Mô hình kinh tế Chuyên Nghiệp Để Làm Giàu Từ Cây Có Múi

Chuyên Nghiệp Để Làm Giàu Từ Cây Có Múi

Publish date Monday. December 23rd, 2013

Chuyên Nghiệp Để Làm Giàu Từ Cây Có Múi

Chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của cả nước, cây có múi đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Năm 2013, vùng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã có vụ mùa bội thu, được giá nhưng không ít người dân đang tiếp tục bỏ nhiều diện tích trồng vải đi để trồng cam, bưởi... Ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn, cho biết những năm gần đây, diện tích cây ăn quả, đặc biệt là quả có múi như cam, bưởi... trên địa bàn tăng mạnh. Nguyên nhân bởi giá trị của các loại cây này cao, thị trường tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, do giá trị quả vải thiều, hồng xuống thấp nên bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nhiều hộ phá bỏ diện tích trồng vải thiều, hồng hiệu quả thấp để chuyển sang trồng cây ăn quả có múi.

Ví dụ như bưởi Diễn, năm nay toàn huyện Lục Ngạn có 160 ha cho thu hoạch, tập trung ở các xã Thanh Hải, Giáp Sơn, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc. Sản lượng ước đạt gần 1.200 tấn, tăng 200 tấn so với năm ngoái. Hiện, sản phẩm được các thương nhân ở TP. Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh về tận nơi thu mua với giá bình quân 20.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm ngoái.

Thành công của những hộ đi trước cho thấy việc chuyển đổi là đúng đắn, hiệu quả nên nhiều hộ khác cũng mạnh dạn làm theo. Ðiều đó có thể lý giải được vì sao nhiều hộ dân phá bỏ diện tích vải thiều, hồng để trồng cam đường, cam Vinh, bưởi Diễn...

Không chỉ ở Bắc Giang, diện tích cây có múi ngày càng phát triển mạnh mẽ tại các địa phương miền Bắc. Những vùng thâm canh, sản xuất hàng hóa đã được hình thành như vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), vùng cam Nghĩa Đàn (Quỳ Hợp, Nghệ An) và vùng cam sành Hà Giang, Tuyên Quang.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dù có khí hậu, đất đai thích hợp nhưng cây ăn quả có múi ở nhiều tỉnh miền Bắc vẫn đang phát triển kém bền vững, sản xuất còn manh mún, chất lượng chưa thực sự tốt, hơn nữa giá bán cao nên khó cạnh tranh.

Ngay như tại Hòa Bình, tỉnh đứng đầu trong sản xuất cây có múi khu vực Tây Bắc, trong khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ bộc lộ nhiều hạn chế. Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho biết hiện 100% diện tích cây có múi của địa phương đang được thu hoạch bằng phương pháp thủ công. Sau khi hái xuống, người dân loại bỏ quả hỏng, phân loại theo kích cỡ rồi đóng vào sọt đem bán. Phương pháp bảo quản, chế biến gần như chưa được áp dụng, nên mẫu mã, chất lượng của sản phẩm từ cây có múi chưa thực sự tốt.

Về việc thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp, cho rằng áp dụng kỹ thuật bao trái, bảo quản sau khi thu hoạch sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây có múi.

“Người dân có thể dùng thang, kéo hái quả. Sau đó thì đóng hộp vận chuyển, tránh dập nát, gây hỏng. Đồng thời có thể sử dụng các chất bảo quản an toàn như Ozon, màng bảo quản không độc hại, kéo dài thời gian tiêu thụ cho quả có múi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nào có điều kiện thì xây dựng khu bảo quản mát”, ông Vịnh nói.

TS. Phan Huy Thông cho biết Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục bổ sung, chọn tạo những giống mới thích hợp với khí hậu Việt Nam, đặc biệt là với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời phục tráng, nhân những giống sạch bệnh, giống đặc sản địa phương… nhằm đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó là siết chặt quản lý chất lượng cây giống, ngăn chặn những giống tiêu thụ trôi nổi trên thị trường.

Bởi cây có múi chỉ thực sự đem lại hiệu quả bền vững khi có các vùng chuyên canh được trồng, thu hoạch và bảo quản một cách chuyên nghiệp. Những sản phẩm mang tính chuyên nghiệp luôn có lượng khách hàng đông đảo, ổn định và xu hướng phát triển thị trường sẽ ngày một rộng mở hơn.

“Chúng ta phải rà soát lại những diện tích đã có, hướng dẫn người dân trồng những nơi có lợi thế đất đai khí hậu, phù hợp từng nhóm cây có múi. Đặc biệt là những giống cây đặc sản, phải phát triển ở những nơi thích hợp, không để phát triển tràn lan” - TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia.


Hiệu Quả Kép Nhờ Sử Dụng Chế Phẩm Sinh Học Xử Lý Môi Trường Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Hưng Yên Hiệu Quả Kép Nhờ Sử Dụng Chế Phẩm… Nỗi Lo Mùa Tỏi Mới Nỗi Lo Mùa Tỏi Mới