Mô hình kinh tế Để Sen Hồng Mãi Tỏa Hương

Để Sen Hồng Mãi Tỏa Hương

Publish date Thursday. November 7th, 2013

Để Sen Hồng Mãi Tỏa Hương

Đến Tháp Mười, tôi có dịp gặp những người trồng sen, có người gần như gắn bó cả đời với cây sen. Ngồi bên cánh đồng sen mênh mông nước, người thì kể cái duyên mà mình gắn bó với sen, người thì vui mừng vì sen đột ngột lên giá, về triển vọng cây sen trong tương lai, cũng có người băn khoăn về hướng đi của cây sen - nhưng điểm chung nhất là ai cũng mong muốn sen hồng mãi tỏa hương, mãi là loài cây lấy hạt chủ lực trên vùng đất Tháp Mười.

Gắn bó với sen hồng

Khoảng năm 1980, tại cánh đồng hoang vu nằm dọc kinh đê bao Khu di tích Gò Tháp thuộc xã Mỹ Hòa, một ngôi nhà lá đầu tiên được dựng lên. Đó là nhà của gia đình cô Nguyễn Thị Nguyệt (từ Tiền Giang đến lập nghiệp). Từ khai phá 5 công đất hoang trồng lúa, dành dụm tiền mua thêm đất, giờ cô đã có trên 20 công ruộng. Căn nhà lá trước đây giờ được thay bằng căn nhà tường kiên cố. Ruộng của cô nằm trong cánh đồng ngoài đê bao, trũng thấp, khi lũ về đồng bị ngập nên vụ lúa hiệu quả nhất là vụ đông xuân.

Thấy sen thích hợp với ruộng của mình, 5 năm nay, cô chuyển toàn bộ sang trồng sen và thu nhập khá, có khi lợi nhuận mỗi mùa sen gấp đôi lúa. Riêng mùa sen năm nay, do nước lũ lên cao, phần lớn sen ngập chìm trong nước, giá sen những ngày gần đây có khi lên đến 52 ngàn đồng/kg. Dù sen thu hoạch không được nhiều, nhưng cô cũng thấy vui. Trong tâm trạng thoải mái, cô Nguyệt cho biết, dù giá sen có thấp cỡ nào cũng “thắng” lúa, Giờ đây, gia đình cô còn tận dụng đồng sen để mở dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan.

Trên cánh đồng cặp kinh đê bao Khu di tích Gò Tháp chạy dài 2 cây số tứ bề là sen. Người đầu tiên khởi nghiệp trồng sen nơi này là chú Bảy Kiệt. Hôm tôi đến, chú vui vẻ bơi xuồng đưa tôi tham quan đồng sen 50 công của mình. Trên đường đi, chú tâm sự những buồn vui mà cây sen mang lại. Làm lúa không đạt hiệu quả cao và thấy đất khu vực này chỉ thích hợp trồng sen nên 18 năm trước, chú mạnh dạn chuyển toàn bộ ruộng lúa sang trồng sen. Những người trồng lúa xung quanh cho rằng chú dở hơi.

Trong quá trình trồng, chú thường bị chủ đất giáp ranh phàn nàn vì vô tình để sen mọc lan qua ruộng lúa của họ. Thế nhưng chỉ vài năm sau, thấy chú trồng sen có hiệu quả, tất cả chủ đất trên cánh đồng này đã lần lượt đưa cây sen vào ruộng. Hiện tại, chú Bảy cho một công ty thuê cánh đồng sen làm điểm tham quan du lịch, nhưng vẫn được canh tác trên ruộng sen của mình. Nhìn du khách đến tham quan, chú Bảy vui vẻ nói: “Hồi đó ở đây buồn lắm, giờ khách đến tham quan rộn ràng, chụp ảnh, ngắm nhìn sen xứ mình, tôi vui mừng lắm”.

Cơ duyên giữa người và sen trên vùng đất Tháp Mười có lắm điều gắn bó với nhau. Cách đây 20 năm, cô Nguyễn Thị Ngọc Minh (chủ Cơ sở sản xuất hạt sen Minh Sơn) ngụ xã Mỹ Đông, Tháp Mười - người đầu tiên của huyện đi thu mua sen cho biết, ngày trước có công ty ở Đài Loan vô thu mua gương sen, những gương không xuất khẩu được thì công ty để lại, thấy vậy cô mua về bán cho khách hàng. Năm 1995, trong lúc chạy xe chở sen về nhà bán, một cô gái người Sài Gòn chạy theo đến nhà đặt mua gương sen, vậy là từ đó nghề thu mua và bán gương sen của cô cứ ăn nên làm ra. Giờ cô có cơ sở sản xuất hạt sen hẳn hoi. Hôm tôi đến cơ sở cũng là lúc cơ sở chuẩn bị chở hàng đi tiêu thụ tại Hà Nội.

Những người trồng sen mà tôi gặp đều cùng chung ý nghĩ: sẽ mãi gắn bó với nghề sen, bởi sen mang đến cuộc sống cả về vật chất lẫn những kỷ niệm trong đời.

Mong sen phát triển trên vùng đất sen

Năm 2012, 2013 diện tích trồng sen ở Tháp Mười đã có sự ổn định với 150ha. Các xã có diện tích sen nhiều là Mỹ Hòa 78ha, Tân Kiều 50ha, Trường Xuân khoảng 10 - 20ha. Huyện có gần 30 hộ trồng sen kinh doanh, hộ trồng ít nhất 1ha và nhiều nhất 10ha. Hai loài sen được trồng chủ yếu là sen hồng Đồng Tháp gương tím và gương xanh.

Hiện nay, người trồng sen có phần lạc quan với lợi nhuận thu được từ sen. Chú Nguyễn Văn Ninh ngụ ấp 1, xã Tân Kiều nói: “Người trồng sen giờ không sợ lỗ. Ngày trước tôi trồng 2ha lúa, vô vụ mùa thu hoạch trúng nhất cũng lãi 50 triệu đồng, nhưng sen thì lãi gấp đôi cho vụ mùa thu hoạch 3 tháng kể từ khi trục đất đến khi hái gương sen”. Tuy nhiên, với nghề trồng sen, nhà nông vẫn còn không ít nỗi lo, bởi việc tiêu thụ gương sen phải qua thương lái và bị họ ép giá, trong khi sen thu hoạch đòi hỏi phải bán trong ngày, nếu để qua ngày thì sen mất 50% giá trị chất lượng, làm giá sen tiếp tục giảm. Theo nhiều người trồng sen, những cò lái sáng hôm nay họ đưa ra giá 12 ngàn đồng/kg, nhưng đến 10 giờ sáng cùng ngày thì lại hạ xuống 10 ngàn đồng/kg, người dân đành phải chịu.

Để giải quyết vấn đề tiêu thụ sen, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, vấn đề quyết định là làm sao để tạo ra thị trường tiêu thụ. Hiện tỉnh được lợi là Đại học Cần thơ có 1 nhóm nghiên cứu sưu tập 33 giống sen ở Đồng Tháp, nghiên cứu phân bón, sâu bệnh, kỹ thuật chế biến (đây là đề tài nghiên cứu sen ở Đồng Tháp đã được nghiệm thu), nhưng tiếc là ở phần chế biến sen tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đứng ra làm.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên cũng cho rằng: “Hiện trồng sen có hiệu quả hơn trồng lúa. Sen bây giờ trồng trong hay ngoài đê bao đều cho năng suất tương đương nhau. Sen có dinh dưỡng rất cao, dùng trong dược phẩm, mỹ phẩm rất tốt, nếu có doanh nghiệp khai thác thì hiệu quả sen rất lớn. Do đó, nếu tìm được doanh nghiệp giải quyết cho người nông dân về đầu ra từ sen đông lạnh đến sen chế biến các loại thì diện tích trồng sen sẽ ngày càng mở rộng”. Chuyện kỹ thuật canh tác sen cũng là vấn đề còn vướng. Chú Nguyễn Văn Tho ngụ ấp 1, xã Tân Kiều có kinh nghiệm 7 năm trồng sen nhưng chú không ngần ngại cho biết, khi thời tiết thay đổi, dịch bệnh xuất hiện nặng trên cây sen, làm sao cho cây sen ra bông quanh năm thì chưa xử lý được.

Biết những vướng mắc người nông dân trồng sen đang mắc phải, ngành chức năng của huyện đã vào cuộc. Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Sen Gò Tháp - tại xã Mỹ Hòa - đang được củng cố để hoạt động liên kết tiêu thụ các sản phẩm từ sen của thành viên HTX với các công ty đến đặt mua sen sao cho có hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tháp Mười cho rằng, kỹ thuật của người trồng sen hiện nay đã lạc hậu, do đó để nâng cao kỹ thuật cho họ, nâng cao chất lượng của hạt sen, địa phương đang đặt hàng Sở NN&PTNT tỉnh mở lớp dạy nghề kỹ thuật trồng sen và Trung tâm Nghiên cứu Đồng Tháp Mười nghiên cứu khảo nghiệm về mô hình trồng sen ở tại địa phương. Huyện cũng đang thuê tư vấn nhờ thiết kế logo, đăng ký ngành hàng bảo hộ sản phẩm như: sen sấy qua chế biến, nước uống từ sen, rượu sen, đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ sản phẩm từ sen của huyện.

Có một điều dễ nhận thấy là cây sen mang lại giá trị kinh tế cao. Người nông dân có quyền hy vọng tương lai sen hồng trên vùng đất Tháp Mười không ngừng phát triển, nếu ngành chức năng và địa phương có những hướng đi phù hợp đối với việc tiêu thụ sen.


Sản Xuất Thủy Sản Có Dấu Hiệu Phục Hồi Sản Xuất Thủy Sản Có Dấu Hiệu Phục… Rau Màu Châu Phú “Xuất Khẩu” Rau Màu Châu Phú “Xuất Khẩu”