Nguy cơ bùng phát bệnh bạc lá trên lúa Thu đông
Những ngày qua, nông dân ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích lúa Thu đông trong giai đoạn trổ - chín bị nhiễm bệnh bạc lá khá nhiều, đe dọa đến năng suất và chất lượng hạt lúa. Ông Nguyễn Văn Xem, hộ có hơn 1ha lúa bị bệnh bạc lá tấn công và hiện gây ảnh hưởng trên 10%, cho biết: “Thông thường, vụ lúa Thu đông năm nào cũng xuất hiện bệnh bạc lá, tuy nhiên năm nay bệnh phát triển và lây lan mạnh hơn những năm trước. Mặc dù tôi và nhiều nông dân khác đã phun thuốc điều trị khá nhiều khi phát hiện bệnh nhưng tình hình vẫn không suy giảm mấy”.
Qua quan sát của chúng tôi tại các ruộng bị nhiễm bệnh bạc lá thì thấy rằng, phiến lá lúa bị khô trắng từng vệt từ đầu lá kéo dài dọc theo mép lá, vết bệnh có hình lượn sóng. Trên bông lúa, xuất hiện nhiều đốm đen và hạt bị lép khá nhiều. Chính vì vậy, bà con lo lắng đến khi thu hoạch lúa sẽ giảm năng suất. Ông Trần Văn Cường, ở cùng ấp 5, xã Vị Thanh, thông tin: “Lúa ở khu vực này còn gần nửa tháng nữa mới đến ngày thu hoạch, nhưng hiện lá đòng (lá cái) bị khô khá nhiều do bệnh bạc lá gây nên. Với đà này, khả năng đến khi thu hoạch thì năng suất lúa sẽ giảm trên 10% là khó tránh khỏi”.
Theo ngành chuyên môn thì tác nhân gây ra bệnh bạc lá lúa, hay còn gọi là cháy bìa lá, là do vi khuẩn gây nên. Do hoạt động sản xuất lúa của nông dân hiện nay hầu như diễn ra quanh năm, kết hợp với một số sai lầm trong kỹ thuật canh tác, mà đặc biệt là việc bón phân thừa đạm trong quá trình sản xuất lúa; kết hợp với một số giống lúa dễ bị nhiễm loại bệnh này, và sự chủ quan, nhận diện sai bệnh của bà con nông dân, đã góp phần làm cho bệnh cháy bìa lá lúa có điều kiện tồn tại và ngày càng phát triển mạnh hơn. Bệnh bạc lá có khả năng gây hại cho cây lúa ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng, từ giai đoạn mạ đến trổ chín. Trong đó, mạnh nhất là ở giai đoạn sau khi cây lúa đẻ nhánh đến đòng trổ và chín. Bệnh này phát triển mạnh ở những ruộng sâu, độ ngập nước cao; và trong điều kiện thời tiết có độ ẩm lớn, nhiệt độ ban đêm thấp, sáng sớm có nhiều sương mù. Nếu bệnh bùng phát thành dịch, nhất là trong giai đoạn làm đòng đến trổ bông thì cây lúa dễ bị nghẹn đòng, hạt lép nhiều và làm giảm năng suất tới 25-50%.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 45.000ha lúa Thu đông. Hiện lúa chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trổ - chín; đây là thời điểm dễ xuất hiện nhiều đối tượng dịch hại, trong đó, đáng quan tâm là bệnh bạc lá đã phát sinh và gây hại tại nhiều địa phương. Hiện ngành nông nghiệp ghi nhận toàn tỉnh có hơn 85ha lúa Thu đông bị nhiễm bệnh bạc lá, tăng 30ha so với cách nay khoảng 10 ngày; với tỷ lệ ảnh hưởng từ 10-20% bông trên các trà lúa trổ - chín; phân bố ở huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.
Trong điều kiện thời tiết từ nay đến cuối vụ sẽ có mưa nhiều, ẩm độ và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để bệnh bạc lá phát sinh phát triển nên dễ gây hại trên diện rộng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị cán bộ kỹ thuật ở các địa phương cần phối hợp tốt với nông dân trong việc chủ động phòng trừ, tránh bệnh lây sang diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra. Biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá hiệu quả là thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện bệnh sớm; chăm sóc hợp lý để cây lúa sinh trưởng khỏe, bón phân cân đối, điều tiết nước phù hợp. Không bón quá nhiều đạm, bón đạm muộn và kéo dài; chú ý kết hợp giữa bón đạm với phân lân và kali. Khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh cần giữ mực nước vừa phải từ 3-5cm, dừng bón các loại phân hóa học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Sử dụng các loại thuốc hóa học để phun phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ