Bắc Kạn Nuôi Cá Diêu Hồng Cho Hiệu Quả Cao
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn đã thử nghiệm nuôi cá diêu hồng tại huyện Na Rì và Ba Bể. Sau 5 tháng, mô hình đã cho kết quả tốt, các hộ dân tham gia nuôi loại cá này đã thu lãi cao, mở ra hướng phát triển kinh tế thủy sản triển vọng.
Cá diêu hồng còn gọi là rô phi đỏ, là loài khá dễ nuôi và cho năng suất cao khi được nuôi trong lồng bè. Mặc dù trong mùa đông, thời tiết lạnh tại miền Bắc có thể làm cá chậm tăng trưởng, nhưng với thời gian nuôi ngắn- khoảng 5 tháng, thì đây vẫn là hướng phát triển thủy sản tiềm năng.
Xuất phát từ điều đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Bắc Kạn đã tiến hành xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi cá diêu hồng tại hồ Khuổi Khe, xã Kim Lư (Na Rì) và hồ Bản Vài, xã Khang Ninh (Ba Bể).
Mô hình tại hồ Khuổi Khe có quy mô lồng 40m3 với 01 hộ dân tham gia. Mô hình tại hồ Bản Vài có quy mô lồng 60m3 với 5 hộ dân tham gia. Cả hai mô hình thực hiện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% thức ăn, thuốc hoá chất, vôi còn lại là vốn đối ứng đóng góp của hộ tham gia mô hình. Thời gian thực hiện từ tháng 5 tới tháng 11/2014.
Sau hơn 5 tháng triển khai, cả hai mô hình thử nghiệm đều đã cho kết quả rất khả quan. Mô hình tại hồ Khuổi Khe đạt trọng lượng cá đạt 600g/con; tỷ lệ sống đảm bảo trên 70%; sản lượng thu được ước tính 1.540kg; năng suất ước đạt 38,5kg/m3. Mô hình tại hồ Bản Vài tỷ lệ sống đạt trên 85%, cá không mắc bệnh; năng suất ước đạt 46,8kg/m3. Về hiệu quả kinh tế, mô hình tại hồ Khuổi Khe có thu nhập sau trừ chi phí hơn 25 triệu đồng. Mô hình tại hồ Bản Vài có thu nhập sau trừ chi phí hơn 62 triệu đồng.
Cá điêu hồng hay cá diêu hồng hay còn gọi là cá rô phi đỏ là một loài cá nước ngọt thuộc họ cá rô phi (Cichlidae) có nguồn gốc hình thành từ lai tạo. Cá thích hợp với nguồn nước có độ pH: 6,2 – 7,5; khả năng chịu phèn kém nhưng có thể phát triển tốt ở vùng nước nhiễm mặn nhẹ.
Thời gian cá đạt 800-900g/con chỉ từ 4 – 4,5 tháng và tỷ lệ hao hụt thấp. Nuôi cá trong lồng bè lưới cá tăng trưởng nhanh hơn và dễ thu hoạch hơn so với lồng bè gỗ. Thiết kế bè nuôi tùy vào quy mô; đặt lồng nơi nước chảy nhẹ của dòng sông, đáy lồng cách đáy sông tối thiểu 0,5m. Mật độ nuôi tối đa là 100 con/m3 nước. Tốt nhất cho cá ăn thức ăn công nghiệp đỡ tốn chi phí phát sinh và bổ sung chất cần thiết cho cá phát triển.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Bắc Kạn, cá diêu hồng thích nghi với điệu kiện môi trường tại địa phương. So với các loài khác, cá diêu hồng có nhiều ưu điểm nổi trội như ít bị nhiễm các loại bệnh thường gặp; tốc độ tăng trưởng nhanh; dễ nuôi, thịt thơm ngon, ít xương.
Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập gia đình. Hầu hết các hộ dân sau khi kết thúc mô hình đều cho rằng việc tiếp tục duy trì, mở rộng là điều cần thiết và là hướng làm kinh tế khả quan.
Tại Bắc Kạn, nhu cầu tiêu thụ cá diêu hồng bắt đầu tăng cao. Giá bán loài cá này dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Việc nuôi cá diêu hồng có thể theo phương pháp lồng bè hoặc nuôi trong ao đất, ao xi măng. Trên cơ sở thành công của mô hình, các địa phương, hộ dân có thể tham khảo, tham gia nuôi loại cá này để phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn bài viết: http://www.baobackan.org.vn/channel/1121/201411/nuoi-ca-dieu-hong-cho-hieu-qua-cao-2352639/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ