Nuôi cá dầm xanh
Cá dầm xanh hay còn gọi là cá bỗng chỉ sống được ở môi trường nước sạch, có dòng chảy.
Cá dầm xanh có chất lượng thịt thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có nhiều mạch nước ngầm chảy ra từ các mó nước khe núi, là nơi có điều kiện phù hợp để nuôi loài cá đặc sản này.
Bên cạnh đó với vị trí giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa - có con sông Mã là nơi giống cá này tồn tại (giống cá này chỉ đánh bắt được từ sông Mã để làm giống). Chính vì vậy người dân nơi đây đã phát huy lợi thế và nguồn lực để phát triển loài cá dầm xanh.
Ông Hà Công Sang, xóm Củm là một trong những hộ tiên phong nuôi cá dầm xanh quý hiếm ở xã Vạn Mai và đã nuôi thành công.
Ông Sang chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và buôn bán rau ngoài chợ trung tâm huyện. Tôi thấy cá dầm xanh bán ở chợ với giá khá cao, 500-600 nghìn đồng/kg mà vẫn được rất nhiều người tìm mua. Tôi liền tìm hiểu và mua giống ở Thanh Hóa về nuôi. Tính đến nay, tôi nuôi cá dầm xanh cũng được hơn 10 năm nên hiểu rõ tập tính và cách chăm sóc loại cá đặc sản này".
Về kinh nghiệm nuôi cá dầm xanh, ông Sang cho biết, ông đào ao rộng 1.500m2. Để nuôi được loài cá này, ao nuôi bắt buộc phải có nước chảy vào, lối nước chảy ra, vì vậy ông thiết kế cống nước vào và cống nước ra. Thiết kế này giúp đảm bảo môi trường nước trong ao luôn sạch, vì cá dầm xanh ưa môi trường nước trong, nếu nguồn nước đục và ô nhiễm cá sẽ còi cọc, phát triển kém, thậm chí là chết.
Loài cá này không ăn cám công nghiệp như các loại cá khác. Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cỏ, lá sắn, lá chuối, gốc lúa... rất sẵn ngoài tự nhiên. Để cá dầm xanh tăng trưởng nhanh, ông Sang cho cá ăn thêm các loại thức ăn có chứa tinh bột như ngô, cám gạo… Mỗi ngày ông cho đàn cá dầm xanh ăn 3 bữa: sáng, trưa, tối. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. So với những loài cá khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, không bị chết khi thời tiết bất thường.
Khi cá nuôi đạt kích cỡ từ 1,5-2 kg là có thể thu hoạch. Lúc mới nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm, ông phải mất 3 - 4 năm mới được thu hoạch một mẻ cá. Nhưng giờ đây ông đã có thể rút ngắn thời gian nuôi, đồng thời chuyển sang phương thức nuôi gối nên năm nào cũng có cá bán ra thị trường, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Ông Sang cho biết, thời gian tới, gia đình ông sẽ đào thêm ao, khơi dẫn nước để nuôi thêm cá dầm xanh, nâng cao nguồn thu nhập.
Đến mùa thu hoạch cá dầm xanh, các thương lái và nhiều nhà hàng ở ngoài huyện đều đến tận ao thu mua nên cá của gia đình ông Sang lúc nào cũng bán được giá cao. So với các loại cá nuôi bằng cám công nghiệp thì cá dầm xanh có ưu điểm hơn ở chỗ: thịt săn chắc, thơm ngon, bảo đảm sạch. Hiện ông Sang bán cá dầm xanh tại ao với giá 250.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 80 triệu đồng.
Ông Khà Văn Sảnh, Chủ tịch xã Vạn Mai, cho hay, ông Hà Công Sang là một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở xã. Nhờ thay đổi tư duy trong chăn nuôi, ông đã gây dựng được một cơ ngơi khá giả mà nhiều người trong xóm, trong xã đều thán phục và làm theo...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ