Đầu Tư Nâng Chất Giống Bò
Từ năm 2001 - 2010, chương trình Sind hoá đàn bò được đánh giá là thành công nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu về giống. Hiện, trọng lượng mỗi con bò thịt xuất chuồng ở nước ta chỉ bằng một nửa so với các giống bò cao sản trên thế giới.
Sử dụng bò cái lai Sind làm nền thụ tinh nhân tạo với các giống bò Brahman, Drought master để tạo ra thế hệ bò lai ba máu chất lượng cao đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho chăn nuôi bò thịt.
Cải tạo bò giống
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đàn bò thịt cả nước từ 6,7 triệu con năm 2007 giảm xuống còn 5,07 triệu con vào năm 2014, tức chỉ trong 7 năm đã giảm khoảng 1,63 triệu con. Do nguồn cung trong nước đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu tiêu dùng nên Việt Nam phải nhập khẩu 300.000 - 400.000 con bò thịt mỗi năm từ Australia, Lào, Campuchia, Thái Lan...
Việt Nam không có thế mạnh phát triển đàn bò thịt, trở ngại lớn nhất là do chất lượng bò giống kém, hiệu quả kinh tế không cao. Các giống bò truyền thống ở nước ta xưa kia được nuôi chủ yếu dùng để cày kéo, tầm vóc nhỏ, bò trưởng thành chỉ 150 - 200 kg/con, chất lượng thịt không ngon. Các giống bò thịt cao sản trên thế giới cho năng suất cao, nhưng giá mua rất đắt, chi phí vận chuyển về nước cũng cao ngất ngưởng. Bởi vậy, không thể nhập khẩu hàng triệu con bò giống để phục vụ nhu cầu chăn nuôi.
Giải pháp được coi là thiết thực nhất là nhập khẩu tinh bò cao sản về để phối với bò cái nội địa. Giai đoạn 2001-2010, ngành chăn nuôi đã rất thành công với chương trình dùng giống bò Sind ngoại nhập để cải tạo đàn bò nội, góp phần nâng trọng lượng bò lên gấp rưỡi so với trước kia. Tuy vậy, bò Sind chưa phải là giống bò có trọng lượng cao nhất trong các dòng bò thịt, nên đàn bò lai ở nước ta mới đạt tầm vóc bình quân 300-400 kg/con.
Hiện, đã có 15 tỉnh tham gia dự án phát triển giống bò thịt chất lượng cao. Hàng nghìn bò thịt giống cao sản đã được nhập về nước trong hai năm qua. Từ năm 2012 đã diễn ra phong trào sử dụng bò cái lai Sind làm nền thụ tinh nhân tạo với các giống bò BBB, Brahman, Drought master để tạo ra thế hệ bò lai ba máu chất lượng cao với ưu điểm to con, con cái trưởng thành nặng từ 500 - 800kg, con đực trưởng thành nặng từ 900 - 1.400kg; tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 60-65%, thích nghi với nuôi chăn thả và vỗ béo.
Tháng 4/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2014-2016: “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ”. Dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, đang được triển khai ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hà Nội, Bình Phước, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang.
TS. Nguyễn Thị Hải, chủ nhiệm dự án cho biết, trong 3 năm sẽ có 5.920 bò cái sinh sản của 2.590 hộ dân áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) với việc sử dụng tinh cọng rạ các giống bò BBB, Brahman, Droughtmaster, Zebu. Năm 2014, dự án đã xây dựng được 11 mô hình trình diễn với 22 điểm trình diễn.
Trong đó, có 7 mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT với quy mô 1.500 bò cái nền và 4 mô hình bò vỗ béo với quy mô 600 bò thịt. Con lai tăng khối lượng cơ thể bình quân đạt 738,5 g/con/ngày nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13-15% so với chăn nuôi trước đây.
Hà Nội đi đầu vùng sản xuất giống bò
Tại Hà Nội, đơn vị thực hiện dự án cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt trong nông hộ là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, hiện đang triển khai thí điểm tại 2 xã: Minh Trí (huyện Sóc Sơn); Ba Trại (huyện Ba Vì). Cả 2 xã này đều có phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh.
Các hộ tham gia mô hình phải có bò cái đang ở độ tuổi sinh sản (đã đẻ được 1 lứa trở lên), không ốm đau bệnh tật, sinh sản bình thường.
Trung tâm Giống gia súc Hà Nội đã mua thức ăn công nghiệp hỗn hợp cho bò để phát cho các hộ nông dân tham gia dự án và mua tinh bò ngoại thuộc các giống Bramah, Red Angus, Drought Master, Blane Bleeeu Belge có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt từ Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Đại Dương. Mỗi hộ được hỗ trợ 100.000 đồng/liều tinh, 28.000 đồng/lít nitơ lỏng để bảo quản tinh và các vật tư khác.
Bà Vũ Thị Hương, cán bộ Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, cho hay, 4 năm qua, công ty đã tham gia các dự án thụ tinh giống bò ngoại miễn phí cho nông dân. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, giá bán cao hơn 2,5-3 triệu đồng/con so với giống địa phương và bê lai Sind, thu nhập từ bán thịt cũng tăng 4-6 triệu đồng/con. Bình quân mỗi con bò lai 3 máu, cứ sau 10 tháng chăn nuôi có giá bán từ 20- 25 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 10 triệu đồng.
Mặc dù Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mới chuyển 30% kinh phí dự án nhưng Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội đã tạm ứng trước cho hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật, phối giống và cung cấp thức ăn cho bò cái chửa. Đến thời điểm này, tại 2 xã thí điểm, đã phối giống nhân tạo cho 329 con bò, 100% đều đã có thai.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết, tổng đàn bò thịt, bò sinh sản của thành phố là gần 129.000 con.
Từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 117.400 con bò cái được phối giống miễn phí bằng tinh bò đực Droughmaster, Brahman, BBB, Angus tại 17 huyện, thị xã. Mặc dù vậy, tỷ lệ TTNT trên đàn bò thịt còn thấp so với yêu cầu sản xuất, hiện mới đạt 44%.
Theo thống kê, nhu cầu thịt bò của thành phố cần khoảng 100.000 tấn, trong khi đó sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được 9,6%, còn lại phải nhập khẩu. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã quy hoạch đến năm 2020, phát triển đàn bò thịt đạt 150.000 - 155.000 con.
Xác định được vai trò của công tác giống, ngành nông nghiệp thành phố đã định hướng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống bò thịt, dùng bò cái nền là bò lai Sind, sau đó đưa vào lai tạo các giống bò siêu thịt chất lượng cao. Kế hoạch đến năm 2015, tỷ lệ TTNT trên đàn bò thịt của thành phố đạt 60% và đến năm 2020 đạt 80%.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Dau-tu-nang-chat-giong-bo-108-48687.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ