùng ký kết hợp đồng buôn bán sản phẩm với các cơ sở kinh doanh ở TP.Đà Nẵng để vừa thu mua con giống tốt vừa bán sản phẩm đúng định kỳ mà không sợ bị ép giá. Với cách đầu tư sản xuất như vậy, mỗi năm, mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Hùng thu được hàng trăm triệu đồng, đảm bảo thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương.
Ở thôn Thanh Ly II (xã Bình Nguyên), từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Dương Phò đã triển khai mô hình kinh tế trang trại, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt trên diện tích 3ha. Tận dụng vùng cỏ tươi tốt, ông Phò đầu tư nuôi 13 con bò nái và 3 con bò đực giống. Tiếp đó, với lượng sắn thu hoạch được, ông dùng làm thức ăn để nuôi 10 con heo nái và 10 con heo thịt.
Ngoài ra, ông Phò đã đầu tư trồng mía trên 1ha và đào ao nuôi cá trắm cỏ, trê lai với diện tích hơn 500m2. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện tại, trên địa bàn huyện Thăng Bình có hơn 10 mô hình kinh tế trang trại hoạt động hiệu quả. Các trang trại bước đầu sử dụng kỹ thuật sản xuất mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, nước tưới, cơ giới hóa... nên sản lượng, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Tạo điều kiện thuận lợi
Một nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện Thăng Bình vừa thông qua là chú trọng đầu tư, tạo cú hích phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại. Theo đó, huyện thống nhất áp dụng đồng bộ các giải pháp gồm hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ và thị trường.
Cụ thể, các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại thì ngoài phần đất đã được giao theo hạn mức còn được UBND các xã tạo điều kiện để cho thuê thêm đất mở rộng đầu tư sản xuất. Về thuế, huyện khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, nhất là ở những vùng đất trống đồi núi trọc bằng cách miễn thuế thu nhập với thời gian tối đa là 5 năm.
Về tín dụng đầu tư, trên cơ sở các hỗ trợ của tỉnh và trung ương, huyện dành thêm ưu đãi cho các hộ vay vốn phát triển với lãi suất thấp. Thăng Bình cũng khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh bằng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn với đa ngành về trồng trọt, chăn nuôi lẫn nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, để hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, Thăng Bình coi trọng việc quy hoạch lại sản xuất. Trước hết là quy hoạch phát triển các vườn ươm giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và các cơ sở sản xuất con giống, gồm con giống trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Huyện hỗ trợ nhiều mặt để các trang trại có điều kiện tối ưu trong sản xuất giống, bảo đảm đủ nguồn giống có chất lượng cao, không chỉ phục vụ sản xuất tại chỗ mà còn cung cấp cho các trang trại và hộ nông dân trong vùng. Việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển khoa học đang được xúc tiến với mục đích là huy động nguồn kinh phí để đào tạo nhân lực, chuyển giao tiến bộ khoa học và làm dịch vụ kỹ thuật cho nông dân.
“Huyện đang chú trọng tìm kiếm thông tin thị trường, khuyến cáo khoa học - kỹ thuật để giúp các trang trại có định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhà nước với hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân” - ông Vỹ nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ