Ông Trần Văn Sáu Làm Giàu Bền Vững Từ Vườn Bưởi Da Xanh
Ở Tiền Giang, bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế lớn. Trong các năm qua, giá bưởi da xanh luôn đứng ở mức cao, có lúc 50.000 đ - 60.000 đ/kg, nhất là thời điểm giáp Tết bưởi luôn được giá và hút hàng, nguồn cung không đủ cầu.
Lợi nhuận mỗi ha bưởi da xanh đạt từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng và là một trong những cây ăn quả cho thu nhập cao nhất hiện nay ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, nhược điểm của bưởi da xanh là kén đất, khó trồng, khó chăm sóc và tuổi thọ kém nên không phải ai cũng trồng được. Khắc phục được những nhược điểm trên, làm giàu bền vững từ cây bưởi da xanh đặc sản có ông Trần Văn Sáu, cư ngụ tại ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy - nơi được coi là "cái nôi bưởi da xanh" của Tiền Giang hiện nay.
Vườn bưởi da xanh của ông Trần Văn Sáu rộng 4.000 m2, tổng cộng có 100 gốc bưởi đã 13 năm tuổi, đang độ cho trái sai, chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng.
Là nhà vườn giỏi thâm canh, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện canh tác và đất đai, thổ nhưỡng vườn nhà, ông Trần Văn Sáu hàng năm thâm canh bưởi đạt năng suất và sản lượng cao. Theo ông Sáu, yếu tố đầu tiên cần quan tâm để trồng thành công là phải nắm vững đặc tính sinh trưởng của bưởi da xanh và có tác động phù hợp bằng những phương pháp canh tác khoa học.
Bưởi da xanh cần bóng râm và không chịu được ánh nắng chiếu thẳng, thường hay bị bệnh vàng lá thối rễ tấn công cùng những bệnh khác như: ghẻ lá và trái, rệp sáp rễ, sâu đục quả. Để khắc phục, ông chú ý bố trí mật độ trồng hợp lý, trồng xen so đũa trong vườn để tạo bóng râm che mát cho bưởi, bón phân cân đối, chăm sóc tích cực, chủ động phòng ngừa sâu bệnh tấn công...
Nói về kỹ thuật canh tác vườn bưởi, ông Sáu cho biết, cần thường xuyên tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Mỗi năm bón vôi vườn bưởi hai lần vào hai thời điểm: đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Về phân bón, ông sử dụng phổ biến phân hữu cơ vi sinh và DAP bón mỗi tháng một lần với số lượng dùng 5 bao phân hữu cơ vi sinh và 1 bao phân DAP/lần. Ngoài ra, trong năm còn bón thêm 3 đợt phân 20 - 20- 15.
Đối với sâu bệnh, để đề phòng bệnh ghẻ trên lá và trái, mỗi khi cây ra đọt non và hoa thì phun sun-phát đồng kết hợp vôi; vào mùa mưa phải phun thuốc trừ nấm bệnh thời điểm đầu và cuối mùa mưa. Ngoài ra, còn phòng rệp sáp tấn công rễ cây bằng nước rửa chén Mỹ Hảo pha theo tỉ lệ 3 muỗng canh nước rửa chén trong 10 lít nước tưới vào gốc 3 lần trong năm,...
Nhìn chung, mỗi năm bưởi da xanh cho thu hoạch 2 vụ chính vào tháng 4 và tháng 12. Với khu vườn 4 công đất chuyên canh bưởi da xanh, ông Trần Văn Sáu thu hoạch đạt sản lượng 6 tấn quả/năm, bình quân mỗi công đất (1.000 m2) đạt năng suất 1,5 tấn và tính ra đạt năng suất 15 tấn quả/ha/năm.
Nói về thu nhập, ông Sáu vui vẻ cho biết, trong vụ Tết 2014, sản lượng bưởi thu hoạch không dưới 3 tấn trái, bán với giá bình quân 40.000 đ/kg thôi đã thu 120 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí, ông Sáu còn lãi ròng khoảng 100 triệu đồng. Còn nếu tính chung hàng năm ông thu được trên 200 triệu đồng tiền bán bưởi da xanh, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 160 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cai Lậy, vườn bưởi chuyên canh của ông Trần Văn Sáu còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân trong tỉnh Tiền Giang. Đến đây vừa tham quan thực tế vừa nghe ông Trần Văn Sáu giới thiệu; mọi người học tập, tiếp thu thêm những kinh nghiệm quí trên lĩnh vực trồng, chăm sóc bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Bà con đặc biệt ấn tượng những phương pháp ông Sáu đã tác động giúp vườn cây kéo dài tuổi thọ, lúc nào cũng sum suê cho những vụ mùa bội thu, năng suất, sản lượng cao và trúng giá.
Ông Trần Văn Sáu cho biết, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng trồng bưởi da xanh thành công là nhiệm vụ cũng là mong ước của mình. Trong năm qua, ông được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang vinh danh "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" cấp tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn để làm giàu tại địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao