Cá bống tượng Quy trình kỹ thuật sinh sản cá bống tượng

Quy trình kỹ thuật sinh sản cá bống tượng

Tác giả Đoàn Quân, ngày đăng 16/03/2018

Quy trình kỹ thuật sinh sản cá bống tượng

Cá bống tượng thân hình thoi tròn, thịt dày, ngon, có giá trị kinh tế, được nuôi nhiều ở các tỉnh phía nam.

Cho thức ăn vào sàng để kiểm tra thức ăn của cá bố mẹ 

Chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ phải khỏe mạnh, không dị hình, không nhiễm bệnh, độ tuổi 1 năm trở lên, trọng lượng >200g. Cá bố mẹ không thương tật, dị tật, mất nhớt. Đặc biệt không sử dụng cá câu, cá mắc lưới, chích điện để nuôi vỗ. Trước khi thả cá nuôi vỗ phải tắm cho cá bằng nước muối 2% trong 3 - 5 phút.

Ao nuôi vỗ có diện tích 500 - 1.000m2, mực nước sâu 1 - 1,2m. Cải tạo ao thật kỹ, bón vôi bột 2 - 10 kg/100m2, phơi đáy ao 3 - 5 ngày, sau đó lấy nước vào ao.

Ao nuôi vỗ cá bố mẹ cần đảm bảo: nhiệt độ nước 28 - 310C; pH 6,5 - 8; ôxy hòa tan 3 - 4 mg/l.

Mật độ và chăm sóc

Cá bố mẹ thả với mật độ 0,2 - 0,3 kg/m2 ao. Nếu nuôi riêng cá đực 0,5 kg/m2; cá cái 0,2 kg/m2. Nếu nuôi vỗ chung thì tỷ lệ đực cái 1:1

Hằng ngày cho cá ăn bằng cá vụn, cá tạp tươi sống, ốc, tép. Thức ăn cắt vừa miệng cá, cho thức ăn vào sàng để kiểm tra sức ăn của cá bố mẹ và điều chỉnh. Cứ 50m2 thì đặt 1 sàng ăn. Cho cá ăn ngày 2 lần, sáng và chiều.

Hằng ngày kiểm tra thức ăn, chất lượng nước, định kỳ 1 tuần thay 20 - 30% lượng nước ao.

Kiểm tra độ thành thục của cá: Khi cá đã thành thục, vuốt nhẹ gần gai sinh dục sẽ có sẹ trắng chảy ra. Cá cái có gai sinh dục lớn hơn, dài, đầu gai sinh dục tròn, có màu đỏ ửng, bụng to tròn; dùng que thăm trứng thấy trứng đều, hơi rời, kích thước 0,5 - 0,6mm là cá đã sẵn sàng đẻ trứng.

Cho cá đẻ tự nhiên trong ao

Ao cho cá đẻ được cải tạo và diệt tạp tốt, thả cá bố mẹ vào nuôi vỗ, mật độ nuôi 5 - 10 kg/100m2 ao.

Đặt giá thể xuống ao (gạch tàu, mê bồ), đặt ở bào ao nghiêng 450, cách đáy ao 20cm.

Đến nước ròng, cho nước chảy vào ao nuôi mạnh, cá kích thích tự sinh đẻ và trứng nở tự phát triển trong ao.

Thời gian này, gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên cho cá; cho cá con ăn bằng thức ăn nhân tạo như ương cá con. Cá lớn vẫn tiếp tục cho ăn cỡ lớn vừa, cá phát dục đẻ tiếp trong ao.

Cho cá đẻ nhân tạo

Muốn thu được nhiều trứng phải dùng kích dục tố: Liều lượng sử dụng cho 1kg cá cái là 1 - 2mg đối với não thùy và 250 - 300 UI đối với HCG, liều lượng tiêm cho cá đực bằng 1/3 - 1/2 cá cái.

Sau khi tiêm kích dục tố, thả cá vào ao đặt sẵn giá thể, thường sau 10 - 12 giờ tiêm thì cá đẻ.

Thụ tinh nhân tạo và ấp trứng

Sau khi tiêm kích dục tố, đến thời điểm cá rụng trứng, tiến hành vuốt trứng và sẹ, sau đó rải trứng lên giá thể rồi đem ương. Nếu ấp trứng bằng bình Weys thì phải khử dính trứng bằng nước dứa hoặc dung dịch tananh.

Môi trường ấp trứng phải đảm bảo nhiệt độ 28 – 300C, ôxy hòa tan >5mg/l, pH 7 - 7,5; nước sạch, không nhiễm hóa chất và sinh vật hại trứng.

Mật độ ấp 1.000.000 - 1.500.000 trứng/m3 nước. Nếu ấp trứng theo phương pháp nước tĩnh có sục khí thì mỗi ngày thay nước 2 lần, mỗi lần 50 - 80%. Tùy thuộc nhiệt độ và phương pháp ấp, trứng sẽ nở sau 34 - 82h. Cá nở sau 2 - 3 ngày chuyển sang bể ương.

Ương cá bột

Chuẩn bị ao ương: Ao ương có diện tích 200 - 500m2, nước sâu 0,8 - 1m. Ao được cải tạo kỹ (san vét bùn đáy, lấp hang hố, sạch cây cỏ...). Nước bơm vào ao cần được lọc kỹ qua lưới lọc. Nếu trong ao có cá thì cần diệt bằng dây thuốc cá 2 kg/100m3 nước.

Đáy ao được san phẳng, thấp dần về phía cống thoát. Dùng vôi bột liều lượng 7 - 10 kg/100m2, phơi nắng ao 2 - 5 ngày. Ao ương cần đảm bảo nhiệt độ nước 28 - 300C, hàm lượng ôxy hòa tan 4 - 5 mg/l, pH 6,5 - 7,5

Mật độ thả: Cá bột sau 3 ngày vừa hết noãn hoàng, thả với mật độ 200 - 300 con/m2.

Chăm sóc và cho ăn

Sau khi thả cá bột vào ao ương phải cho ăn ngay.

10 ngày đầu cho cá ăn 5 lòng đỏ trứng gà (vịt) và 0,5kg bột đậu nành/100m2 ao trong ngày. Cho ăn 5 lần/ngày.

15 ngày tiếp theo 6 - 8 lòng đỏ trứng và 0,6 - 0,7kg bột đậu nành/100m2/ngày. Cho ăn 4 lần/ngày.

Từ ngày thứ 26 đến 40 (cá đạt 2 - 3cm): cho ăn trùn chỉ, cá tạp, tép, ốc xay nhuyễn. Lượng thức ăn trong ngày 0,5 - 1,5 kg/ngày/100m2 ao.

Lưu ý: Cá sau 20 ngày tuổi có thể ăn được động vật phù du, côn trùng... Vì vậy có thể gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên.

Kiểm tra cá: Dùng ống tre hoặc ống nhựa PVC đặt dưới ao để cá chui vào; khi muốn kiểm tra thì bịt hai đầu ống rồi đưa cá lên.

Sau giai đoạn này có thể ương tiếp 3,5 - 4 tháng nữa, cá sẽ đạt 8 - 10cm. Từ giai đoạn này nuôi thêm 2 tháng sẽ thành cá lứa 50 - 70g/con để nuôi thành cá thịt.

Nếu ương cá bống tượng trong bể xi măng hoặc bể bạt thì phải sục khí trong suốt quá trình ương, xiphong bể để loại bỏ chất thải, thức ăn thừa. Khi cá giống lớn, thay hằng ngày 10 - 20% lượng nước trong bể, để đảm bảo cá phát triển và phòng dịch bệnh.

>> Cá bống tượng (Oxyleotris marmorata) có kích thước lớn nhất trong họ cá bống nước ngọt. ĐBSCL quanh năm nắng ấm và mưa, thích hợp cá bống tượng sinh trưởng, phát triển.

“Nuôi và quản lý sức khỏe cá mú”

Cá mú (cá song) là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển ở nước ta. Cá mú được nuôi theo nhiều hình thức như lồng bè, nuôi trong ao đất, cá mú thương phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Nhằm cung cấp kiến thức cho người nuôi cá, Hợp phần Hỗ trợ Nuôi trồng thủy sản Biển và Nước lợ (SUMA) đã biên soạn cuốn sách này. Điều đặc biệt của cuốn sách là thông qua các nhân vật như "người nuôi cá", "bác sĩ cá", "kỹ thuật viên" kết hợp với các hình ảnh sinh động, tình huống thực tế sẽ giúp người nuôi cá dễ hiểu và vận dụng vào công việc chăm sóc cá, phòng trị bệnh được hiệu quả hơn, từ đó mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Tuấn Tú 


Nuôi cá bống tượng mùa lũ Nuôi cá bống tượng mùa lũ Nuôi cá bống mú thương phẩm Nuôi cá bống mú thương phẩm