Nấm bào ngư Các vấn đề thường gặp khi trồng nấm bào ngư xám vàng trắng Nhật

Các vấn đề thường gặp khi trồng nấm bào ngư xám vàng trắng Nhật

Tác giả Trung Văn, ngày đăng 26/09/2016

Các vấn đề thường gặp khi trồng nấm bào ngư xám vàng trắng Nhật

Nấm bào ngư hiện nay được trồng rất phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên cả nước vì nấm bào ngư là loại dễ trồng, dễ phát triển trên nhiều loại gỗ khác nhau do đó mà chúng còn được gọi là loài thực vật dị dưỡng phá gỗ và háo đường. Nấm dễ sống nhưng người trồng nấm không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi, thu về lợi nhuận cao. Sau đây là một vài lỗi thường gặp khi trồng nấm bào ngư:

Nấm phát triển không bình thường, tai nấm biến dạng hoặc ngưng tạo quả thể

So với nhiều loại thực vật khác, nấm nói chung và các loại nấm bào ngư nói riêng là loài rất nhạy cảm với môi trường sống. Bên cạnh các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng của trại trồng nấm thì các điều kiện: pH, nồng độ CO2 trong quá trình xử lý nguyên liệu cũng rất quan trọng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển nấm bào ngư cực kỳ nhạy cảm với các tác nhân ô nhiễm môi trường: Bụi, thuốc trừ sâu, các kim loại nặng…

Do đó, ngay từ ban đầu người trồng nấm bào ngư phải chuẩn bị một trại trồng nấm đủ tiêu chuẩn đáp ứng các điều kiện trên một cách tốt nhất. Hạn chế tối đa việc người lạ tiếp xúc với nấm, ra vào trại nấm phải được khử trùng và mặc đồ phù hợp. Các trại nấm tốt nhất nên tránh xa các khu dân cư để tránh được các tác động xấu. Cũng cần phải chú ý đến việc chọn nguyên liệu và khử trùng trước khi cấy meo nấm bào ngư.

Nấm bị chậm phát triển, hoặc chết yểu.

Có rất nhiều loại bệnh gây nhiễm cho nấm khác nhau, có hai loại nhiễm bệnh phổ biến hay xuất hiện ở cây nấm: Mốc xanh và ấu trùng ruồi.

Nấm bào ngư bị nhiễm bệnh mốc xanh

Mốc xanh hay còn được gọi là Trichoderma.sp, đây là loại mốc dễ phát triển trên nhiều loại gỗ khác nhau. Khi bị nhiễm bệnh mốc xanh, ta sẽ thường thấy trên bịch phôi nấm bào ngư sẽ có các vết thâm đen loang lỗ. Bệnh này sẽ làm chậm sự phát triển của nấm, đem lại năng suất thấp. Muốn loại bỏ bệnh này, chúng ta cần thực hiện tốt ngay từ bước chuẩn bị nguyên liệu – khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm, hoặc nâng độ pH của môi trường.

Nấm bào ngư bị tấn công bởi các ấu trùng ruồi

Ấu trùng ruồi hay còn gọi là dòi, đây là bệnh thường thấy ở nhiều loại củ quả. Các ấu trùng sẽ chui vào các khe của phiến nấm, chúng sẽ cắn phá các phiến nấm làm hoại tử các tế bào nấm. Nhiễm bệnh này, nấm thường bị lủng và thối. Cần lưu ý là, tốc độ sinh sản của ấu trùng ruồi này là rất nhanh, do đó có thể gây thiệt hại lớn cho người trồng nấm. Để tránh được vấn đề này, trại nấm bào ngư nên có các lưới chắn, ngăn các sinh vật như ruồi muỗi lọt vào. Bên cạnh đó, người trồng nấm phải liên tục vệ sinh nhà trại sạch sẽ có khoa học.

Bịch phôi nấm bào ngư bị úng, nhũn vì quá nhiều nước.

Là loài có sức sống mạnh, tuy nhiên nấm bào ngư cũng khá nhạy cảm với môi trường. Nếu nhiệt độ trại nấm bào ngư đột ngột tăng giảm thì có thể làm nấm ngừng tăng trưởng, không mọc hoặc héo nhũn. Trong quá trình tưới nấm, người trồng nấm không điều tiết được lượng nước vùa đủ, thì sẽ gây úng, hỏng bịch phôi. Trường hợp nước tưới không sạch, bị nhiễm các tạp chất, cũng sẽ làm cho tai nấm bị chết, héo, không bắt mắt.

Người trồng nấm bào ngư bị dị ứng khi chăm sóc nấm

Có một điều cần lưu ý là bào tử nấm bào ngư có thể gây dị ứng cho người chăm sóc và những ai tiếp xúc thường xuyên với nấm bào ngư. Tuy nhiên theo kết quả ghi nhận thì tỷ lệ người dị ứng là không cao.

Trường hợp bị dị ứng, người dị ứng thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, mệt mỏi, nhiều vết đỏ ở tay, nhức đầu và ho do bào tử nấm xâm nhập vào cuống phổi nhưng dùng kháng sinh là khỏi, tuy nhiên nếu đã di ứng với bào tử nấm thì sẽ tái đi tái lại nếu tiếp tục tiếp xúc với bào tử. Do vậy để tránh hít phải bào tử nấm trong quá trình tiếp xúc, chúng ta nên đeo khẩu trang khi vào khu vực nhà trồng, nhất là vào sáng sớm khi trời còn lạnh.

Năng suất trồng nấm bào ngư thấp, không đạt hiệu quả kinh tế

Đây là vấn đề chung của nhiều người trồng nấm hiện nay, năng suất nấm thu hoạch là chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi đó kinh phí đầu tư rất cao. Để có được hiệu quả cao, lâu dài. Người trồng nấm cần phải đảm bảo

- Các thành phần dinh dưỡng có trong bịch phôi nấm bào ngư đầy đủ nhất
- Vệ sinh phòng bệnh cho nấm bào ngư, vệ sinh trại trồng nấm, khử trùng các nguyên liệu đầu vào
- Lựa chọn con giống
- Kỹ thuật chăm sóc, tưới nước và thu hái.
- Ổn định đầu ra

Sản phẩm nấm bào ngư làm ra không có nơi để tiêu thụ

Hầu như các nhà trồng nấm đều không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Do đó mà người trồng nấm gặp rất nhiều khó khăn để ổn định nguồn thu nhập. Sản phẩm làm ra chất lượng nhưng chưa được thị trường đón nhận. Trong khi đó các sản phẩm nấm từ thị trường Trung Quốc lại ào ạt tràn vào nước ta làm cho thị trường nấm bào ngư cạnh tranh gay gắt.


Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu quả Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu… Cách Nuôi Treo Bào Ngư Trên Biển Cách Nuôi Treo Bào Ngư Trên Biển