Mô hình kinh tế Cấm triệt để các hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Cấm triệt để các hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt

Tác giả Hà Phương - Báo Ninh Bình, ngày đăng 30/07/2019

Cấm triệt để các hình thức khai thác thủy hải sản tận diệt

Việc khai thác thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt đang khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút nghiêm trọng. Do vậy, cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ra Thông tư số 19 về việc hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, nhiều nghề, ngư cụ như lưới kéo, lồng xếp, te, xiệp, rê trích…sẽ bị cấm sử dụng.

Hàng trăm ngư dân sẽ bị ảnh hưởng

Lồng xếp (hay còn gọi là lờ dây, bát quái, lừ, dớn…) là ngư cụ khai thác phổ biến của các ngư dân vùng biển gần bờ do tính năng xếp gọn, kỹ thuật khai thác đơn giản, đánh bắt nhiều loại thủy sản và cho hiệu quả cao. Một bộ lồng xếp dài khoảng 5-10m, bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, được tạo thành từ các khung sắt hình chữ nhật xếp song song và liên kết với nhau bằng áo lưới có kích thước mắt lưới từ 6mm-10mm, dọc theo thân lồng có nhiều cửa hom để thủy sản đi vào nhưng không có cửa ra. 

Nguyên lý hoạt động của lồng xếp là đặt sát đáy các vùng ven bờ có độ sâu thấp từ 3m-15m để bẫy, ngăn cản đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ hải sản. Ngư cụ này có tính chọn lọc rất thấp, tỷ lệ các loài thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn quy định chiếm khoảng 70% tổng sản lượng khai thác, do vậy đây là nghề nằm trong danh mục nghề khai thác thủy sản bị cấm.

Chính những ngư dân đang làm nghề lồng xếp ở vùng biển Kim Sơn cũng thừa nhận việc khai thác thủy hải sản bằng cách này đã khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút. “Với lồng xếp, tôm, cá, loại to, loại nhỏ đều bắt được hết. Sản lượng thủy hải sản vùng này đã giảm tới 1/3 thậm chí 2/3. Nhiều chủng loại cá như nhiệc, bớp…giờ hầu như không còn xuất hiện” – anh Đinh Văn Thủy, xóm 8A, thị trấn Bình Minh cho biết.

Theo Thông tư số 19, ban hành cuối năm 2018 của Bộ Nông nghiệp &PTNT về việc hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thì ngoài nghề lồng xếp, có rất nhiều nghề, ngư cụ khác trong khai thác thủy sản sẽ bị cấm. Cụ thể: Vùng ven bờ cấm nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi, ruốc), nghề lồng xếp, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực); nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm.

Vùng nước nội địa (khai thác thủy sản trên sông và vùng nội đồng) cấm nghề lồng xếp; nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm. Ngoài ra Thông tư này cũng quy định kích cỡ mắt lưới cụ thể cho từng loại ngư cụ.

Tại Ninh Bình, hiện có khoảng 140 tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển và hơn 400 tàu thuyền khai thác thủy sản vùng nước nội địa. Chiểu theo quy định này thì sẽ có hơn 30 hộ ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ ven bờ biển (chủ yếu làm nghề lồng xếp) và khoảng 300 tàu thuyền nội đồng sẽ bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề hoặc ngưng hoạt động.

Cần có giải pháp để đảm bảo sinh kế cho bà con

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cân bằng sinh thái cũng chính là bảo vệ nguồn sinh kế lâu dài của người dân. Do vậy, đa số ngư dân đồng tình với chủ trương không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các ngư cụ bị cấm trong khai thác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có hỗ trợ của Nhà nước cũng như thời gian để họ chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi sang các ngư cụ mới thay thế.

“Chiếc lồng này có giá 400 nghìn/1 chiếc, trong khi đó một thuyền phải sử dụng tới 300-500 chiếc như vậy, tương đương với khoảng 200 triệu đồng, 70% số vốn đó là phải đi vay lãi. Nay Nhà nước cấm ngặt thế, sinh kế của gia đình 6 miệng ăn, giờ không biết tính sao?” - ông Trần Văn Trung, một ngư dân làm nghề lồng xếp ở vùng biển huyện Kim Sơn cho hay.

Một ngư dân khác chia sẻ: “Chủ trương của Nhà nước, bà con ngư dân chúng tôi rất ủng hộ. Cũng muốn thủy hải sản trong vùng phong phú lên nhưng ngặt nỗi từ khi lớn lên đến giờ, chúng tôi chỉ biết mỗi nghề này để kiếm sống. Giờ phải chuyển đổi thì không biết chuyển nghề gì cho phù hợp rồi lấy tiền đâu để đầu tư ngư cụ mới?”.

Khai thác thủy sản là nghề hoạt động có điều kiện, trong đó quy định bắt buộc là phương tiện khai thác của ngư dân phải được đăng ký, đăng kiểm (tàu khai thác ven bờ cũng phải có đăng ký) và ngư dân hoạt động bất cứ nghề khai thác nào cũng cần phải được cấp giấy phép khai thác. Nếu ngư dân thực hiện đúng quy định, chỉ khai thác nghề đã được cấp phép thì sẽ không huy động vốn để đầu tư cho nghề rồi để bị ảnh hưởng đời sống như hiện nay. 

Do vậy, chính mỗi ngư dân cần thiết phải làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như có chính sách khuyến khích, vận động hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp&PTNT) cho biết: Các nghề, ngư cụ gây hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sản đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá, nghiên cứu và có cơ sở rõ ràng. Do vậy không thể nói nghề này, nghề kia ít ảnh hưởng, không nên cấm. Tất cả đã được quy định rõ trong Luật Thủy sản và các văn bản quy định của Nhà nước. 

Thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ những tác hại, ảnh hưởng to lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái tại các vùng nước ven bờ do việc khai thác thủy sản bằng các ngư cụ này. Khuyến khích vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra, rà soát trên bờ, dưới nước đối với việc tàng trữ, sử dụng các ngư cụ, công cụ bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản tận diệt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo các nhà chuyên môn, trên hệ thống sông ngòi của tỉnh Ninh Bình có rất nhiều bãi đẻ của các loại thủy sản như khu vực ngã ba sông Lạng, sông Bôi, sông Hoàng Long ở khu vực quanh cầu Đế; bãi đẻ dọc sông Hoàng Long từ ngã ba Gián Khẩu đến trạm bơm Gia Viễn; bãi đẻ sông Đáy từ Ninh Phúc đến cửa Kim Đài; bãi đẻ sông Vạc, sông Vân…

Do vậy, chỉ cần thực hiện tốt việc ngăn chặn các nghề khai thác thủy sản có tính tận diệt trong vòng 2 năm thì vùng biển Ninh Bình sẽ giàu có nguồn lợi thủy sản trở lại.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Làm giàu từ cây na trên vùng sỏi đá Làm giàu từ cây na… Hiệu quả thâm canh nhãn VietGAP Hiệu quả thâm canh nhãn…