Người Thương Binh Không Cam Chịu Đói Nghèo
Những hôm trái gió trở trời, mảnh đạn trong cơ thể lại cù cựa đòi ra, đau nhức kinh khủng, nhưng ông vẫn gượng dậy làm việc. Ông bảo: Nếu mình nằm xuống, rên rỉ vì đau, đồng nghĩa mình thua cuộc: Ông là Phạm Đắc Suất, thuơng binh hạng 3/4, nạn nhân chất độc da cam, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).
Năm 1966, đang học lớp 7, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm đó ông 18 tuổi, nhà chỉ có 1 mẹ, 1 con. Sau huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miềnNam, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Bị thương trong trận đánh Nhà ga Tam Quan (Bình Định), 1 quả đạn cối của địch rơi khá gần, ông “lĩnh” 7 mảnh đạn. Khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong Quân y viện, nữ y tá cho ông biết: Nặng nhất là mảnh đạn xiên vào đầu đã được lấy ra, còn 2 mảnh xiên từ phía sau lưng, nằm sát với 2 buồng phổi.
Kể từ đó, ông chung sống với 2 mảnh đạn này. Nhưng “nó” không chịu nằm yên, mà lặng lẽ gặm nhấm sức khoẻ của ông. Kể cả những năm tháng ông chuyển ngành sang công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(1972-1985), cũng vì sức khoẻ yếu, ông phải về nghỉ chế độ mất sức.
Trở về nhà, mẹ ông đã già lắm. Ông bảo mẹ: Con là thương binh, nhưng con còn có đủ chân, tay, mẹ sẽ không phải ăn đói, mặc áo vá.
Đưa tôi đi thăm vườn cây ăn quả, đang mùa thu hoạch, nhìn đỏ ối từng chùn thanh long, ông cho biết: Cha mất sớm, nhà chỉ có 2 mẹ con. Hơn 10 tuổi, tôi đã biết cầm dao đốn cây, dọn bãi, đến khi đi bộ đội (18 tuổi), tôi đã “xí phần” được 5.600 m2 đất này.
Tuy mình mẩy thường đau đớn vì mảnh đạn, nhưng ông không chịu ngồi yên, cứ nghe ở đâu có mô hình làm kinh tế giỏi là ông cơm nắm, đạp xe đến thăm, mày mò học hỏi rồi về bảo vợ cùng làm. Cũng vì thế trên mảnh đất của ông từng nhiều lần thay đổi các loại cây ăn quả. Năm 1985, ông mua hơn 50 cành giống mơ lai về trồng.
3 năm sau, quả nặng cành, vợ chồng ông mang ra chợ bán, nhưng không có người mua. Rồi lại nghe ở các xã Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) và người dân bên xã Phúc Thuận (Phổ Yên) trồng hồng không hạt làm giàu, ông lại đạp xe đến học hỏi kinh nghiệm, rồi mua 60 gốc về trồng.
Đợi 3 năm, hồng ra quả, vụ quả bói đầu tiên, tư thương từ Hà Nội lên mua hết, trả 15.000 đồng/kg. Cũng vụ đó, ông theo người đi buôn hồng về Hà Nội, ăn chực, ở nhờ để học kinh nghiệm dấm hồng, nhưng ông không học được bí quyết dấm hồng của họ.
Đành chấp nhận tiếp tục bán quả xanh, nhưng ngay vụ sau, hồng ra đỏ vườn, hái ăn thử, chát xít răng, tư thuơng không trở lại, đành chặt đi để lấy đất trồng vải, nhãn. Vải, nhãn ra hoa, đậu quả được 2 vụ thì không hiểu vì lý do gì, phần lớn số cây trong vườn ra hoa không đậu quả, số ít cây có đậu quả nhưng ăn nhạt như nuớc ao bèo.
Liên tục 15 năm (1985 đến hết 1998), ông Suất đã trồng xuống mảnh đất của mình 3 loại cây ăn quả, để sau đó lại phải phá đi vì không có đầu ra cho sản phẩm. Cũng trong thời gian này, trong vườn nhà ông có 1 loại cây ăn quả ít người biết đến, đó là thanh long.
4 cành thanh long đã theo ông qua chặng đường hơn 1.800 km, từ tỉnh Kon Tum về Thái Nguyên. Lúc đó năm 1988, ông vào thăm người bạn chiến đấu cũ trở về, mang theo và trồng ở góc vườn làm kỷ niệm. Sau gần 2 năm, thanh long ra quả, ông cùng cả nhà ăn thử thấy chua chua, ngòn ngọt lại có vị ngai ngái… Nhưng thấy thanh long lên rất nhanh, ông chặt cành bảo vợ con mang uơm thêm trong vườn.
Vợ ông, bà Trần Thị Tích đỡ lời chồng: Chồng có “chỉ thị” là tôi cùng 4 đứa con hì hục trộn vữa đổ cột bê tông, rồi đào hố chôn cột, đặt cành thanh long giống, chẳng chăm bón gì, cây thanh long vẫn nghều ngào vươn tay, ra quả đó ối. Nhà ăn không hết, mẹ con tôi mang ra chợ bán thử và đều bán hết. Chính vì thế vợ chồng tôi quyết định đầu tư nhân rộng vườn thanh long.
Ông Suất cho biết thêm: Vốn trồng thanh long nặng nhất là việc đầu tư làm trụ, 1 trụ bê tông rộng 25 cm2, dài 2m, hết 1 triệu đồng/cột, trong đó vật liệu bao gồm cả sắt thép, xi măng, cát, sỏi. Do thời gian đầu kinh tế gia đình chưa dư dả, nên tôi đã đổ 100 trụ thanh long bằng bê tông, cốt tre, giá thành cho 1 cột bê tông giảm khoảng 40%. Nhưng vì tán, quả thanh long nặng, chỉ được 1 thời gian, gần 100 trụ bê tông cốt tre đều bị gẫy đổ, phải buộc vạ thêm những cây thân gỗ.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nhân dần thêm các trụ mới. Đến nay, ông Suất đã có 1 vườn thanh long 400 trụ, trong đó có 200 trụ thanh long ruột đỏ. Trụ nào cũng xanh tốt, quả mọc thành chùm, đẹp mắt. Hỏi về thu nhập từ vườn thanh long, ông Suất làm nhanh phép tính nhẩm: Mỗi trụ thanh long cho hơn 12kg quả/vụ, cả vườn sẽ thu được gần 5 tấn/vụ, giá bán hiện thời 30.000 đồng/kg, tương đương với số tiền 150 triệu đồng/vụ.
Quanh ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Suất, thanh long được trồng thẳng lối, các trụ thanh long được làm bằng bê tông, cốt thép, vững chãi. Ông Suất cho chúng tôi biết thêm: Mùa thu hoạch thanh long bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 10. Trồng thanh long tuy dễ, nhưng phải có kiến thức, nếu trồng bằng cành non, thanh long không ra quả; trồng bằng cành bánh tẻ, thanh long ra quả bị dày mắt, đỏ tai, chất lượng thấp, khó bán. Giống thanh long tốt nhất là lấy cành già ở phía trong, cành đã được thu hoạch quả, trồng xuống chỉ sau 1 năm 6 tháng là cho thu hoạch, quả nào cũng to, thưa mắt, vỏ bóng sáng, ăn rất ngon.
Qua trò chuyện, chúng tôi còn được biết: Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của xóm, nên ngoài chăm lo cho vườn thanh long của mình, ông Suất còn giúp đỡ nhiều cựu chiến binh, gia đình nạn nhân chất độc da cam nghèo trong vùng kỹ thuật trồng và cấp giống thanh long không lấy tiền
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ