Tin nông nghiệp Khởi nghiệp nông nghiệp - Nhìn ra xu hướng để tìm cơ hội

Khởi nghiệp nông nghiệp - Nhìn ra xu hướng để tìm cơ hội

Tác giả Công Phiên, ngày đăng 31/03/2017

Khởi nghiệp nông nghiệp - Nhìn ra xu hướng để tìm cơ hội

Diễn đàn khởi nghiệp nông nghiệp, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, thu hút hơn 500 bạn trẻ từ 24 tỉnh, thành cả nước là sự kiện đáng chú ý tuần qua của ngành nông nghiệp TP.

Trong ảnh: Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát - một doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc vườn ươm NNCNC tại Khu NNCNC. Ảnh: Bá Cao

Về nguồn

Theo ban tổ chức, chỉ riêng TPHCM có đến 393 bạn trẻ tham gia diễn đàn. Ngoài ra còn có các bạn đến từ An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Phan Thiết, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vũng Tàu. Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thuộc Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho biết vào 7 - 8 năm trước, khi đơn vị làm các sự kiện về vườn ươm doanh nghiệp chỉ thấy lác đác bạn trẻ đến, nhưng nay lại có rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp của các thanh niên hướng về nông nghiệp là tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam (đã được nhiều nước thừa nhận) nhưng số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp lại rất ít.

Doanh nghiệp làm

Nông nghiệp so với tổng doanh nghiệp cả nước chỉ chiếm 1,1%. Ngay cả như TPHCM, trong kế hoạch có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, TP cũng chỉ đưa ra kế hoạch 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, vì một thời gian dài, khi nền kinh tế phát triển, thanh niên nông thôn các tỉnh đều dồn vào các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... để tìm việc làm. Dẫn đến tình trạng ở nông thôn - nơi sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước - chỉ còn lại lao động lớn tuổi.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực chế biến nông sản cho biết, thời trẻ khi ông mới khởi nghiệp, hầu hết thanh niên chỉ muốn vào TP tìm việc làm gì đó, chỉ cần không phải là ngành nông nghiệp. Nhưng thời thế và xu hướng đã và đang thay đổi. Vài năm nay, khi Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cùng với nhiều chính sách ban hành đã tạo nên làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, không chỉ là các đại gia lĩnh vực khác hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ mà ngay cả giới trẻ cũng vào cuộc ngày càng nhiều.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, thế mạnh của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp. Chính nông nghiệp là “bà đỡ” khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng hay suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều bạn trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn cao, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cuối cùng lại quay về với nông nghiệp. Bạn Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO Công ty Mimosa Tek, chuyên về thiết kế tưới tự động cho nhà lưới dựa theo công nghệ điện toán đám mây, là dân tin học. Lớn lên ở TP Đà Lạt. Sau thời gian làm cho ngành viễn thông đã có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tưới xuất để giảm chi phí nhờ tiết kiệm điện và nước tưới. Bạn Nguyễn Thị Hiếu, Trại Nấm linh chi Đất Thép huyện Củ Chi (TPHCM), cũng là dân tin học trước khi quay về làm nông nghiệp trên quê hương của mình. Anh Lê Văn Tuấn, trước khi làm chủ vườn rau hữu cơ cũng là dân công nghệ thông tin. Sự về nguồn này là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp khi mà về số lượng, nông sản Việt Nam chiếm nhất, nhì nhưng còn kém cạnh tranh về chất lượng, cũng như đang đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm.

Bài toán thị trường

Không khí khởi nghiệp nông nghiệp trong bạn trẻ có trình độ và chuyên môn là điều tích cực. Một bạn trẻ ở Lâm Đồng đã nghiên cứu khoảng 5 năm, tìm hiểu khá kỹ về loại cây hoang dại tại Việt Nam mà đang được thế giới kinh doanh nhờ có lợi cho sức khỏe, đặt vấn đề với ban tổ chức đề nghị hỗ trợ vì chưa có kiến thức về viết dự án... Điều này làm ông Nguyễn Lâm Viên nhớ lại 30 năm trước, khi Việt Nam còn khó khăn, ông lại đi tìm hiểu và lao vào việc chế biến mít sấy. Không ít người cho là khùng. Nhưng nhờ niềm tin, kiên trì mà từ một loại cây để ăn chơi, chỉ tốn công hái hơn là tốn tiền mua, nay 1kg mít lên đến 40.000 đồng, ngang với giá 1kg sầu riêng. Các bạn trẻ nên kiên trì nếu có ý tưởng, vì Việt Nam có nhiều cây có thể làm dược liệu tốt cho sức khỏe. Việc cần làm trước tiên là tìm nhà đầu tư đỡ đầu, tìm cách đưa sản phẩm ra nước ngoài trước, nếu chứng minh được sự hữu ích cho sức khỏe sẽ dễ dàng phát triển thị trường. Đó là cách mà Vinamit đã làm thành công với mít sấy trước khi trở về chinh phục thị trường nội địa. Muốn viết dự án, hãy đến Sở NN-PTNT để được tư vấn. Khi dự án tốt sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Cái khó là sản phẩm phải bán được. Muốn sản phẩm đó đứng được thì phải có sự khác biệt so với sản phẩm khác. Kinh nghiệm của người đi trước như Vinamit là cần nhìn ra xu hướng để tìm cơ hội.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Hải An - với thời gian gần chục năm đảm nhiệm vai trò ươm tạo doanh nghiệp NNCNC - nhắc nhở rằng để thành công trong sản xuất và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp không hề dễ dàng. Có nhiều bạn đã thành công, nhưng số lượng thất bại cũng không ít. Bài toán muôn đời là thị trường. Khi xây dựng dự án phải tìm hiểu thị trường trước. Hãy bán cái gì thị trường cần, chứ không phải bán cái gì ta có. Nhưng điều quan trọng là phải kiên trì và duy trì lòng đam mê một khi có ý tưởng khả thi. Đó cũng là những điều mà các bạn trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp đã rút ra được khi khởi nghiệp và có sự thành công nhất định.


Thị trường Trung Quốc hút mạnh bưởi da xanh của ĐBSCL Thị trường Trung Quốc hút mạnh bưởi da… Khởi nghiệp với cam sinh thái Khởi nghiệp với cam sinh thái