Một Số Lưu Ý Về Kỹ Thuật Canh Tác Giống Mía ROC22
Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT thiết kế nhỏ gọn, lưu lượng khí lớn, áp suất mạnh. Phù hợp để lắp đặt sục khí ao nuôi tôm, trại giống, ương tôm, nuôi tôm nhà màng …
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
Sản phẩm khuyên dùng
Chúng tôi tự hào giới thiệu Ống thông khí Nano-Tube bọt khí mịn, oxy hoà tan cao, cải tiến quan trọng để khuếch tán oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi tôm công nghệ cao.

Một Số Lưu Ý Về Kỹ Thuật Canh Tác Giống Mía ROC22

Ngày đăng 02/08/2013

Một Số Lưu Ý Về Kỹ Thuật Canh Tác Giống Mía ROC22

Giống ROC22 có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu mía đường Đài Loan, do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia nhập nội và đưa vào mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia vùng Nam Trung bộ từ 1999-2004, đã được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử từ năm 2004. Giống ROC22 đã được sản xuất thử từ năm 2005-2009 tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa trên diện tích từ 250-300 ha mỗi năm.

Đặc tính nông - công nghiệp của giống ROC22: Thời gian mía chín rất sớm từ 328-345 ngày (11 - 11,5 tháng), riêng vụ mía gốc thời gian mía chín từ 315-330 ngày; mía đẻ rất khoẻ và tái sinh gốc tốt; thân hình trụ, màu phớt tím, lóng dài từ 10-13 cm, có 31-34 lóng/thân; lá cong, phiến lá màu xanh đậm, bẹ lá phớt tím, có nhiều lông tơ, tai lá hình mũi mác nhỏ; mầm mía hình bầu dục hơi lồi; cây cao từ 312-360 cm, chiều cao nguyên liệu từ 282-330 cm.

Năng suất mía cây từ 90-120 tấn/ha, năng suất tính theo CCS 10% từ 120-160 tấn/ha. Hàm lượng đường CCS từ 12,88-16,00%. Chịu hạn rất tốt; tương đối cứng cây, chống đổ trung bình; ít nhiễm bệnh thối đỏ ngọn; hơi nhiễm sâu đục thân vào giai đoạn mía chín (từ 6-8%). Giống mía ROC22 thích ứng rộng trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát, đất phù sa, đất đỏ vàng, đất đen, đất xám bạc màu và đất gò đồi bát úp có độ dốc thấp.

Kết quả khảo nghiệm cơ bản (diện hẹp) giống ROC22 từ năm 2002-2004 tại vùng Nam Trung bộ, năng suất từ 105-133 tấn/ha; hàm lượng đường CCS từ 12,88-16,00%.

Sản xuất thử giống ROC22 từ năm 2005-2009 tại Quảng Ngãi, diện tích từ 170-200 ha/năm, năng suất từ 84-106 tấn/ha; hàm lượng đường CCS từ 12,89-15,99% (phân tích tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quảng Ngãi - chưa nhân hệ số K theo chế biến công nghiệp); lãi thuần từ 8-20 triệu đồng/ha/năm.

Về ưu điểm của giống ROC22 như sau: Chín sớm; đẻ nhánh khỏe, tái sinh gốc rất tốt; vươn lóng nhanh; năng suất cao (90-120 tấn/ha); hàm lượng đường CCS cao (13-15%); chịu hạn tốt, ít nhiễm bệnh thối đỏ ngọn; không trổ cờ vào thời kỳ mía chín (11,5 tháng sau trồng).

Nhược điểm: Hơi nhiễm sâu đục thân ở giai đoạn mía chín; khi mía chín ngọn mía tóp cụt; khả năng chống đổ ngã trung bình.

Một số lưu ý về kỹ thuật trồng, chăm sóc mía tơ và mía gốc:

1. Đối với vụ mía tơ

- Thời vụ trồng: Theo khung thời vụ tốt nhất của mỗi địa phương; riêng vùng Nam Trung bộ, chính vụ mía trồng từ tháng 2- 3; rải vụ mía trồng tháng 4-6.

- Chọn đất và làm đất:

Chọn đất: Đất thịt pha cát, cát pha thịt; tầng canh tác 25-40 cm; pH 4,5-6,5.

Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, độ sâu 30-35 cm, bằng phẳng, nhuyễn và sạch cỏ dại. Trước khi cày lần cuối bón lót vôi 800-1.000 kg vôi bột/ha. Thiết kế hàng mía theo hướng Đông – Tây.

Rạch hàng mía: Khoảng cách giữa 2 hàng mía rộng 1 m đối với đất phù sa và 0,9 m đối với đất xám bạc mầu. Rãnh mía rộng 30- 40 cm, sâu 25-30 cm, đáy 20 cm.

Hệ thống tưới tiêu nước: Theo băng (liếp) từ 5-10 m có 1 rãnh, hướng Nam - Bắc và rãnh xung quanh ruộng. Rãnh rộng 30- 35 cm, sâu 25 cm, đáy rãnh 20 cm.

Ưu tiên làm đất, rạch hàng và trồng mía bằng các loại máy cơ giới.

- Chọn hom, lượng hom giống và xử lý hom giống:

Chọn hom: Chọn ở ruộng 4 tốt: ruộng giống tốt, cây tốt, hom tốt và mầm tốt. Hom tươi, chiều dài 25- 30 cm, đường kính hom ≥ 2 cm, có 2- 3 mắt mầm/hom, không sâu bệnh.

Lượng hom: 38.000 hom/ha (đất phù sa) và 40.000 hom/ha (xám bạc màu).

Xử lý hom: Hom chặt xong, nhúng vào nước vôi trong 1,5- 2% trong 30 giây. Có thể trồng ngay hoặc phơi hom 2-3 nắng, sau đó ngâm trong nước lạnh 8-12 giờ, ủ hom 3-4 ngày để nhú mầm mới đem trồng.

Cách đặt hom: Hom mía đặt nằm sao cho mắt mầm về 2 phía, hom đặt nối đuôi nhau, 1 m 4 hom mía. Nếu đất ướt thì đặt hom mía xiên 1 góc 30o.

- Phân bón và cách bón:

Lượng phân bón:

Đất phù sa: 10 tấn hữu cơ + NPK (180: 90: 180) + 1.000 kg vôi (10 tấn hữu cơ + 390 kg urea + 600 kg lân Văn Điển + 300 kg kaliclorua + 1.000 kg vôi/ha).

Đất xám bạc màu: 10-20 tấn hữu cơ + NPK (210: 110: 210) + 800 kg vôi (10-20 tấn HC + 450 kg urea + 730 kg lân Văn Điển + 350 kg kaliclorua + 800 kg vôi/ha).

- Chăm sóc:

Dặm tỉa mía: Sau trồng 15 - 22 ngày (cây mía có 1 lá thật) kiểm tra đồng ruộng, dặm những vị trí mía không mọc mầm để đảm bảo mật độ cây.

Xới, làm cỏ sạch kết hợp bón phân thúc đợt 1 cho mía; xới, kết hợp bón phân thúc đợt 2, đợt 3 và vun cao gốc chống đổ.

Bóc lá khô, tỉa mầm, định cây vào 2 giai đoạn mía đẻ nhánh và vươn lóng.

- Tưới nước mía: Chỉ thực hiện ở vùng mía thâm canh chủ động tưới tiêu, cách tưới theo phương pháp tưới thấm, đưa nước vào rãnh và tưới theo hàng mía, chú ý đối với đất xám bạc màu tưới từ 2-3 lần/vụ vào thời kỳ: mía đẻ nhánh (30-35 ngày), hình thành lóng và vươn lóng; đối với đất phù sa tưới vào thời kỳ mía đẻ nhánh và vươn lóng.

Riêng đất không có khả năng tưới nước mà dựa vào nước trời thì chọn thời điểm đất còn ẩm trong tháng 2-3 dương lịch để xuống giống và lợi dụng các cơn mưa giông hoặc mưa tiểu mãn để bón phân thúc cho mía.

- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Cần lưu ý các loại sâu bệnh chính sau: kiến, sùng đất, bọ hung và sâu đục thân mía. Trừ sâu hại mía theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.

- Thu hoạch mía: Khi mía chín, lá chuyển vàng, ngọn tù, thân có da tím bóng. Dùng dao, diều bén chặt sát gốc, thu đến đâu vận chuyển ngay về nhà máy để giảm tổn thất về sản lượng và chất lượng đường.

2. Đối với vụ mía gốc

Chỉ để liên tiếp 2 vụ mía gốc sau một vụ mía tơ. Sau khi thu hoạch mía 5-10 ngày tiến hành vụ mía gốc 1 như sau:

- Vệ sinh đồng ruộng: Sau khi thu hoạch mía vụ tơ, tiến hành thu gom toàn bộ lá, thân mầm, cỏ dại ủ thành đống ở góc ruộng để bón cho ruộng mía, không nên đốt lá mía. Chặt xén gốc mía bằng dao hoặc cuốc chặt sát gốc để mía mọc mầm đều.

- Làm đất: Dùng máy cày lưỡi nhỏ, cày bằng trâu bò, hoặc cuốc bằng tay để xả đất 2 bên hàng mía, xén bỏ các rễ già, kích thích rễ mới phát triển; đồng thời bón lót toàn bộ số lượng phân của đợt lót vào 2 bên mép hàng mía sau đó cày hoặc cuốc đất lấp phân lại.

- Trồng dặm: Kiểm tra mầm mía đã mọc nếu thấy khuyết không đảm bảo mật độ cây thì tiến hành trồng dặm vào các vị trí không đảm bảo mật độ. Khi trồng dặm phải đủ ẩm hoặc sau trồng dặm phải tưới nước.

- Sửa chữa, khơi thông hệ thống tưới, tiêu nước ruộng mía đã thiết kế ở vụ mía tơ để đảm bảo tưới tiêu chủ động cho vụ mía gốc.

- Lượng phân và cách bón: Cách bón và thời gian bón như mía tơ, riêng lượng phân bón cho mía gốc 1 sẽ tăng thêm từ 15-20% cho mỗi loại phân so với vụ mía tơ.

- Chăm sóc và thu hoạch mía: Thực hiện như chăm sóc và thu hoạch vụ mía tơ.

Sau khí xén gốc mía 100 ngày, cắt bỏ cây còi cọc, chỉ giữ lại 10-11 cây hữu hiệu/m2.


Sản phẩm khuyên dùng
Máy thổi khí AT-80 đang rất được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, lưu lượng khí lớn, hoạt động mạnh mẽ.
Sản phẩm khuyên dùng
Tima - Tủ điều khiển ứng dụng mạng không dây LoRa. Tima sử dụng giao thức truyền dữ liệu không dây tầm xa LoRa điều khiển thiết bị như máy bơm nước, động cơ điện…
2 Giống Mía Cao Sản 2 Giống Mía Cao Sản 5 Giống Lúa Được Khuyến Cáo Gieo Sạ Vụ Thu Đông 5 Giống Lúa Được Khuyến…