Mô hình kinh tế Cần Cơ Chế Hỗ Trợ Tín Dụng Cho Tái Canh Cà Phê

Cần Cơ Chế Hỗ Trợ Tín Dụng Cho Tái Canh Cà Phê

Publish date Wednesday. December 17th, 2014

Cần Cơ Chế Hỗ Trợ Tín Dụng Cho Tái Canh Cà Phê

Cả nước có gần 160 nghìn ha cà phê già cỗi cần được tái canh nhưng cho tới nay việc tái canh diễn ra còn chậm chạp. 

Khó tiếp cận vốn cho tái canh

Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tổng số 635 nghìn ha cà phê của cả nước, có khoảng 140 – 160 nghìn ha già cỗi cần thay thế, với nhu cầu vốn vào khoảng 22.000 tỷ đồng. Những địa phương có lượng lớn cần tái canh và chủ yếu tập trung tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum… Dù phương án tái canh đã được đề xuất thực hiện vài năm nay nhưng cho tới nay kết quả tái canh cây cà phê vẫn còn rất khiêm tốn.

Ông Trương Quang Thành – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, thời gian qua mặc dù có nhiều nỗ lực trong thực hiện tái canh nhưng kết quả mang lại không như mong đợi.

Việc tái canh cà phê khó khăn không chỉ là vấn đề tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn hạn chế trong việc tìm ra các giải pháp kỹ thuật tổng hợp có cơ sở khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, 85% diện tích cà phê tại Đắk Lắk do người dân trực tiếp quản lý và sản xuất nên việc quản lý, đánh giá chất lượng vườn cây chưa đầy đủ.

Đáng nói hơn, không ít người dân sau khi nhổ cà phê lại lại không tiến hành luân canh, xử lý đất kỹ mà trồng tái canh ngay. Và quan trọng hơn cả là các nông hộ này đều thiếu vốn tái canh nhưng khi tiếp cận vay lại khó khăn.

Còn theo ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc NN&PTNT Kon Tum, tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết cho việc tái canh nên công tác thực hiện tái canh còn khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình tái canh DN và nông dân không có sự gắn kết chặt chẽ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Bình quân mỗi ha tái canh cần 160 – 200 triệu đồng nhưng người trồng không có vốn, khi tiếp cận vay thì lãi suất cao nên chưa khuyến khích được họ thực hiện.

Về phía DN, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho hay, hiện Vinacafe đang quản lý, kinh doanh khoảng 19.000 ha cà phê, trong đó có đến hơn 10.000 ha (chiếm khoảng 65% diện tích) là cây già cỗi, năng suất thấp cần được trồng mới, thay thế. Vinacafe đã lập kế hoạch tái canh giai đoạn 2010 - 2015, nhưng kết quả đạt được thấp, tỷ lệ hoàn thành khoảng 30 - 35%.

Hàng năm, Vinacafe chỉ có thể tái canh “cầm chừng” vài trăm ha do khó khăn về nguồn lực. Mặc dù trước đó, Vinacafe đã ký với Agribank vay 6.000 tỷ đồng để thực hiện tái canh cà phê nhưng đến nay mới chỉ vay được gần 100 tỷ đồng cho tái canh diện tích hơn 500 ha.

Cần chính sách riêng

Theo tính toán của nhiều DN sản xuất, kinh doanh cà phê, với lãi suất cho vay trung bình 8 - 9%/năm, mỗi ha cây cà phê nếu cải tạo mất trên 160 triệu đồng, vay trong thời gian 6 -7 năm thì số tiền gốc và lãi phải trả là rất lớn, ngoài khả năng của nhiều DN, nhất là trong bối cảnh nhiều DN cà phê làm ăn thua lỗ như hiện nay thì những khoản vay như thế khiến họ thêm nặng gánh.

“Trong bối cảnh hiện nay lãi suất ưu đãi cho đầu tư, chăm sóc tái canh cà phê chỉ nên từ khoảng 4 - 5%/năm, cho phép ân hạn trả lãi 3 năm đầu khi chưa thu hoạch, lãi nhập gốc, cho phép vay vốn từ lúc cải tạo đất 2 năm để trồng mới, thời hạn cho vay tối thiểu 8 năm. Có như vậy mới khuyến khích nông hộ và các DN cà phê tham gia vay vốn, thúc đẩy tái canh cà phê theo đúng mục tiêu của Chính phủ” – lãnh đạo Vinacafe đề xuất.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét giảm lãi suất vốn vay tái canh xuống còn 5 – 6%/năm để khuyến khích người trồng và DN vay vốn tái canh.

Không riêng gì Kon Tum, các Sở NN&PTNT khác như Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông… cũng đề xuất Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ DN, trang trại và hộ gia đình vay vốn ưu đãi để thực hiện tái canh đúng lộ trình, tránh tình trạng sụt giảm sản lượng, chất lượng cà phê do diện tích già cỗi gây ra.

Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/can-co-che-ho-tro-tin-dung-cho-tai-canh-ca-phe.html


Ấn Độ Tăng Mạnh Nhập Khẩu Thanh Long Của Việt Nam Ấn Độ Tăng Mạnh Nhập Khẩu Thanh Long… Gạo Xuất Sang Mexico Chịu Thuế 20% Gạo Xuất Sang Mexico Chịu Thuế 20%