Tin nông nghiệp Kỳ tích khổ qua rừng

Kỳ tích khổ qua rừng

Tác giả Lê Bình, ngày đăng 26/02/2018

Kỳ tích khổ qua rừng

Khổ qua rừng (momordica charantia) được chế biến thành viên nang, trà túi lọc; cỏ ngọt (Stevia) thành đường (không calori). Sản phẩm trên được sản xuất theo quy trình sạch và đang có mặt ở Mỹ, Anh, Pháp, Hồng Công và phủ khắp thị trường Việt Nam. Công ty cổ phần TNB Việt Nam đang giữ “bản quyền” độc tôn cho sản phẩm - “sáng tạo Việt” này.

Từ thực tiễn đến đầu tư

Trại nhân giống khổ qua rừng và cỏ ngọt của Công ty cổ phần TNB Việt Nam ở xã Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Một khoảnh đất rộng 3ha, đê bao khép kín. Những trái khổ qua chỉ lớn bằng ngón tay cái, lúc lỉu trên giàn.

Anh Nguyễn Công Đức (27 tuổi) cùng với 2 nhân công đang hái khổ qua rừng và cắt cỏ ngọt, dừng tay cho biết: Khổ qua đang cho trái “chiến” và cỏ ngọt cũng tới kỳ thu hoạch. Chúng tôi dùng một số làm giống; còn lại thu hoạch, sơ chế bước đầu, chuyển về nhà máy của công ty đặt tại Long An để làm ra sản phẩm “chánh hiệu”.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNB Việt Nam Trịnh Hoàng Hà giới thiệu: Sản phẩm ở đây hoàn toàn sạch. Công ty nhập phân hữu cơ được sản xuất từ Nhật Bản (3 tấn/ha/ vụ). Thuốc “trừ sâu” là chế phẩm sinh học; được làm từ tỏi, ớt, gừng… Tất cả đều không dùng hóa chất và phân bón hóa học, người tiêu dùng an tâm với sản phẩm sạch của chúng tôi.

Năm 2007, kỹ sư kinh tế Trịnh Hoàng Hà, sinh năm 1974, từ Hà Nội vào miền Đông nghiên cứu về phát triển cây công nghiệp. Giữa rừng cao su Đồng Nai mát rượi mùa gió chướng, kỹ sư Hà được chủ trang trại ở đây “chiêu đãi” những món ăn dân dã vốn là đặc sản của rừng. Món ăn thì nhiều, nhưng Hà nhớ nhất trái khổ qua rừng nhồi thịt hầm và đọt của nó luộc, chấm nước mắm pha tỏi, ớt. Khổ qua nhân nhẫn, thơm thơm, nuốt vào hậu ngọt, Hà thấy ngon kỳ lạ. Lục tìm tài liệu nghiên cứu, anh ngạc nhiên về tác dụng không ngờ của khổ qua rừng: giàu vitamin C, nhiều chất giúp chống lại các gốc tự do (nguyên nhân gây lão hóa và tim mạch), ổn định đường huyết, kháng khuẩn, mát gan, giải độc… Nhưng “độc” nhất là khổ qua rừng chứa nhiều Isulin, một chất quan trọng để trị bệnh tiểu đường. Trịnh Hoàng Hà nghĩ: Ở nước ta hiện nay, người bị bệnh tiểu đường chiếm gần 20%. Nếu trồng và chế biến sản phẩm từ khổ qua rừng sẽ hỗ trợ người bệnh tiểu đường hồi phục. 

Thế là, năm 2012, Trịnh Hoàng Hà quyết định đầu tư cho khổ qua rừng. Anh “bay” về ĐBSCL, nơi có đất đai màu mỡ, thuận lợi cho cây khổ qua rừng phát triển. Ban đầu, Trịnh Hoàng Hà mua giống của bà con thu hái quả ở rừng miền Đông; “hợp tác” với những người có “nghề” và quen thổ nhưỡng ở vùng đất giàu lúa, màu, tôm cá và trái cây này như: Nguyễn Thị Kim Thoa, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm và một số cộng sự ở Cần Thơ, Sóc Trăng; thuê 1ha đất ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng trồng thử nghiệm. Tối ngày “quay quắt” với ruộng đồng, kỹ sư Hà than bị sụt mất mấy ký và da thì sạm đen vì nắng gió. Kết quả thành công ngoài mong đợi. Lứa thu hoạch đầu tiên này được chế thành sản phẩm. Qua phản ánh của người tiêu dùng, kỹ sư Hà nhận thấy sản phẩm này còn khiếm khuyết; đó là vị đắng. Sau những nghiên cứu, thực nghiệm, kỹ sư Hà quyết định nhập cỏ ngọt từ Nam Phi về trồng để chế biến thành đường, pha chế với khổ qua rừng hiện có để cải thiện khiếm khuyết.

Rộng đường hợp tác - phát triển

Năm 2014, Trịnh Hoàng Hà quyết định thành lập công ty, trụ sở tại Cần Thơ. Công ty thuê đất ruộng (trước đây trồng lúa) của gia đình ông Lương Thế Nghiệp với giá 35 triệu đồng/ha/5 năm để trồng khổ qua rừng và cỏ ngọt. Trên mảnh đất này, công ty thuê vợ chồng ông chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty với giá 3 triệu đồng/người/tháng. Tất cả thu nhập trên, vợ chồng ông Nghiệp coi như góp vốn, là một cổ đông của công ty. Từ đó tới nay, mỗi năm, vợ chồng ông Nghiệp được công ty chia lợi nhuận cao gấp gần chục lần so với trồng lúa.

Ông Trần Công Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc rất lạc quan với mô hình hợp tác này: Năm 2018, xã chúng tôi mở rộng diện tích trồng khổ qua rừng và cỏ ngọt lên 70ha. Tiềm năng hợp tác còn rộng mở. Chắc chắn đời sống bà con nơi đây sẽ được cải thiện.

Mấy năm qua, anh Trịnh Hoàng Hà và các cộng sự tất tả ngược xuôi trong và ngoài nước tìm đối tác đầu tư và thị trường tiêu thụ. Đầu tháng 8-2017, Tập đoàn PHI Group (chuyên mua bán và đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, nông nghiệp) đã ký một thỏa thuận hợp tác, kinh doanh với Công ty TNB Việt Nam. Theo đó, họ sẵn sàng đầu tư và thu mua sản phẩm khổ qua rừng để phân phối sang thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… 

Trịnh Hoàng Hà giờ đã nở nụ cười hài lòng về thành quả bước đầu sau những vất vả, lo toan, đầu tư hàng chục tỷ đồng cho sản phẩm được cho là rất “mới” của mình. Bây giờ là lúc anh và công ty mở rộng diện tích và “gặt hái” những thành quả ấy. Nhưng điều lớn hơn trong suy nghĩ của kỹ sư Hà là sản phẩm từ khổ qua rừng là món thực phẩm chức năng đặc sắc giúp chữa trị hiệu quả cho hàng chục triệu người bị bệnh tiểu đường nhiều nơi trên thế giới.


Chanh leo xuất khẩu giúp đồng bào Thái Sơn La làm giàu Chanh leo xuất khẩu giúp đồng bào Thái… Người hồi sinh vùng trại sét từ mô hình trang trại tổng hợp Người hồi sinh vùng trại sét từ mô…