Hạn chế đổ ngã, sâu bệnh vụ Thu Đông
Mưa, triều cường đã khiến một số diện tích lúa Thu Đông bị đổ ngã, làm giảm năng suất 10- 15%. Để đảm bảo năng suất, chất lượng vụ lúa, bên cạnh việc thực hiện giải pháp hạn chế đổ ngã, nông dân cũng cần chú ý phòng trừ dịch bệnh.
Nông dân cần áp dụng kỹ thuật canh tác để lúa hạn chế đổ ngã, góp phần tăng năng suất, thu nhập.
Mưa lớn gây đổ ngã
Theo Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), do ảnh hưởng của các cơn mưa nên lúa giai đoạn chín bị đổ ngã tăng hơn so với tuần trước, tỷ lệ phổ biến 15- 25%, có nơi lên đến 40- 50%, tại huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Cán bộ kỹ thuật, Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật huyện Tam Bình, cho hay: Toàn huyện xuống giống vụ Thu Đông trên 12.000ha, tỷ lệ đổ ngã không nhiều, xảy ra ở xã Hậu Lộc, Hòa Thạnh, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc, trong đó có 35ha đổ ngã từ 40- 50%. Với các diện tích lúa bị đổ, ngã do mưa lớn, thì tỷ lệ thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất khoảng 10- 15%. Nguyên nhân đổ ngã do phần lớn những nơi này nông dân bón thừa phân đạm, làm lúa bị yếu gốc, đồng thời ảnh hưởng của mưa, bão, lốc xoáy, dịch bệnh cũng có ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ. Hiện toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 8.000ha, năng suất lúa khô từ 5,6- 5,7 tấn/ha. Vụ này cho năng suất khá. Theo chị Nguyệt, thời gian gần đây nông dân đã có ý thức sử dụng giống chất lượng cao để tăng năng suất, chất lượng và hạn chế sâu bệnh.
Còn tại Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cho biết: Vụ Thu Đông 2021, toàn huyện xuống giống được trên 4.100ha, giảm hơn 1.200ha so cùng kỳ. Đến nay thu hoạch trên 1.900ha, năng suất bình quân đầu vụ ước đạt 5,8 tấn/ha. Toàn huyện có khoảng 90ha lúa đổ ngã xảy ra ở xã Hòa Bình, Xuân Hiệp, Hựu Thành... với tỷ lệ 5- 10%.
Ông Tám cho biết thêm, tháng qua tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ở mức trung bình, các đối tượng gây hại chủ yếu là đạo ôn cổ bông, tỷ lệ 3- 5%; lem lép hạt, tỷ lệ 5- 10%; vàng lá vi khuẩn, tỷ lệ 5- 10%...
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật, cho biết: Tính đến tuần cuối tháng 10/2021, diện tích lúa Thu Đông 2021 đã xuống giống trên 42.300ha, đạt 91% so kế hoạch. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, chủ yếu lúa đang giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh-chín; diện tích thu hoạch trên 20.000ha, năng suất bình quân 5,76 tấn/ha. Sinh vật gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn chắc xanh- chín.
Cụ thể, diện tích nhiễm trong tuần qua trên 4.200ha, tăng gần 200ha so với tuần trước do tình hình thời tiết chiều, tối mưa lớn liên tục nên ẩm độ cao, đồng thời kết hợp giai đoạn lúa trổ chín rất thích hợp cho bệnh hại phát sinh và phát triển mạnh (nhất là bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá) nhưng tỷ lệ nhiễm nhẹ đến trung bình.
Phòng trừ dịch bệnh
Theo Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật, các trà lúa Thu Đông đang giai đoạn trổ- chín đến thu hoạch nhưng hiện nay do thời tiết mưa nhiều kèm theo gió lớn nên nông dân cần chú ý việc đổ ngã. Bởi thời gian tới, diện tích lúa bị đổ ngã có thể tăng, nhất là trên trà lúa chắc xanh- chín.
Đồng thời, diện tích và mức nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn- lem lép hạt có thể tăng do điều kiện thời tiết mưa nhiều và giai đoạn lúa trổ chín (trên trà muộn) thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển. Đặc biệt, lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML 202, IR 50404, OM 5451, OM 4900, Đài Thơm 8,… có thể nhiễm mức trung bình. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông (thối cổ gié) và lem lép hạt cần phun ngừa bệnh 2 thời điểm: lúc lúa trổ lẹt xẹt (khoảng 5%) và phun lại lúc lúa trổ đều.
Để hạn chế đổ ngã, phòng tránh tình trạng ngập úng do lũ, triều cường cho diện tích lúa còn lại trên đồng phải thăm đồng thường xuyên, gia cố đê bao, cống đập vững chắc, đào rãnh thoát nước tạo điều kiện thuận lợi để chủ động rút nước kịp thời khi có mưa to, đối với những ruộng không chủ động nguồn nước thì phải chuẩn bị sẵn máy bơm để thoát nước khi cần thiết.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm ruộng, hạn chế được tình trạng sâu bệnh, đổ ngã vào mùa mưa, chú Nguyễn Thành Tâm (xã Hậu Lộc, Tam Bình), cho hay: “Đầu vụ, tôi làm đất kỹ, sạ thưa và bón phân cân đối để giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh hơn, bám đất sâu hơn. Nhờ vậy mà lúa ít bị thiệt hại hơn so với các ruộng khác”.
Bên cạnh đó, theo chị Nguyệt: Nông dân nên điều chỉnh lượng phân đạm theo đúng liều lượng bằng bảng so màu lá lúa, bổ sung phân chứa nhiều Silic giúp lúa cứng cây hơn như: Kali Silic, NPK + Silic,… Song song đó, chú ý phòng trừ tốt các loại dịch hại nhất là các loại làm hư thân, lá, như: đốm vằn, cháy bìa lá, vàng lá chín sớm, đạo ôn các loại bệnh này làm lá lúa và thân khô nhanh nên sẽ dễ đổ ngã hơn.
Ông Nguyễn Văn Tám, cũng khuyến cáo: Việc áp dụng kỹ thuật canh tác để lúa hạn chế đổ ngã sẽ góp phần tăng năng suất, thu nhập. Nông dân cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ